Một cửa hàng bán đèn lồng và đồ trang trí tết ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hôm 26-1- Ảnh: AP
"Sau một năm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus, chúng tôi đã quen với các biện pháp phòng dịch.
Yang Yang (người Trung Quốc) nói
"Không khí gia đình mới là điều quan trọng vào dịp tết" - Yang Yang, 34 tuổi, ở Bắc Kinh, chia sẻ với Tân Hoa xã.
Mặc dù Yang Yang thích đi du lịch, nhưng chính quyền Bắc Kinh khuyến cáo nên ở nhà vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, nên anh đã đặt món mang về từ một trong những chuỗi nhà hàng vịt quay nổi tiếng nhất Trung Quốc là Quanjude cho bữa tiệc đêm giao thừa cùng gia đình.
Trung Quốc: ở bên gia đình là mùa xuân
Yang cũng như nhiều người Trung Quốc đang chuẩn bị đón lễ hội quan trọng nhất trong năm với một loạt hoạt động kỷ niệm được lên kế hoạch, bất chấp sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 ở một số địa phương.
So với Tết Nguyên đán năm ngoái, khi cả gia đình đi nghỉ mát ở Hải Nam rồi phải về sớm vì dịch bệnh, Yang cảm thấy mùa tết năm nay thư thái hơn.
Dù chính quyền khuyến cáo công dân không nên về quê khi không cần thiết, nhưng với một số người, về với gia đình là điều mà cả năm họ đã mong đợi. Bộ Giao thông vận tải ước tính sẽ có khoảng 1,7 tỉ chuyến đi của hành khách mùa xuân vận năm nay, tăng hơn 10% so với năm 2020, bắt đầu từ ngày 28-1.
Gao Haotian (27 tuổi), hiện đang làm cho một công ty công nghệ thông tin ở Bắc Kinh, đã mua vé tàu về quê ở tỉnh Sơn Tây. "Thật tiếc khi tôi không thể về nhà vào tết năm ngoái do dịch bệnh", Gao chia sẻ.
Gao đã có xét nghiệm âm tính với virus corona và sẽ theo dõi tại nhà trong 14 ngày theo hướng dẫn phòng dịch. "Dù tôi không thể đến thăm bạn bè hay họ hàng nhưng đó là cơ hội quý giá để ở bên cạnh bố mẹ", Gao nói.
Khác với Gao Haotian, Ma Yu đến từ thành phố Hoàng Cương (tỉnh Hồ Bắc) quyết định ở lại thành phố Vũ Hán để ăn tết. "Tôi và chồng đã lên kế hoạch ở lại nơi có dịch, nhưng không khí tết ở gia đình thì không thể thiếu được", Ma Yu vừa nói vừa băn khoăn lựa câu đối đỏ để trang trí căn hộ của mình, trong khi xe hàng của cô đã chất đầy dầu, gạo và bột mì.
Trong khi đó, tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh COVID-19, đồ trang trí tết đã ngập tràn các kệ hàng tại trung tâm thương mại Gemdale Plaza.
Các hoạt động khuyến mãi đã bắt đầu, áp dụng cho các loại quà tặng như bánh kẹo, các loại hạt, sản phẩm từ sữa và trái cây để thu hút khách hàng. Một số tiểu thương cho biết họ đã bận rộn từ đầu tháng 1 dương lịch tới nay do ngày càng nhiều khách hàng tới mua sắm tết.
Hàn Quốc: du lịch trong nước tăng
Không ít người lựa chọn du lịch trong nước cùng gia đình nhỏ vào mùa tết năm nay, đặc biệt là ở Hàn Quốc, vì nhiều lý do. Một phần do du lịch quốc tế đình trệ vì COVID-19 và quy định không tụ tập thành nhóm lớn hơn 5 người khiến họ không thể về quê.
Theo cuộc khảo sát của Viện Giao thông vận tải Hàn Quốc với hơn 9.000 hộ gia đình, số người về thăm quê dịp tết sẽ giảm gần 33% so với năm ngoái do đại dịch. Trong khi khảo sát trên 1.000 người do Bộ Y tế thực hiện vào cuối tháng 1 cho thấy 56% số người được hỏi nói muốn nới lỏng quy tắc cấm tụ tập 5 người để họ có thể sum họp với gia đình.
Lệnh cấm tụ tập có hiệu lực tới ngày 14-2, qua Tết Nguyên đán, do đó nhiều người chọn đi du lịch trong nước.
Theo Hiệp hội Du lịch Jeju, tỉ lệ đặt phòng tại các khách sạn 5 sao trên hòn đảo nổi tiếng đã tăng hơn 70% vào đầu tháng 2 và bắt đầu tăng 20% từ đầu tháng 1. Số lượng đặt vé máy bay vào những ngày sát giao thừa đã tăng hơn 80%. Theo tờ Chosun Ilbo, dự kiến sẽ có khoảng 140.000 người đến đảo Jeju dịp tết này.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye Kyun đã bày tỏ lo ngại về con số nói trên, nhất là khi số ca bệnh COVID-19 của Hàn Quốc đã vượt mốc 80.000 ca vào ngày 5-2.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết tết là dịp có khả năng làm bùng phát làn sóng dịch bệnh lần thứ tư vào tháng 3-2021. Thủ tướng Chung nhấn mạnh mọi người cần tuân thủ quy định cấm tụ tập từ 5 người trở lên và tránh những khu vực đông người vì sự an toàn của tất cả các thành viên trong gia đình.
Phố người Hoa ở Singapore nhộn nhịp
Một gia đình người Singapore chụp hình khi du xuân - Ảnh: Reuters
Những ngày cận tết, khu phố người Hoa tại Singapore với những quầy hàng trang trí tấp nập người mua sắm. Khách hàng mua mọi thứ, từ cành hoa giấy đỏ tươi đến đồ ăn nhẹ hay trái cây.
Tuy vậy, các chủ quầy hàng nói với Đài CNA của Singapore rằng lượng khách năm nay vẫn chưa bằng những năm trước do tác động của COVID-19. Buổi tối, mặc dù đường phố đã lên đèn nhưng sẽ không có lễ hội, cũng không có bữa tiệc đếm ngược chào năm mới.
Bà Lim, chủ cửa hàng bánh nướng Lim Chee Guan, nói bà rất biết ơn khi cửa hàng đã mở cửa dịp cận tết sau một năm khó khăn. Trong năm, cửa hàng phải nhiều lần đóng cửa do các hạn chế phòng dịch COVID-19.
Ông Yip Wai Keong, một chủ quầy bán lạp xưởng, quan sát thấy nhiều khách hàng mới ghé thăm quầy hàng hơn mọi năm, do mọi người không đi du lịch năm nay.
Tết ở Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Pak Noh Wak
Ngày tết của người Hàn Quốc không khác nhiều với Việt Nam. Đối với người Hàn Quốc, Tết Nguyên đán cùng với Tết Trung thu là ngày lễ trọng đại nhất. Những dịp lễ này, các thành viên gia đình như ông bà, cha mẹ, anh em, con cháu đều tụ tập với nhau, trao những lời chúc tết và chúc may mắn thành công trong cuộc sống và sự nghiệp.
Trẻ em mặc Hanbok mừng tuổi chúc tết và được người lớn lì xì, cả gia đình cùng nhau làm màn thầu hoặc ăn canh bánh gạo, trò chuyện với nhau những câu chuyện lâu nay chưa kịp chia sẻ... Có những khoảng thời gian ấm áp bên gia đình.
Hàn Quốc và Việt Nam có những nét tương đồng có thể kể đến như cả gia đình sum họp và cầu nguyện một năm mới tràn đầy hi vọng.
Tết năm nay tôi sẽ dành thời gian cho gia đình như mọi năm, nhưng rất tiếc vì tết này các thành viên gia đình khó có thể sum họp được do đại dịch COVID-19. Đặc biệt, nhân dịp Tết âm lịch, hằng năm rất nhiều gia đình đa văn hóa Việt - Hàn thăm hỏi lẫn nhau và chia sẻ tình cảm gia đình. Tuy nhiên tôi rất đau lòng vì tết này, sự đi lại giữa hai bên gặp khó khăn và nỗi nhớ gia đình sẽ càng da diết.
Tôi hi vọng rằng hoạt động đi lại giữa hai bên sớm nối lại và các gia đình sẽ có những khoảng thời gian vui vẻ bên nhau. Trên cương vị đại sứ tại Việt Nam, tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để thúc đẩy việc này.
Tết ở Việt Nam có rất nhiều nét văn hóa hấp dẫn, đa dạng. Tôi ấn tượng nhất với văn hóa đi thăm chùa nhân dịp tết. Tôi cho rằng việc đi thăm chùa để chúc sức khỏe và thành công không chỉ cho bản thân mình mà còn cả họ hàng và bạn bè nhân dịp năm mới là một hình ảnh đẹp đẽ.
Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi xin chúc nhân dân Việt Nam và Hàn Quốc sức khỏe và hạnh phúc.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Pak Noh Wak - Nhật Đăng ghi
TTO - "Xuân vận" - cuộc "di cư" thường niên lớn nhất thế giới ở Trung Quốc - đã bắt đầu với tổng cộng 40 ngày. Tuy nhiên từ ngày đầu, bầu không khí tươi vui của một mùa tết đã bị dịch COVID-19 kéo chùng xuống và tinh thần chống dịch được nâng lên.
Xem thêm: mth.83925329070201202-hcid-iad-auig-al-cahk-a-uahc-tet/nv.ertiout