Theo Thạc sĩ Trần Minh Tuấn - Giám đốc Trung tâm thủy nông cấp nước (Viện khoa học thủy lợi Miền Nam) mùa khô năm 2019-2020 được đánh giá là nghiêm trọng nhất từ trước tới nay ở ĐBSCL. Nếu so sánh với đợt hạn mặn 2015-2016 (trước đây gọi là “lịch sử”, cũng rất nghiêm trọng), thì hạn mặn năm 2019-2020 xuất hiện sớm hơn khoảng 1 tháng và thời gian hạn mặn nghiêm trọng trên Đồng bằng kéo dài cả mùa khô (gấp đôi năm 2015-2016).
Thạc sĩ Trần Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm thủy nông cấp nước (Viện Khoa học Thuỷ lợi Miền Nam). Ảnh: NVCC
Cũng theo Thạc sĩ Tuấn, nguyên nhân cơ bản của xâm nhập mặn năm 2019-2020 là do nguồn nước lưu vực Mê Công về ĐBSCL ở mức thấp nhất, chỉ bằng khoảng 60% so với trung bình nhiều năm; bằng 85% so với mùa khô 2015-2016; và không có đợt xả nước tăng cường nào từ các hồ thượng lưu (năm 2015-2016 có một số đợt xả tăng cường).
Chẳng hạn, tháng 3, lưu lượng về ĐBSCL năm 2016 khoảng 2.660 m3/s, ở năm 2020 khoảng 2.270 m3/s (thấp hơn đến 400m3/s); Tháng 4: năm 2016 khoảng 3.500 m3/s, còn 2020 khoảng 2.650 m3/s (thấp hơn 850 m3/s). Chính vì thế mặn năm 2020 xâm nhập sâu, kéo dài và vẫn duy trì cao kể cả thời kỳ sau triều cường (nhất là tháng 4).
* PV: Thưa Thạc sĩ, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng thay đổi quy luật tự nhiên, biến động phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, vậy mùa khô 2020–2021, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn sẽ như thế nào, mặn có vào sớm không ?
- THẠC SĨ TRẦN MINH TUẤN: Đối với mùa khô năm 2020-2021 nguồn nước về ĐBSCL dự báo có khả năng được cải thiện hơn so với mùa khô năm 2019-2020 do đó xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay ở thời điểm hiện tại và dự báo trong thời gian tới ít có khả năng xảy ra gay gắt như mùa khô năm 2019-2020; tại các cửa sông Cửu Long mặn có khả năng giảm dần từ cuối tháng 3 – đầu tháng 4/2021 trở đi. Tuy vậy, cần lưu ý rằng, cục bộ vẫn có những đợt, thời kỳ mặn vẫn rất cao (như 2016, 2020) chẳn hạn như: Đợt xâm nhập mặn từ ngày 8/2-16/2/2021 và 24/2-28/2/2021 do tác động của giảm xả nước xuống hạ du của hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc). Do vậy, các địa phương cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Bộ NN&PTNT.
* Thưa Thạc sĩ, có những khuyến cáo để giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn vùng ĐBSCL?
- Xâm nhập mặn là đặc thù của vùng ĐBSCL vào các tháng mùa khô. Tuy nhiên, trong những năm gần đây xâm nhập có xu hướng gia tăng theo hướng bất lợi, mặn xâm nhập sớm hơn, sâu hơn và thời gian xâm nhập mặn cũng kéo dài hơn trước đây. Đối với mùa khô năm 2020-2021 được dự báo, nguồn nước và xâm nhập mặn có khả năng xảy ra ít gay gắt so với mùa khô năm 2019-2020.
Nhưng đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn gia tăng, các địa phương và người dân cần thực hiện một số biện pháp. Cụ thể, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổilàm việc với các địa phương vùng ĐBSCL về các giải pháp chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 tại tỉnh Tiền Giang ngày 23/9/2020; Văn bản số 8286/BNN-TCTL ngày 30/11/2020 của Bộ NN&PTNT về việc tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021. Khẩn trương thực hiện việc đắp đập tạm ngăn mặn, trữ nước, vận hành công trình thủy lợi hợp lý để lấy nước, bảo đảm trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng và cả trong mùa khô, đặc biệt lưu ý bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt và cây ăn trái. Tăng cường theo dõi sát thông tin dự báo xâm nhập mặn của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp nhằm chủ động triển trai các phương án/giải pháp ứng phó, nhằm góp phần giảm thiểu tối đa các thiệt hại do hạn mặn trong sản xuất và thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt.
Về phía người dân cũng cần tuân thủ lịch mùa vụ do các cơ quan chức năng khuyến cáo, không tự ý sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro, chủ động tích trữ nước ngọt tối đa trong mương liếp, ao…và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Khi lấy tưới cho cây trồng, nhất là khu vực trồng cây ăn quả cần kiểm tra chặc chẽ độ mặn trong nước nhằm đề phòng độ mặn tăng đột biến.
* Với những kịch bản về biến đổi khí hậu, vùng ĐBSCL là nơi gánh chịu nhiều tác động nhất và xâm nhập mặn, thiếu nước không còn là nguy cơ mà đã trở thành báo động cho vùng này. Thưa Thạc sĩ, giải pháp tổng quát là gì, các giải pháp ngăn hạn và dài hạn ra sao để chống hạn – mặn qua đó đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh ? Trong tương lai, mặn vào sâu, nguồn nước càng khan hiếm, vậy để “giải bài toán” chống – hạn mặn sẽ là gì ?
-ĐBSCL đang đứng trước nhiều sự tác động bất lợi, đang được định hình lại với nhiều đặc điểm tự nhiên khác hẳn so với trước đây. Tình trạng thiếu nguồn nước ngọt trong mùa khô đã hiện diện. Trong tương lai, nguồn nước về Đồng bằng sẽ bất lợi hơn, khả năng thiếu nước không chỉ xảy ra ở những năm cực hạn, mà còn có thể xảy ra ở những năm bình thường. Chiến lược quan trọng nhất đối với Đồng bằng là chủ động thích nghi (hay nói khác đi là thích nghi có kiểm soát, làm chủ tình huống khi bất lợi xảy ra).
Cống ngăn mặn ở Hậu Giang. Ảnh: KHÁNH AN
Trong giai đoạn trước mắt và trung hạn, vấn đề thứ nhất Đồng bằng cần ưu tiên là giải quyết hạn mặn ở các vùng ven biển, trong đó cần tiến hành các nhóm giải pháp.
Tiếp tục đó là các giải pháp tăng cường nguồn nước ngọt cho các hệ thống, các vùng ven biển thiếu nước ngọt; Tiếp tục kiểm soát xâm nhập mặn vào các vùng ngọt; Và cần thay đổi, điều chỉnh các mô hình sản xuất theo hướng ít sử dụng nước ngọt hơn và tăng cường sử dụng nước mặn lợ, nước mưa; Điều chỉnh mềm dẻo lịch sản xuất theo từng mùa, từng năm trong các vùng ven biển, thậm chí trên cả Đồng bằng; Quản lý nước và sản xuất hiệu quả hơn. Để giải quyết vấn đề này, nhiệm vụ dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn cả ngắn hạn và dài hạn là rất quan trọng. Trên thực tế, chúng ta đang đi theo tất cả các hướng trên và đã giải quyết hiệu quả trong những năm qua.
Trong tương lai xa, Đồng bằng đối mặt nhiều vấn đề hơn. Hạn mặn và xói lở bờ biển sẽ tiếp tục diễn ra phức tạp hơn hiện nay; thêm vào đó, vấn đề ngập, lún sụt trên Đồng bằng sẽ là trở ngại lớn nhất. Lúc bấy giờ tất cả các đối tượng trên Đồng bằng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng (hạ tầng dân cư, giao thông, xây dưng, thủy lợi, sản xuất, môi trường, hệ sinh thái…). Có thể thấy, xu thế ngập gia tăng nhanh là tất yếu và việc đưa ra các giải pháp và bước đi từ bây giờ là cần thiết. Hiện nay trung ương và các bộ ngành và các địa phương đã có những giải pháp công trình, quản lý điều tiết nước, vận hành các công trình thủy lợi, công tác thông tin dự báo, kế hoạch sử dụng nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp … tất cả đều nằm trong tính toán để đảm bảo cho sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Cảm ơn Thạc sĩ !
Theo thông tin của Ủy hội sông Mê Công Quốc tế và một số cơ quan thông tấn Quốc tế, hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) giảm xả nước xuống hạ du từ ngày 5/1/2021 đến ngày 24/1/2021 với lưu lượng giảm khoảng gần 50% so với thời gian trước (lưu lượng xả còn khoảng 1.000 m3/s). Việc giảm lượng xả thủy điện ở thượng nguồn sẽ làm gia tăng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong đầu tháng 2/2021. Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 2 có hai thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn, từ ngày 8/2-16/2/2021 và 24/2-28/2/2021. Cụ thể, ranh mặn 4g/lít có phạm vi như sau: Vùng các cửa sông Vàm Cỏ và Ven biển Tây: Sông Vàm Cỏ Đông từ 75-80 km, Vàm Cỏ Tây từ 80-90 km, sông Cái Lớn từ 50-55 km, ở mức tương đương với cùng kỳ năm 2016. Vùng các cửa sông Cửu Long: Cửa Tiểu từ 50-55 km, Cửa Đại từ 4853 km, Hàm Luông từ 70-73 km, Cổ Chiên từ 62-65 km, Sông Hậu từ 58-60 km, ở mức tương đương với mức xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016. |
Trong những năm gần đây, tình hình hạn, mặn khó dự đoán gây ra bởi biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan đã và đang ảnh hưởng bất lợi đến sản lượng và chất lượng nông sản vùng ĐBSCL. Theo số liệu thống kê, hạn, mặn mùa khô năm 2019-2020 đã xảy ra nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2016 với ranh mặn 4g/lít xâm nhập 57 km theo sông Hàm Luông, sâu hơn trung bình nhiều năm tới 24 km. Vào tháng 1/2020, xâm nhập mặn tiếp tục gia tăng, lấn vào các vùng cửa sông Cửu Long từ 45-66 km, sâu hơn mùa khô năm 2016 từ 6-17 km. Vào tháng 2/2020, ranh mặn 4g/lít lấn sâu vào sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tới 110 km. Tháng 5/2020, phạm vi mặn tiếp tục dao động ở mức cao với ranh mặn 4g/lít sâu khoảng 130 km trên sông Vàm Cỏ Tây và giảm độ mặn vào tháng 6. Hạn mặn năm 2020 đã gây thiệt hại khoảng 42.000 ha lúa Đông Xuân, trong đó mất trắng 26.000 ha. Trên đất lúa-tôm, hạn mặn đã làm cho khoảng 16.500 ha lúa mùa ở tỉnh Cà Mau bị thiệt hại, trong đó mất trắng là 14.000 ha. Đối với cây ăn trái, hạn mặn năm 2020 đã gây thiệt hại khoảng 25.000 ha, trong đó khoảng 11.000 ha bị thiệt hại trên 70%. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh. |