Thực tế nhiều người bị mất thị lực vĩnh viễn (thường một bên mắt) vì bị bệnh cườm nước (glaucoma) nhưng lầm tưởng là cườm khô (đục thủy tinh thể) nên chủ quan, trì hoãn thời gian điều trị.
Mắt mù chỉ trong thời gian ngắn
Nửa đêm đang ngủ, anh T.Q.T. (38 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) bỗng dưng đau mắt trái dữ dội, sau thời gian ngắn có dấu hiệu đau mắt nhẹ, nhức đầu…
Sáng hôm sau, gia đình đưa anh T. đến bệnh viện tuyến huyện, sau đó chuyển gấp đến bệnh viện tuyến tỉnh. Tại đây, anh T. điều trị sáu ngày, thị lực mắt trái giảm nghiêm trọng, không còn thấy gì nên tiếp tục đến Bệnh viện Mắt TP.HCM điều trị.
Các bác sĩ Bệnh viện Mắt TP.HCM kết luận mắt trái của bệnh nhân T. bị mù vĩnh viễn vì mắc bệnh glaucoma nhưng không được thăm khám, điều trị kịp thời khiến các dây thần kinh thị giác bị hư tổn không hồi phục.
Bác sĩ Trang Thanh Nghiệp - trưởng khoa glaucoma Bệnh viện Mắt TP.HCM - cho hay trường hợp bệnh nhân T. là ví dụ điển hình số đông bệnh nhân chưa nhận thức đầy đủ và phát hiện sớm được tình trạng bệnh cườm nước nguy hiểm, cho đến khi mắt ở tình trạng nặng, ảnh hưởng đến thị lực trung tâm.
Tại khoa mắt Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bác sĩ Huỳnh Thị Bích Liễu - phó khoa mắt bệnh viện - cho biết phần đông bệnh nhân đều đến khám, điều trị ở giai đoạn sớm, thị lực hồi phục tốt. Tuy nhiên vẫn có số ít bệnh nhân không cải thiện thị lực được vì khám trễ, nhiều dây thần kinh thị giác bị hủy hoại vĩnh viễn.
"Trong quá trình thăm khám có nhiều bệnh nhân nghĩ rằng mắt mờ là do lớn tuổi, không không biết mình mắc bệnh cườm nước. Thấy người khác mắt cũng mờ, sau mổ thì mắt sáng trở lại nên bệnh nhân nghĩ mắt mình cũng thế mà không đi khám sớm", bác sĩ Liễu chia sẻ.
Làm sao phát hiện bệnh cườm nước sớm?
Trước sự nhầm lẫn giữa bệnh cườm khô và cườm nước, bác sĩ Liễu cho biết bệnh cườm khô và cườm nước là tên gọi theo dân gian. Hai bệnh này hoàn toàn khác nhau, với mức độ gây hại thị lực và sau hồi phục cũng khác.
Tên y khoa của cườm khô là đục thủy tinh thể. Đây là bệnh của sự lão hóa và thị lực được hồi phục bình thường sau khi mổ đặt thủy tinh thể nhân tạo. Còn cườm nước là bệnh glaucoma. Người bệnh có thể mù vĩnh viễn do hư hại thần kinh mắt nếu không phát hiện, điều trị kịp thời.
Bệnh cườm nước xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời, không phân biệt giới tính, chủng tộc, quốc gia. Hiện bệnh chưa xác định chính xác nguyên nhân, nhưng có những yếu tố nguy cơ "thúc đẩy" khiến bệnh nhân dễ mắc bệnh, mức độ ngày càng nặng thêm là tuổi cao.
"Có thể ví von mắt người là bóng đèn, thần kinh mắt là dây tóc. Với bệnh cườm nước thì hư dây tóc, không hư bóng đèn nhưng bóng đèn này cũng không sáng được. Còn bệnh cườm khô là hư bóng đèn nhưng không hư dây tóc, đèn này sáng được khi ta thay bóng đèn", bác sĩ Nghiệp lấy ví dụ.
Để phát hiện sớm bệnh cườm nước, bác sĩ Nghiệp khuyến cáo với những người có yếu tố nguy cơ như tuổi cao, gia đình có người bị cườm nước, cận thị nặng, viễn thị, đái tháo đường, từng dùng corticoid trị viêm khớp, chấn thương mắt… nên tái khám để kiểm tra, đánh giá tình trạng mắt.
Nên kiểm tra mắt 2-4 năm/lần đối với người dưới 40 tuổi, 2 năm/lần đối với người từ 40 - 60 tuổi và 1 năm/lần với người trên 60 tuổi.
Chú ý khi mắt có các dấu hiệu như nhức mắt, nặng mắt, mờ mắt thoáng qua, nhức đầu, nhức hốc mắt, nhìn đèn có quầng xanh đỏ… thì cần đến cơ sở y tế chuyên khoa mắt thăm khám để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Nếu phát hiện mắc bệnh cườm nước ở giai đoạn thị lực đã giảm trầm trọng thì không còn khả năng phục hồi. Việc điều trị cho bệnh nhân chỉ là ngăn chặn thị lực hư hại thêm, không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Hơn 24.000 người bị mù lòa do glaucoma
Đây là số liệu thống kê trên cả nước của Viện Mắt trung ương. Với hơn 380.000 người bị mù hai mắt trên cả nước thì có hơn 24.000 người bị mù lòa do glaucoma (chiếm 65% và đứng thứ hai sau bệnh lý đục thể thủy tinh 66,1%).
Bệnh glaucoma thực sự là mối đe dọa nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng.
Không có phương pháp Đông y điều trị các bệnh về mắt hiệu quả
Ngoài lầm tưởng giữa cườm khô và cườm nước, bác sĩ Trang Thanh Nghiệp cho hay đến nay vẫn còn nhiều người bệnh áp dụng các phương pháp dân gian để chữa mắt bị mờ như dùng nước lạnh rửa mắt, đắp lá, massage…
Khi thị lực suy giảm trầm trọng bệnh nhân mới đến bệnh viện cấp cứu, điều trị thì đã quá muộn, không còn cách để thị lực hồi phục.
"Riêng các bệnh về mắt, không có phương pháp Đông y nào điều trị hiệu quả. Người dân nên tránh các phương pháp này. Nếu tin tưởng vào phương pháp điều trị không hiệu quả thì khiến bệnh càng nặng hơn, cho đến khi chuyển qua điều trị Tây y thì đã muộn", bác sĩ Nghiệp nhấn mạnh.
Bỗng một ngày, mắt bạn xuất hiện những biểu hiện như mờ mắt, thị giác kém đi, có cảm giác chói mắt khi nhìn ánh sáng… và đi khám bác sĩ với chẩn đoán là bị mắc bệnh cườm mắt.