Một góc chợ phiên của ngày cạn Chạp nơi làng cũ - Ảnh: NGUYÊN HẬU
Trên con đường làng mờ hơi sương của những ngày cạn Chạp, bóng những bà, những mẹ quê quang thúng chập chùng theo từng bước chân khuất dần vào màn sương phủ.
Mặc cho gió núi mang hơi rét tái tê thổi về len vào khe vách đan bằng cây sơn trắng, tôi cũng dậy thật sớm theo mẹ, lòng ấm áp nghĩ về phiên chợ cuối cùng trong năm với niềm mong mỏi được đổi mua bằng sự vớt vát cuối cùng năm cũ…
Những đếm đong cạn Chạp của mẹ
Cha cũng thức dậy từ rất sớm để giúp mẹ xếp những thảo thơm vườn nhà vào đôi quang thúng. Một bên là gừng tẻ cùng khoai mài ruột tím và chục quả trứng gà, bên còn lại là nguyên buồng chuối lớn có mấy quả trên cùng vừa ửng vàng tươi rói.
Tôi nhìn những quả trứng trắng hồng không giấu nổi sự thèm thuồng nhưng vẫn dứt khoát bỏ vào quang thúng cho mẹ, nuôi giấc mơ thoảng thơm mùi thịt luộc và những vuông cốm xanh đỏ đủ màu.
Mẹ cũng không quên mang hương trầm để khi vãn chợ, trên đường về còn thắp mấy nén hương cho những ngôi mộ dưới gốc gòn già cạnh chợ.
Mẹ bảo đó là những nấm mồ bị bỏ hoang từ lâu vì con cháu tứ tán phương trời tha hương cầu thực. Cạn ngày cạn tháng, lại đang kỳ chạp mộ, cũng coi như ký thác chút nhớ thương gửi cho người đã khuất…
Trên khu đất trống rộng, người ta bày hàng theo từng nhóm. Nổi bật nhất là hàng áo quần được cắt may từ phố huyện mang về với đủ sắc màu treo đung đưa theo gió như mời như gọi. Kế đến là những bà hàng xén với bao nhiêu đồ đạc lỉnh kỉnh từ gạo muối đến rổ rá nhang đèn.
Rồi hàng thịt, hàng cốm, hàng bông và ngồi dọc theo cuối bãi là ông thợ hàn thau, hàn dép cũ…Mẹ lặng lẽ bày đôi quang gánh bên những bà lão bán trầu cau phẩm màu và những người gánh hàng khô từ vùng biển lên.
Họ bảo nhau rằng chuyến này mong bán cho bằng hết rồi cũng mua dăm ba thứ cần vì phải ra Giêng mới sắm chuyến gánh hàng về nữa. Tôi chạy loanh quanh ngắm chỗ này một chút, nhìn chỗ nọ một chút lòng thích thú đến lạ lùng như thể Tết đã ở ngay trước mặt.
Buổi sáng còn mờ hơi đất, cha mẹ đã dậy sớm chuẩn bị cho phiên chợ cuối cùng năm cũ - Ảnh: NGUYÊN HẬU
Còn mẹ, lại dồn hết hi vọng vào phiên chợ cạn ngày như thế. Những ngày đó, hàng hóa từ chợ huyện đem về nhiều hơn song sự cân đo đong đếm để chu toàn cái Tết với mẹ lại càng lớn.
Nếu bán được những món đó một cách kha khá, dẫu có chi tiêu tằn tiện đến đâu, mẹ cũng không ngần ngại mua ký thịt cùng mấy vuông cốm bọc giấy bóng đủ màu.
Và trên chặng đường về, dẫu trong đôi quang thúng giờ nhẹ tênh chỉ vài món đồ, tôi vẫn nằn nì mẹ đảm nhận việc xách ký thịt bọc lá chuối tươi trên tay, thi thoảng nhảy băng băng qua những đoạn đường mịn cỏ, lòng hân hoan đến vô cùng. Và cả ngày hôm ấy, không khí trong nhà rộn ràng hơn hẳn.
Những chắt chiu mùa vụ của cha
Tôi háo hức ngồi bên ngạch địa cửa nơi gian bếp nhỏ, nhìn mẹ cẩn thận luộc miếng thịt với phần mỡ lúc nào cũng nhiều hơn nạc. Khi hơi khói nước bắt đầu bốc lên, lớp váng mỡ nổi tràn trên mặt là lúc gian bếp cũng đầy mùi Tết.
Cha vớt ra, cẩn thận xâu miếng thịt vào một sợi lạt được chẻ từ cật thanh tre tẻ già rồi treo lên thanh kèo giữa gian bếp. Đó là cách bảo quản vừa để được lâu, vừa không bị chó mèo ăn vụng.
Kể từ giây phút đó, mấy anh em chúng tôi dù làm gì đi nữa, vẫn phải đảo qua bếp nhìn xâu thịt trong chốc lát, tưởng tượng về lớp mỡ bóng rẫy béo ngậy ngân ngấn bên ngoài.
Sáng mồng một Tết, mẹ cắt một miếng thịt rồi thái nhỏ, cho vào chiếc chảo đồng rộng miệng trên kiềng bếp đỏ lửa.
Phần thịt mỡ vừa chạm vào lòng chảo nóng già, trong thoáng chốc đã xì xèo thơm nức, mẹ vớt phần tóp mỡ đã đổ sang màu vàng hổ phách, giòn rụm chia đều cho mỗi đứa và đó là thứ quà ngon nhất, mong đợi nhất trong suốt những năm tháng ấu thơ ở làng.
Phần nước mỡ, mẹ xào với bún xắt và cải cay vừa mới trổ ngồng. Đó là loại bún được làm thủ công từ bánh tráng sắn phơi sương cho ẩm, cuốn lại rồi cắt ra từng cọng nhỏ.
Để có món ăn dẫu bình dị ấy, ngay từ đầu Chạp, mẹ đã chọn những củ sắn mì gòn ngon nhất ngâm trong một lu nước lã cho đủ ngày nhão bột, rồi tán mịn ra lọc lại cho trong rồi đợt ngày hảnh nắng để tráng bánh.
Giống cải cay chịu được chất đất cằn cỗi nơi này nên chỉ cần gieo hạt bên những triền soi, mặc tiết trời cuối năm khô hanh lạnh như se như cắt, vẫn nhẫn nại nảy mầm, nhẫn nại trổ ngồng trên những thân cây mảnh mai gầy guộc.
Cho đến tận sau này, dù xa làng tít tắp, mỗi bận được nếm những món ngon quê người hay thức gì có vị đắng đót, tôi lại chạnh lòng nhớ chiếc chảo đồng thơm mùi mỡ và vị ngai ngái của món ăn đầy kỷ niệm sáng mồng một Tết nơi làng cũ, nhớ những tinh sương chợ quê cạn Chạp mà mẹ gánh cả niềm hi vọng về một cái Tết ấm áp hơn vì thoảng thơm mùi thịt trong gian bếp nhỏ.
Hết trường làng rồi đến trường huyện, từ những chắt chiu mùa vụ của cha, những đếm đong cạn Chạp của mẹ để có một sáng mai Xuân ấm áp đoàn viên cả gia đình quân quầy bên chiếc chảo đồng béo thơm mùi mỡ, rồi cũng đến lúc anh em chúng tôi xa làng để cầu chữ nghĩa.
Năm vẫn cứ rộng, tháng vẫn cứ dài và đường đời thì muôn ngả rẽ. Dẫu chọn cho mình hướng đi nào, anh em tôi vẫn nhớ về những thảo thơm quê nhà để học cách sống nhẫn nại, thiện lương, bao dung với đời.
Và không hẹn song cứ cạn ngày năm cũ thì chúng tôi lại về bên nếp nhà xưa, thấy lòng an nhiên khi nhìn khói bếp nhẹ tênh bay trên những mái đầu bạc trắng trước khi len qua ô cửa bám đầy bồ hóng.
Và tôi lại đi trong tinh sương của ngày cuối Chạp, giữa phiên chợ rộn ràng bán mua mặc cả. Hơn hai mươi năm mây bay gió thoảng, làng khác xưa nhiều và những phiên chợ cũng rộn ràng tấp nập gần như chợ huyện.
Thấy vui vì quê hương đổi mới từng ngày song lòng vẫn vời vợi nhớ thương những bà những mẹ quê tảo tần quang gánh, đếm đong chu toàn trong một sớm chợ phiên cạn Chạp của một ngày xa lắc!
Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.
Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.
Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.
Cách thức tham gia:
Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:
Gửi qua địa chỉ email: tet@tuoitre.com.vn
Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa - Tết nay.
Bạn đọc vui lòng cung cấp địa chỉ, số tài khoản, số CMND để chúng tôi chuyển nhuận bút.
Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.
Cơ cấu giải thưởng:
• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.
• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.
• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.
Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.
TTO - Hơn 15 năm trước, cái Tết nào cũng trở nên tất tả hơn với nhà tôi. Bận rộn không phải vì bánh chưng, bánh tét, vì tươm tất mâm ngũ quả hay dọn bàn thờ, mà vì ba mẹ tôi bận đi gánh nước. Nước, hoặc là những điều bình thường khác, chính là Tết.