Ngày 8-2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng phương Tây đang cố gắng biến nhân vật đối lập Navalny trở thành tâm điểm thảo luận trong cuộc đối thoại với Nga, hãng Sputnik đưa tin.
Phương Tây muốn đưa vụ Navalny thành tâm điểm đối thoại với Nga
Ông Lavroy nói rằng phương Tây còn đưa ra tối hậu thư cho Moscow để yêu cầu Nga mở một vụ án hình sự về vụ đầu độc ông Navalny trong khi thực sự họ đang che giấu những "bằng chứng" chính của vụ việc.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: REUTERS
"Khi các nước phương Tây đang cố gắng biến ông Navalny trở thành chủ đề chính trong cuộc đối thoại với đất nước chúng tôi, tôi muốn chia sẻ lại những đánh giá của tôi về vụ việc này theo lĩnh vực chính trị và tuyên truyền, vốn là trọng tâm của các lợi ích chính thức của chúng tôi " - ông Lavrov nói khi được yêu cầu bình luận về bức thư ngỏ của ông Vitaly Kozak- một nhà thần kinh học người Nga đang làm việc tại Thụy Sĩ.
Trước đó, truyền thông đã lan truyền một bức thư ngỏ của ông Kozak, trong đó ông bình luận về bài báo trên tạp chí The Lancet về việc Navalny bị cáo buộc đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Ông Kozak lưu ý rằng chất độc "Novichok" trong bài báo khá mơ hồ.
Trả lời yêu cầu bình luận, ông Lavrov lưu ý rằng Văn phòng công tố Nga đã yêu cầu Bộ Tư pháp Đức cung cấp tất cả thông tin về kết quả nghiên cứu do Bundeswehr (quân đội Đức) thực hiện, bao gồm cả việc chuyển giao tất cả các bằng chứng liên quan đến vụ Navalny nhưng Đức đã từ chối.
"Mặc dù Đức chấp nhận các yêu cầu của chúng tôi về việc cung cấp trợ giúp pháp lý, bao gồm cả Công ước về vũ khí hóa học nhưng thực tế chúng tôi lại không được cung cấp bất kỳ thông tin nào. Dưới nhiều thời điểm khác nhau, phía Đức đã từ chối cung cấp bản sao các tài liệu y tế, khám nghiệm pháp y, nghiên cứu độc chất và các nghiên cứu tại phòng thí nghiệm khác" - ông Lavrov nói.
Bên cạnh đó, ông Lavrov cho biết rằng Đức lần thứ tư từ chối yêu cầu của văn phòng công tố Nga được phỏng vấn cô Maria Pevchikh (một nhà hoạt động và là đồng minh của ông Navalny )."Phía Đức đã từ chối yêu cầu thẩm vấn cô Maria Pevchikh với lý do địa chỉ của cô ấy ở Đức không rõ ràng. Trong khi đó, theo các nguồn tin mở, cô ấy là một trong những người đưa tiễn ông Navalny về Moscow và tình báo Đức thì luôn bảo vệ ông Navalny suốt ngày đêm" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết.
Đồng thời, bà Zakharova nhấn mạnh rằng phía Đức cũng không cung cấp bất kỳ dữ liệu nào về kết quả nghiên cứu chất độc được cho là tìm thấy trên các chai nước khoáng mà cô Pevchikh đã lấy từ khách sạn ở TP Tomsk (Nga) mang đến Berlin để nghiên cứu.
Moscow sẵn sàng hợp tác với EU
Trong bài phát biểu hôm 8-2, ông Lavrov nói rằng Moscow không phải là bên khởi xướng việc hạ nhiệt quan hệ với EU. Đồng thời, Nga quyết tâm bình thường hóa trong một số lĩnh vực nhất định nếu chương trình đối thoại không bị hy sinh vì lợi ích địa chính trị.
"Tôi nhận thấy rằng sau khi lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell đến Moscow từ ngày 4-2 đến ngày 6-2, đại diện cấp cao của EU đã công bố một số bình luận trên blog của mình. Trong đó, ông ấy đưa ra trường hợp như thể Nga đang nhanh chóng rời khỏi châu Âu. Trong các cuộc đàm phán với ông Borrell ở Moscow, tôi chỉ nói về tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ Nga-EU trên cơ sở có hệ thống" - ông Lavrov cho biết.
Nhân vật đối lập Alexei Navalny. Ảnh: REUTERS
Bình luận của Ngoại trưởng Lavrov được đưa ra vài ngày sau khi Nga trục xuất ba nhà ngoại giao của Đức, Ba Lan và Thụy Điển vì tham gia các cuộc tuần hành trái phép ủng hộ ông Navalny. Moscow cho biết họ coi sự tham gia của các nhà ngoại giao nước ngoài trong các cuộc mít tinh như vậy là can thiệp vào các vấn đề đối nội của Nga.
Các cuộc biểu tình trái phép đã diễn ra trên khắp nước Nga vào ngày 23-1, 31 -1 và ngày 2-2 để ủng hộ nhân vật đối lập Navalny. Ông này nghi bị đầu độc ở Nga và sau đó đã đến Đức điều trị. Sau khi về Nga, ông đã bị bắt giam. Tòa án Moscow ngày 2-2 tuyên phạt ông Navalny ba năm rưỡi tù vì tội tham ô.