Xong xuôi ruộng đồng thì mới an tâm mà ăn Tết được - Ảnh: XUÂN HẢI
Sáng 26 Tết, ba vác cày trên vai cùng con trâu ra đồng làm nốt thửa ruộng cuối cùng. Đã hơn bảy giờ mà màn sương vẫn còn dày, mờ mờ che đi khoảng không phía trước làm ướt chiếc mũ cối đã nhạt màu của ba.
Tôi đã được nghỉ Tết nên cùng ba ra đồng cuốc xới đám cỏ quanh ruộng. Năm nào cũng thế, cứ mỗi độ giáp Tết là làng tôi đều cày cấy xong hết bởi ai cũng tâm niệm, xong xuôi ruộng đồng thì mới an tâm mà ăn Tết được.
Con trâu cứ thủng thẳng chậm rãi từng bước, thi thoảng dừng lại ngoạm một đám cỏ ven đường nên ba phải đi từ phía sau. Màn sương ướt đẫm lớp lông trên lưng nó. Những ngày cuối năm thường không quá lạnh và sương không giá, buổi trưa sẽ có nắng lên.
Sương đã bắt đầu mỏng dần khi có những tia nắng đầu tiên. Những tia nắng chiếu xuống đám má mới cấy, lấp lánh những hạt sương như những hạt ngọc. Cuốc mấy bụi cỏ xong, tôi tranh thủ thò tay vào mấy hộc bùn nắm lấy mấy con cua để trưa về nấu canh.
Sau khi cày xong và ruộng lắp xắp nước, ba tiếp tục bừa cho mềm đất sau khi đã rải phân lên đám ruộng. Vì mảnh ruộng nhỏ nên ba làm nhanh. Tiếng nước chảy, tiếng ba nạt con trâu đi nhanh hòa cùng tiếng nhà ai rộn ràng mổ thịt lợn đón Tết.
Khi đã gần trưa, lớp sương cũng vừa kịp tan hết, tôi về nhà nấu cơm cho ba má. Má tôi đi chợ bán rau từ sáng sớm vẫn chưa về. Tôi đạp xe và mắt còn nhìn theo đôi cánh cò vẩn vơ bay lên đậu xuống trên những thửa ruộng mới cấy.
Xa xa thấp thoáng có bóng ai ra đồng thăm lúa dưới con kênh ngoằn nghèo vắt ngang như một dải lụa.
Hai anh em tôi lớn lên từ những bó rau, những lá trầu không má ngồi cả ngày ngoài chợ - Ảnh: XUÂN HẢI
Tết ở quê tôi bận bịu và rộn ràng nhất là những ngày hai mươi mấy Tết, từ ông Công, ông Táo trở đi. Nhà ai cũng cố gắng cày cấy sớm để khoảng chừng 27 Tết là đi chợ Tết, quét tước nhà cửa, sân vườn và gói bánh chưng.
Giờ tôi đã xa nhà, không còn được đợi nghỉ học để giúp ba mẹ đồng áng những ngày cuối năm, càng không thể cùng má đốt đống vàng mã dưới góc sân vào trưa 23 tháng Chạp. Bao nhiêu năm trôi qua, biết bao nhiêu mùa sương cuối năm, ba vẫn vác cày ra đồng, má vẫn nhặt nhạnh từng cọng hành trong vườn mang ra chợ bán.
Tết xưa hay Tết nay vẫn vậy, ba má tôi vẫn chăm chỉ cấy hái, gieo trồng những ngày cuối cùng của năm, để khi con cái trở về có một cái Tết đoàn viên.
Hai anh em tôi lớn lên từ vết chai trên bàn tay của bố, trên những vết nứt không bao giờ lành sau gót chân của má, trên những giọt mồ hôi rơi trên bờ ruộng của ba và trên những bó rau, những lá trầu không má ngồi cả ngày ngoài chợ.
Tôi sống ở Thủ đô còn anh Hai sống ở Sài Gòn, cả hai anh em vì những bộn bề công việc cũng không có thời gian về thăm nhà thường xuyên. Có lẽ vì vậy mà tôi luôn mong chờ Tết, háo hức đến mức khó diễn tả thành lời cảm giác ngóng đợi kỳ nghỉ Tết.
Đó là thời gian được trở về nhà với ba mẹ, được ra đồng thăm lúa ngắm những cánh cò bay thấp thoáng sau ngọn núi xanh mờ, được chuẩn bị những bữa cơm tươm tất cho ba mẹ sau một ngày dài vất vả sau lũy tre xanh.
Tết xưa hay Tết nay vẫn vậy, ba má tôi vẫn chăm chỉ cấy hái, gieo trồng để khi con cái trở về có một cái Tết đoàn viên - Ảnh: XUÂN HẢI
Chiều 30, má ra vườn hái lá trầu không. Những ngày cuối năm, lạnh và mưa lất phất. Khói của những bếp củi nấu bánh chưng man mác, len lỏi vào không gian êm đềm, lưng chừng ấy.
Những lá trầu được má chọn phải là những lá không quá già, cũng không quá non, tất cả ở một độ vừa phải, cân đối, hài hòa. Má bảo mang cho ngoại một ít nên hái nhiều hơn một chút, còn cả bàn thờ trong nhà, bàn thờ ngoài cươi, bàn thờ cúng giao thừa, bàn thờ cúng sớm mùng 1.
Cả một năm chỉ có một cái Tết nên làm sao cho tươm tất, trọn vẹn nhất. Khu vườn nhà tôi là ngay dưới chân đồi thoai thoải. Trên triền đồi, hoa lau trắng vẫn lung lay trước những cơn gió thi thoảng đi qua tung những cánh hoa mỏng manh bay về đâu chẳng rõ.
Dưới những gốc bạch đàn, lá đã phủ kín lớp đá rêu, tất cả nhuốm một màu xanh lẫn xám của tiết trời đang cựa quậy sang xuân.
Trên bầu trời, từng cánh chim hình mũi tên vẫn thấp thoáng chao qua. Dưới cánh đồng mới cấy bắt đầu ra mạ non, những cánh cò trắng vẫn chăm chỉ bay lên hạ xuống như chưa từng biết đã là cuối năm.
Ba cùng anh Hai ra thăm mộ ông bà.
Má vớt bánh chưng lẫn bánh tét ra nong gấm cho ráo nước. Mùi bánh được vớt ra, đó là mùi gạo nếp quyện với lá dong được nấu chín từ đêm qua, đó không phải là mùi hương của một món ăn, mà là mùi hương của cả một năm ba má lao động, cày sâu cuốc bẫm.
Vẫn là thứ lúa nếp má trồng từ hồi tháng Bảy, là con lợn má nuôi từ đầu năm, là đống củi ba gom từ đầu đông, những củ hành má mua được trong phiên chợ cuối năm.
Phải là người con của một gia đình thuần nông mới thấy hết được những dư vị gom góp trong từng chiếc bánh chưng, bánh tét, là cả một quãng mưu sinh và gánh gồng sương gió của ba má.
Mặc kệ những sự huyên náo của lũ trẻ, mặc kệ mùi thịt, mùi bánh đan quyện vào nhau, con mèo già vẫn ngủ cạnh bếp lửa hồng đang nấu nồi thịt kho tàu của má. Má sửa soạn lại bàn thờ, thay cái chân hương, quệt một lớp vôi trắng lên lá trầu. Má thắp nhang và thắp lửa lên cái đèn dầu hoa kỳ cũ kỹ.
Mùi hương cùng mùi dầu hỏa từ cái đèn dầu ngoại mua khi ba má bắt đầu ra ở riêng mới làm cho những người con ở xa thấy rõ chiều ba mươi.
Anh Hai chặt được nhành đào bên nhà bác Cả mang về, anh cắm vào cái lọ sơn cũ, phủ cát và sỏi vào trong cho cây đứng vững. Những cánh hoa mỏng manh điểm vài chiếc lá trên thân cây gầy guộc rung rinh trước làn mưa bụi không làm ai ướt áo.
Khói từ bếp má đang nấu len qua từng viên ngói bếp lảng vảng trên những tán dừa. Mẹ con đàn gà vẫn mải mê tìm thức ăn dưới gốc rơm trước sân như những ngày thường khác. Cạnh đó, con Vện vẫn cuộn tròn ngủ mặc kệ ba đang lấy một bó rơm cho con trâu nằm….
Thời gian như thở từng giây cuối cùng trong buổi chiều cuối năm.
Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.
Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.
Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.
Cách thức tham gia:
Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:
Gửi qua địa chỉ email: tet@tuoitre.com.vn
Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa - Tết nay.
Bạn đọc vui lòng cung cấp địa chỉ, số tài khoản, số CMND để chúng tôi chuyển nhuận bút.
Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.
Cơ cấu giải thưởng:
• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.
• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.
• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.
Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.
TTO - Cũng chính mẹ tôi đưa ra ý tưởng phụ nữ trong nhà cùng mặc áo dài vào mỗi dịp xuân về. Mặc chiếc áo dài đầu năm cũng là một cách nhắc nhở nhau nhớ về nguồn cội, về tinh hoa văn hóa qua trang phục truyền thống và cùng nhau gìn giữ di sản Việt.
Xem thêm: mth.90911407130201202-yac-ab-gnod-nert-gnous-ium-al-iot-auc-tet-ium-yan-tet-aux-tet/nv.ertiout