Cải cách hành chính đang là chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - TS Vũ Tiến Lộc (ảnh) đã chia sẻ với Báo Lao Động những trăn trở và kỳ vọng về vấn đề này trước thềm năm mới.
TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh:
- Trong những năm gần đây, Chính phủ đã tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế, phát động thành công 3 đợt sóng cải cách thủ tục hành chính quan trọng, xoá bỏ hàng nghìn giấy phép con; cắt giảm và đơn giản hoá 50%-60% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Mặc dù nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm nhưng môi trường kinh doanh vẫn bất hợp lý, một số bộ ngành triển khai cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng thủ tục và điều kiện kinh doanh vẫn còn nặng nề, rườm rà, thậm chí “đánh đố”.
Thưa ông, coi kinh tế tư nhân là cột trụ của nền kinh tế, đồng thời chỉ ra những “rào cản” đang cản trở doanh nghiệp, doanh nhân phát huy năng lực. Vì vậy, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ban, ngành, các địa phương tháo gỡ những “nút thắt” cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Ít nhất có 3 đợt sóng cải cách thủ tục hành chính quan trọng trong nhiệm kỳ này và nền tảng của 3 đợt sóng đó là những cải cách thể chế liên quan đến điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành và các quy định pháp luật khác liên quan đến kinh doanh nói chung.
Đợt sóng thứ nhất năm 2016 có thể coi là “màn chào hỏi” của Chính phủ với việc “khai tử” hàng loạt giấy phép con được quy định tại các thông tư của các bộ, ngành, xóa bỏ và đơn giản hóa hàng nghìn điều kiện kinh doanh được quy định trong các Nghị định của Chính phủ nhằm bảo đảm thực thi Luật Đầu tư năm 2014.
Đợt sóng thứ hai năm 2018 là “giai đoạn tăng tốc” đã cắt giảm và đơn giản hóa 50-60% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành qua việc tiếp tục sửa đổi các văn bản, quy phạm pháp luật để thực hiện các mục tiêu và giải pháp đề ra trong Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 sau này là Nghị quyết 02. Đây là những nghị quyết đóng vai trò như các đường ray cải cách ở nước ta.
Đợt sóng thứ ba đang được thực hiện quyết liệt trong năm 2020 trong bối cảnh COVID-19 là đợt sóng tiếp nối đà cải cách, mở đầu bằng Nghị quyết 68 đặt mục tiêu đơn giản hóa, cắt giảm thêm 20% các quy định về kinh doanh và thành lập tổ công tác rà soát và kiến nghị sửa đổi các quy định chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Cả ba đợt sóng cải cách thủ tục hành chính nhằm tới 2 “đích”: Nỗ lực tham gia hiệu quả vào 2 Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới là CPTPP và EVFTA song song với chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, thực hành nền kinh tế số của cách mạng 4.0.
Cải cách này đã góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam với những chuyển biến khá ấn tượng trên cả hai chỉ số năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Riêng về môi trường kinh doanh năm 2019, chúng ta đã tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng của thế giới. Đây là những con số biết nói!
Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay, đặc biệt khi dịch bệnh COVID-19 đã làm đảo lộn mọi quy luật trong cuộc sống xã hội cũng như sản xuất kinh doanh, thì việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh cần phải thực hiện triệt để, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.
Vì vậy, Nghị quyết số 68/NQ-CP đã đặt mục tiêu đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31.5.2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31.10.2020).
Tuy nhiên, thưa ông, doanh nghiệp vẫn còn bị trói buộc bởi hàng loạt thủ tục, quy định mang tính “cấm để dễ quản lý”, “không quản được thì cấm”...
- Rất tiếc là trong một chừng mực nào đó, điều này lại đúng. Mục tiêu đưa ra năm 2020 nằm trong 3 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh hàng đầu trong khu vực ASEAN. Nhưng hiện nay, chúng ta đang đứng thứ 5, thứ 7, có nghĩa chúng ta đã chuyển động nhưng thế giới còn chuyển động nhanh hơn.
Có những cải cách hành chính, chúng ta cứ tưởng những điều văn bản luật mới gây cản trở, nhưng có những quy định trong biểu đính kèm tưởng rất nhỏ nhưng lại gây khó khăn không ít cho doanh nghiệp. Hệ thống pháp luật kinh doanh hiện tại vẫn còn không ít quy định chưa đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đây chính là những “nút thắt” cản trở sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm của doanh nhân, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, không khác gì những tảng đá chặn dòng chảy cuồn cuộn của những dòng sông đang hướng ra biển lớn.
Theo ông, tại sao vẫn có hiện tượng “bỏ lọt” những quy định có sạn, những quy định đã được cải cách nhưng vẫn trói buộc doanh nghiệp bằng hàng loạt quy định về thủ tục hành chính như vậy?
- Trước hết là do năng lực của bộ phận ban hành văn bản. Cần phải thẳng thắn nhìn vào thực tế rằng, sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội vào quá trình xây dựng pháp luật còn chưa đều tay. Năng lực phản biện, góp ý chính sách của nhiều hiệp hội còn yếu.
Nguồn lực dành cho công tác nghiên cứu, phản biện chính sách của các hiệp hội còn hạn hẹp. Có lúc có nơi, việc hợp tác giữa các cơ quan chính quyền với doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ.
Bên cạnh đó, tính minh bạch trong quá trình soạn thảo văn bản còn nhiều hạn chế. Việc xác định thủ tục hành chính rút gọn còn thiếu chính xác theo đúng tinh thần của luật. Việc đăng tải văn bản và các lập luận giải trình, tiếp thu đôi khi còn chưa cầu thị, đối phó, chiếu lệ.
Chất lượng một số hoạt động pháp luật còn hạn chế, nhiều văn bản pháp luật được chuẩn bị không đạt yêu cầu, chất lượng còn thấp. Điều quan trọng là hiện nay chúng ta chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm chất lượng văn bản pháp luật và hệ quả của nó gây ra đối với các cá nhân và tổ chức có liên quan...
Với vai trò của mình, VCCI cần làm gì để con tàu cải cách hành chính giữ đều gia tốc và không bị chệch khỏi đường ray?
- Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Do đó, cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế.
Để thực hiện được các mục tiêu này, Chính phủ tiếp tục quan tâm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.
Chúng tôi tin rằng, dỡ bỏ các điểm chồng chéo và bất hợp lý trong hệ thống quy định pháp luật hiện hành chắc chắn sẽ tạo ra một trong những đợt sóng cải cách lớn nhất trong lịch sử từ trước đến nay ở nước ta. Xã hội luôn phát triển, luôn chuyển động về phía trước, những gì hôm nay phù hợp, mai đã thay đổi.
Do đó, cải cách hành chính đã, đang và sẽ được kiểm tra, rà soát và thực hiện thường xuyên. Có như vậy mới tạo đường băng thông thoáng để doanh nghiệp cất cánh.
- Xin cảm ơn ông!
Xem thêm: odl.906778-iul-nab-ed-ohc-oc-gnohk-hnihc-hnah-hcac-iac/et-hnik/nv.gnodoal