Kịch bản tăng trưởng kinh tế 2021 đặt mục tiêu hàng đầu là kiểm soát tốt dịch COVID-19 và thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Ưu tiên hàng đầu: Kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định tâm lý người dân
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), nhiệm vụ khống chế và kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 phải được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh "làn sóng" dịch COVID-19 quay trở lại lần thứ 3 và đang diễn biến phức tạp, nhằm bảo đảm sức khỏe của người dân, tạo nền tảng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế.
Bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch, cần thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đàm phán để sớm triển khai áp dụng vaccine; xây dựng phương án phân phối vaccine, ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông dân cư.
Đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu, giá cả ổn định, các dịch vụ y tế đảm bảo để ổn định tâm lý, niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng lòng, chung tay chống dịch COVID-19. Trước mắt, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán, nhất là các mặt hàng thực phẩm để người dân đón Tết vui tươi, đầm ấm.
Vận dụng linh hoạt và hiệu quả các quyết sách
Theo chuyên gia kinh tế – PGS.TS Nguyễn Trí Hiếu, để ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế; đánh giá kỹ dư địa của chính sách tiền tệ, tài khóa để xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động bởi dịch COVID-19, đặc biệt là ngành dịch vụ, du lịch, vận tải.
Còn theo TS Nguyễn Đình Cung - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng thuận lợi.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ phải thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP. Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Song song với đó, rà soát lại các ưu tiên, ưu đãi cho các doanh FDI, "tập trung ưu đãi cho những doanh nghiệp công nghệ cao có chuyển giao công nghệ, gắn kết với doanh nghiệp trong nước" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Để kích hoạt hoạt động thương mại, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hiệp định FTA đã ký kết. Thực hiện nghiên cứu, đánh giá tác động của hiệp định RCEP, UKVFTA đến các ngành, lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam..
Mặt khác, cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư Ngân sách Nhà nước, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thực hiện chuyển đổi số trên mọi cấp độ từ quốc gia tới địa phương và doanh nghiệp, trước mắt cần tập trung thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 cho hơn 800 nghìn doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sau đó là tại các TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, để “hoàn chỉnh vòng kết nối”...
Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021
Bộ KHĐT đưa ra kịch bản, nếu dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý I/2021, thì tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 ước đạt 2,78%; tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng năm 2021 ước đạt 9%; tăng trưởng ngành dịch vụ năm 2021 ước đạt 5,48%.
Nếu dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý I thì ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01.
Xem thêm: odl.685878-hneb-hcid-tot-taos-meik-al-uad-gnah-neit-uu-1202-et-hnik-gnourt-gnat/et-hnik/nv.gnodoal