Nhiệm vụ kép được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng, phức tạp với nhiều thách thức, nhất là sự bùng phát và tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.
Hoàn thành xuất sắc vai trò chủ tịch ASEAN
Trước hết, việc chúng ta đưa ra chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” cho năm 2020 là rất chính xác, đúng nguyện vọng của các nước ASEAN. Về gắn kết, Việt Nam đã khéo léo điều hòa được những khác biệt giữa các thành viên ASEAN. Về thích ứng, Việt Nam đã chủ động tổ chức tất cả các hội nghị quan trọng, phù hợp với bối cảnh mới.
Hội nghị cấp cao ASEAN cũng lần đầu tiên được họp ba lần trong năm thay vì hai lần theo thông lệ. Điều này không chỉ cho thấy sự linh hoạt và sáng tạo của Việt Nam, biến “nguy” thành “cơ”, mà còn minh chứng cho năng lực công nghệ và khả năng của Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Thứ hai, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, các nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì và tăng kết nối, điển hình là việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, đánh dấu đóng góp to lớn của chủ nhà Việt Nam. Song song đó, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế của ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế của ASEAN với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc do Việt Nam chủ trì đều
đề cập đến vấn đề lớn đang đặt ra cho các nền kinh tế đang bị đe dọa bởi những đứt gãy trong chuỗi cung ứng, tìm ra các biện pháp khôi phục.
Thứ ba, chúng ta đã nâng cao được vai trò và tầm vóc của Việt Nam khi tổ chức thành công các hội nghị đặc dụng, chuyên ngành như Ðại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN - AIPA 41; Hội nghị Hội đồng chánh án các nước ASEAN lần thứ 8; Hội nghị Bộ trưởng Công an ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.
Thứ tư, Việt Nam đã có các sáng kiến như Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 ứng phó với dịch bệnh COVID-19; Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN; Phiên họp đặc biệt tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số; Hội nghị trực tuyến Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 17 bàn đến sáng kiến thành lập cộng đồng tình báo ASEAN, bàn đến các hợp tác thúc đẩy được lợi ích của các quốc gia trong các vấn đề Biển Ðông.
Thứ năm, khi là chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tận dụng được vai trò kép là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) để nâng cao uy tín quốc tế của ASEAN, chứng minh được sức sống và giá trị của hợp tác đa phương trong tổ chức khu vực này.
Thứ sáu, Việt Nam vẫn kiểm soát được đại dịch COVID-19 và duy trì phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam đã chứng minh không chỉ là một thành viên tích cực, nghiêm túc thực thi các thỏa thuận, mà còn là chỗ dựa tin cậy trong những thời khắc ASEAN đối mặt với nhiều khó khăn như đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Ảnh: ASEAN.ORG
Đại sứ Luận Thùy Dương (thứ ba từ phải sang) tham dự diễn đàn Việt-Mỹ về thúc đẩy vai trò phụ nữ trong hội nhập quốc tế. Ảnh: NVCC
Ghi dấu ấn tại Liên Hợp Quốc
Trên cương vị ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam tích cực tham gia công việc chung của HĐBA. Chúng ta thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên HĐBA và phát huy tốt vai trò kép ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và chủ tịch ASEAN 2020. Đặc biệt, Việt Nam đã phối hợp tổ chức thành công Phiên họp về quan hệ hợp tác ASEAN-LHQ lần đầu tiên trong lịch sử HĐBA.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế LHQ về quyền con người. Việt Nam đang ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
LHQ đang đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi được thành lập, tạo ra nhiều khủng hoảng về mặt y tế, kinh tế-xã hội và con người; cạnh tranh nước lớn, căng thẳng và xung đột, làm giảm sự cam kết đối với chủ nghĩa đa phương. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam đã phối hợp tốt với LHQ trong công cuộc chống đại dịch COVID-19, trong đó có đóng góp tài chính cho Quỹ ứng phó COVID-19 của WHO. Việt Nam cũng đã cam kết và đang tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao vai trò trung tâm của LHQ.
Ngoài ra, Việt Nam là nước có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ và Việt Nam là một trong những nước đầu tiên hoàn thành hầu hết các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Động lực từ đâu?
Những thành công trên, trước hết và trên hết, đến từ sự chỉ đạo thống nhất và sát sao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Thứ hai, Việt Nam đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, toàn diện của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, bộ ngành, doanh nghiệp và các thành phần xã hội liên quan.
Ở khu vực, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 đóng vai trò cơ quan đầu mối hữu hiệu, phối hợp và triển khai tất cả các ưu tiên và hoạt động của Việt Nam trong năm chủ tịch ASEAN. Việt Nam cũng có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước cả năm, không chỉ về chương trình, nội dung, công tác hậu cần, mà cả công tác cán bộ liên ngành, trong đó có phái đoàn Việt Nam tại ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. Tất cả được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm dày dặn.
Với thế giới, Việt Nam đã tham gia nhiều cơ quan hoạch định chính sách quan trọng của LHQ như HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009; Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016; Hội đồng Kinh tế-Xã hội nhiệm kỳ 2016-2018; Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ nhiệm kỳ 2015-2019;… nên Việt Nam không chỉ có uy tín mà còn tích luỹ được nhiều kinh nghiệm.
_______________________________
(*) Đại sứ Luận Thùy Dương là một nhà ngoại giao tiêu biểu, có đóng góp quan trọng cho ngoại giao Việt Nam.