Cần Thơ, Đà Nẵng linh hoạt triển khai nhiều biện pháp phòng chống Covid-19
Trung Chánh - Trung Châu
(TBKTSG Online) - Thông qua việc thành lập tổ Covid-19 cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Cần Thơ yêu cầu các thành viên của tổ phải gõ cửa từng nhà của người dân để vận động, nhắc nhở thực hiện phòng, chống loại dịch bệnh nguy hiểm này. Trong khi đó, tại Đà Nẵng, vViệc xác định đối tượng về từ các vùng để cách ly tập trung (màu cam) hay cách ly tại nhà (màu xanh) được ngành y tế áp dụng và cập nhật thông qua bảng tính được truy cập bằng QR code.
Thủ tướng đồng ý cho địa phương áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn dịch bệnh
Kiểm tra, xử lý vi phạm phòng, chống Covid-19 ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: Sở Y tế Cần Thơ |
Cần Thơ 'gõ cửa' từng hộ dân để cộng đồng cùng phòng chống dịch
Ông Cao Minh Chu, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố vào hôm nay, 9-2, đã ký văn bản khẩn gửi UBND các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ; các sở, ngành, đơn vị và Trung tâm y tế quận, huyện về việc thành lập tổ Covid-19 cộng đồng.
Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covdi-19 thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo xã, phường, thị trấn khẩn trương thành lập tổ Covid-19 cộng đồng theo tinh thần hướng dẫn của Bộ Y tế về ban hành sổ tay hướng dẫn tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch Covid-19.
Cụ thể, mỗi tổ Covid-19 cộng đồng gồm 3 người là cán bộ tổ, ấp, khu vực; các tổ chức chính trị- xã hội, đoàn thể; tình nguyện viên tại khu dân cư. Tuỳ điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách tối thiểu 50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ.
Tổ Covid-19 cộng đồng sẽ có nhiệm vụ (hàng ngày) đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng, chống dịch tại gia đình như: thực hiện yêu cầu “5K”, tức đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc và khai báo y tế; cài đặt ứng dụng Bluezone; chủ động khai báo y tế khi gia đình có người nghi ngờ mắc bệnh…
Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ giám sát, phát hiện để báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã các trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc đi về từ vùng có dịch; phát hiện, báo cáo cấp thẩm quyền các trường hợp không tự giác khai báo y tế, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định…
Song song đó, tổ Covid-19 cộng đồng cũng có nhiệm vụ rà soát người ngoài địa phương mới về lưu trú trên địa bàn, đặc biệt là người từ các địa phương đang có dịch lưu hành; thực hiện truy vết F1, F2 khi có ca bệnh liên quan ở địa bàn phụ trách…
Trung tâm y tế quận, huyện có trách nhiệm tập huấn và cập nhật các thông tin, chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố cho thành viên tổ Covid-19 cộng đồng. Đồng thời, chỉ đạo các trạm y tế xã, phường, thị trấn tổng hợp thông tin từ tổ Covid-19 cộng đồng và cập nhật vào hệ thống quản lý dân cư để tổ thông tin phòng, chống Covid-19 phân tích, xử lý.
UBND các quận, huyện có trách nhiệm cung cấp phương tiện bảo hộ đảm bảo an toan cho tổ Covid-19 cộng đồng thực hiện nhiệm vụ…
Đà Nẵng dùng QR Code và liên tục cập nhật các vùng có dịch trên cả nước
Tính đến trưa ngày 9-2, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng xác định được 55 vùng có dịch trên khắp cả nước và người về từ những vùng này cần phải cách ly tập trung.
Bên cạnh đó, người về Đà Nẵng từ hơn 60 vùng khác sẽ được cách ly tại nhà theo quy định.
Việc xác định đối tượng về từ các vùng để cách ly tập trung (màu cam) hay cách ly tại nhà (màu xanh) được ngành y tế Đà Nẵng áp dụng và cập nhật thông qua bảng tính được truy cập bằng QR code (hình ảnh minh họa) hoặc bit.ly/vungdich.
Theo đó, Đà Nẵng sẽ cách ly y tế tập trung 21 ngày (tính từ ngày cuối cùng tiếp xúc với nguồn lây hoặc ngày rời khỏi địa phương) đối với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 (F1); người từng đi đến, trở về từ thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh); người từng đi đến, về từ các khu vực đang bị phong tỏa trên cả nước (áp dụng đến khi khu vực hết phong tỏa). Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng cũng sẽ tổ chức cách ly y tế tại nhà 21 ngày với các trường hợp F2 (tiếp xúc gần với F1).
Nếu kết quả xét nghiệm PCR của F1 âm tính với SARS-CoV-2 thì F2 được kết thúc cách ly; người từng đi, đến, về từ tỉnh Hải Dương (trừ TP.Chí Linh), tỉnh Quảng Ninh (trừ sân bay Vân Đồn); người từng đi, đến, trở về từ các quận, huyện có trường hợp mắc do lây lan tại cộng đồng của Hà Nội; người từng đi đến, trở về từ các các xã, phường có ghi nhận trường hợp mắc do lây lan tại cộng đồng trên cả nước; người đã từng đến, đi về từ các địa điểm trong khoảng thời gian Bộ Y tế thông báo khẩn nhưng không phải là người tiếp xúc gần (F1).Tất cả trường hợp cách ly y tế (tập trung hoặc tại nhà) đều lấy mẫu xét nghiệm 3 lần.
Với người về từ vùng dịch, tính từ ngày rời khỏi địa phương hoặc ngày cuối cùng tiếp xúc với nguồn lây đến ngày phát hiện trên 12 ngày sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 2 lần: lần 1 vào ngày phát hiện, lần 2 vào ngày thứ 21 kể từ ngày rời khỏi. Nếu từ ngày rời khỏi địa phương hoặc ngày cuối cùng tiếp xúc với nguồn lây đến lúc phát hiện trên 18 ngày thì Đà Nẵng sẽ lấy mẫu 1 lần vào ngày phát hiện.
Bên cạnh đó, Công an thành phố Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế triển khai sử dụng ứng dụng quản lý khách vào/ra thành phố tại các chốt kiểm soát người vào/ra thành phố. Trong đó, nghiên cứu áp dụng cả kiểm soát người ra khỏi thành phố để có thông tin đầy đủ, chính xác.
Công an TP chủ động đề xuất sử dụng kinh phí phòng chống dịch để trang bị máy tính bảng (02 máy/chốt) để người dân thuận lợi xác nhận đã khai báo (check-in/check-out) vào/ra, hạn chế tiếp xúc gần, tránh ùn ứ người.
Sở Y tế sử dụng dữ liệu khai báo để quản lý, điều tra dịch tễ; triển khai ứng dụng quản lý khách vào/ra tại các bệnh viện, Trung tâm y tế các quận, huyện.
Sở Thông tin và Truyền thông triển khai truyền thông, hướng dẫn các cơ quan và người dân sử dụng; vận hành ứng dụng, tiếp tục hoàn thiện ứng dụng theo góp ý của các cơ quan, người sử dụng.