Hành khách thưa thớt tại sân bay quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải ngày 28-1-2021 - Ảnh: REUTERS
Theo báo South China Morning Post, ngày 7-2 nhiều quan chức chính quyền cấp quận và cấp xã đã tự tiện đưa ra các chính sách hạn chế khó khăn hơn mức mà chính quyền Bắc Kinh khuyến nghị hoặc tự áp đặt các biện pháp kiểm dịch bắt buộc với người xa quê về nhà đón tết.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc chỉ trích những quan chức này là "lười biếng" và yêu cầu họ thực hiện các biện pháp "phòng ngừa và kiểm soát chính xác" như hướng dẫn.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là thời điểm người người, nhà nhà ở Trung Quốc "xuân vận" về quê ăn tết. Do lo ngại việc đi lại tạo ra nguy cơ lây lan COVID-19, Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi người dân ai ở đâu ở yên đó. Các địa phương có nhiều người di cư cũng đưa ra các biện pháp khuyến khích để người lao động ở lại thay vì về quê.
Bắc Kinh có hàng loạt chính sách mời chào người lao động ở lại như cho phép họ trả lại vé máy bay, vé tàu hỏa miễn phí. Một số cơ quan còn tặng người lao động 155 USD nếu họ không về quê.
Chính quyền trung ương đã công bố hướng dẫn theo đó cấm đi lại với người dân ở các khu vực có nguy cơ cao nhưng cho phép người từ các khu vực có nguy cơ trung bình được đi lại với điều kiện cơ quan phòng chống dịch địa phương cấp phép và làm xét nghiệm 72 giờ trước khi khởi hành. Người dân ở những nơi có nguy cơ thấp không cần làm xét nghiệm khi có nhu cầu đi lại.
Tuy nhiên, khi chính sách này được đưa vào thực tế, các quan chức địa phương như ở Chiết Giang và Hắc Long Giang đã thêm thắt các biện pháp bổ sung để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Một số nơi bắt người đi vào địa phận phải có kết quả xét nghiệm âm tính, một số nơi khác thậm chí yêu cầu cách ly bắt buộc 14 ngày.
Mi Feng, người phát ngôn của Ủy ban Y tế quốc gia, cho biết trong cuộc họp báo ngày 4-1: "Điều quan trọng là phải ngăn chặn và kiểm soát đại dịch một cách chính xác và khoa học. Áp đặt các yêu cầu bổ sung với người từ nơi khác về nhà là lười biếng".
Cách đây đúng một tuần, ngày 31-1, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã khuyến cáo các địa phương không nên "tự ý thêm các quy định hạn chế vào các biện pháp đã được quốc gia thông qua".
Theo số liệu của Bộ Giao thông Trung Quốc, lời kêu gọi không về quê, không đi du lịch của chính quyền đã có hiệu quả. Ngày 5-2, ngày thứ 9 trong tổng số 40 ngày cao điểm đi lại trong dịp xuân vận, các loại hình giao thông ở Trung Quốc vận chuyển 18,9 triệu người, giảm 76,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngày 7-2, Trung Quốc chỉ ghi nhận thêm 11 ca nhiễm COVID-19 mới, đây là ngày có số ca nhiễm mới thấp nhất kể từ 16-12-2020.
TTO - Trung Quốc hôm nay 28-1 bắt đầu kỳ xuân vận lớn nhất thế giới, sự kiện hàng triệu người đổ xô về quê và đi du lịch ăn tết sau một năm bôn ba khắp nơi vì mưu sinh.