Hãng tin RT đưa tin Iran ngày 8-2 đã ra mắt 340 xuồng cao tốc tác chiến, trong bối cảnh hải quân nước ngoài gia tăng hiện diện tại khu vực Vùng Vịnh.
340 xuồng cao tốc tác chiến mới, do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và Bộ Quốc phòng Iran đồng sản xuất, có thể đạt tốc độ 166,68 km/giờ và có khả năng mang nhiều loại rocket để tấn công các mục tiêu.
Iran ra mắt xuồng cao tốc tác chiến có thể phóng rocket. Ảnh: TWITTER / ENGLISHFARS
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt hôm 8-2 tại thành phố cảng Bandar Abbas, Chuẩn đô đốc Ali Reza Tangsiri cho biết: “Hôm nay, các xuồng cao tốc có tốc độ 166,68 km/giờ sẽ được ra mắt. Chúng tôi sẽ tiến tới (đóng) xuồng cao tốc với tốc độ 185,2 km/giờ”.
“Iran đã nhiều lần gửi thông điệp tới các quốc gia ven Vùng Vịnh rằng khu vực này thuộc về các quốc gia đó và chúng tôi có khả năng thiết lập an ninh thông qua sự thông cảm giữa các quốc gia láng giềng trong khu vực” – ông Tangsiri nói.
Các xuồng cao tốc mới thuộc biên chế của Hải quân Iran và sẽ hoạt động ở Vùng Vịnh, Biển Oman và Biển Caspi.
Ông Tangsiri cho rằng nhiều năm qua, các lực lượng nước ngoài đã “can thiệp vào an ninh khu vực và nỗ lực hợp pháp hóa sự hiện diện bất hợp pháp của họ trong khu vực”.
Theo RT, Iran trong tháng 1 đã có những động thái thể hiện sức mạnh quân sự khi tổ chức một loạt cuộc tập trận dọc Vùng Vịnh và tiến hành các vụ thử tên lửa.
Các cuộc tập trận hồi tháng 1 bao gồm phóng tên lửa hành trình đất đối đất, phóng ngư lôi từ các tàu ngầm hải quân, huấn luyện chuyên biệt cho các đội tác chiến đặc biệt trên bờ biển và trên biển, cũng như hoạt động của các máy bay không người lái.
Ngày 2-2, Mỹ đã rút tàu sân bay USS Nimitz ra khỏi Trung Đông sau hơn 270 ngày hiện diện tại khu vực này. Đây là một dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa Iran và Mỹ đang có chiều hướng hạ nhiệt.
Trước đó, căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang nghiêm trọng khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hại nhân Iran 2015 - còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) - hồi năm 2018. Sau đó, ông Trump đã khôi phục các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với Iran.
Đáp trả lại Mỹ, Iran bắt đầu cắt giảm các nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận và thông qua luật tăng cường làm giàu uranium. Đồng thời, Iran nhấn mạnh rằng họ sẽ chỉ tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần để ngỏ khả năng quay trở lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Theo đó, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tuyên bố rằng Washington sẽ chỉ quay lại thỏa thuận này khi Tehran khôi phục các cam kết.