Năm 2020 là năm khó quên đối với ngành giáo dục Đà Nẵng, nhất là các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao nhất, Đà Nẵng đã tổ chức xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho khoảng 14.000 người để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn ngay trong tâm dịch. Công tác phòng, chống dịch được thực hiện đồng bộ và quyết liệt, thí sinh F1, F2, thí sinh trong khu cách ly y tế được bố trí điểm thi riêng và có xe đưa đón, cán bộ làm nhiệm vụ thi được trang bị đồ bảo hộ nghiêm ngặt.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã có buổi trao đổi với ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, để cùng nhìn lại kỳ thi lịch sử này.
“Chúng tôi vừa làm, vừa mong một điều kỳ diệu”
. Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 diễn ra từ ngày 3 đến 4-9, trong khi dịch COVID-19 tại Đà Nẵng còn hết sức căng thẳng. Tổ chức thi trong bối cảnh như vậy, sở có gặp nhiều áp lực không, thưa ông?
+ Ông Mai Tấn Linh: Đợt dịch thứ hai, Đà Nẵng là tâm dịch nên việc tổ chức kỳ thi gặp nhiều thách thức hơn so với các địa phương khác. Một trong những khó khăn lúc đó là tham mưu UBND để ủy ban tham mưu Bộ GD&ĐT chọn được thời gian thi phù hợp.
Tôi nhớ Bộ quyết định thi vào ngày 28-29/8 nhưng Sở Y tế cho rằng Đà Nẵng chỉ có thể thi sớm nhất từ ngày 9 và 10-9. Sau khi họp, lấy ý kiến, chúng tôi thấy không thể tổ chức thi vào cuối tháng 8 được vì tình hình dịch quá phức tạp. Phương án thi vào đợt 3 hoặc xin ý kiến cho Đà Nẵng miễn thi đã được nghĩ tới. Nhưng nếu thế thì sẽ vô vàn bất lợi cho hơn 10.000 thí sinh vì các em xét tuyển ĐH thế nào? Chọn phương án hài hòa được tất cả mọi việc không đơn giản.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng. Ảnh: T.AN
Chúng tôi thống nhất chỉ tổ chức thi khi dịch đã được kiểm soát, quan trọng nhất là phụ huynh và học sinh có được sự an tâm, tâm thế tốt trước kỳ thi.
Đà Nẵng cố gắng “đàm phán” với Bộ GD&ĐT để lựa thời điểm phù hợp nhất, Bộ trễ hơn một chút, Đà Nẵng sớm hơn một chút, nhưng phải trước ngày 5-9. Vì nếu kỳ thi chuyển sang đầu năm học 2020-2021 thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến địa phương. Quá trình ”đàm phán” rất khó khăn, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP liên lạc thường xuyên với Bộ để quyết định mốc thời gian. Cuối cùng thời điểm được chọn là ngày 3 và 4/9, trước khai giảng một ngày.
Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ đặc biệt của TP khi quyết định tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ thí sinh và lực lượng làm công tác thi. Nhờ đó mà bỏ được một phần gánh nặng, áp lực để toàn tâm toàn lực chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Đây là một quyết định đúng đắn và bước ngoặt của Đà Nẵng.
. Vào thời điểm ấy, ông và nhiều thầy cô có lẽ đã trải qua nhiều đêm khó ngủ?
+ Chúng tôi không nhớ tham gia bao nhiêu cuộc họp mỗi ngày, họp ủy ban, lãnh đạo các phòng rồi đi kiểm tra cơ sở, gần như không có ngày nghỉ, điện thoại thì hết pin liên tục. Là những người phụ trách, mình rất lo cho chuyện thi cử của các cháu nên phải có những đầu tư, những trăn trở, vừa làm, vừa cầu mong một điều kỳ diệu để không xảy ra thiệt hại nào.
Rất may mắn là điều đó đã đến, chúng ta đã khống chế được dịch bệnh để tổ chức thành công kỳ thi theo hai phương diện là vừa phòng dịch tốt, vừa thực hiện đúng quy chế của Bộ GD&ĐT.
Đà Nẵng xét nghiệm cho toàn bộ thí sinh và lực lượng làm công tác thi. Ảnh: T.AN
Với tôi, đây cũng là một kỳ thi nhiều cảm xúc. Có một kỷ niệm là khi xét nghiệm gộp 5 người trong Ban In sao đề thi, tôi nằm trong nhóm có nguy cơ dương tính vì một người có kết quả dương tính lần một. Trong tình huống đó, đương nhiên là có những tâm tư, băn khoăn, rồi cả gia đình nữa. Điều khủng khiếp nhất là nếu như công chức của sở là F0 thì cả sở là F1 và cùng nhau đi cách ly. Lúc đó ai là người điều hành tổ chức kỳ thi?
Khi nghe báo cáo, trong đầu tôi đã nghĩ đến phương án Đà Nẵng phải thi đợt 3 chứ không thể tổ chức thi được nữa. Thật may kết quả xét nghiệm lần 2, lần 3 của trường hợp này là âm tính và kỳ thi vẫn diễn ra theo kế hoạch.
Khó khăn giúp ta trưởng thành hơn
. Ngoài tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 với tỉ lệ tốt nghiệp hơn 98%, đâu là điểm tâm đắc của ngành giáo dục TP năm qua, thưa ông?
+ Trước hết là công tác phòng, chống dịch, bám sát chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm nguy hiểm của dịch COVID-19; triển khai đồng bộ, quyết liệt các công tác phòng chống dịch như sát khuẩn, mang khẩu trang... Trong thời gian bùng phát dịch thứ 2, chúng ta cũng tiếp tục thực hiện tốt việc này.
Thứ hai là dù dịch phức tạp và diễn biến thời tiết không thuận lợi, thực hiện chỉ đạo của Bộ về việc tinh giản chương trình, sở đã chỉ đạo tất cả các phòng giáo dục đào tạo cũng như các trường thực hiện tổ chức dạy học, hoàn thành được kế hoạch năm học. Trong đó nổi bật nhất là tổ chức được kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở thời điểm rất thuận lợi, sớm không được, muộn không được. Bởi kỳ thi vừa kết thúc, công bố kết quả thì TP bùng phát dịch bệnh thứ 2.
Qua kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, chúng tôi cũng thấy công tác tham mưu, phòng chống dịch của mình tốt. Thực tế, cả nước cũng ghi nhận Đà Nẵng đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch để tổ chức kỳ thi cùng với các địa phương khác. Đặc biệt là chúng ta đảm bảo cho các em tham gia dự thi để được dự tuyển vào các trường ĐH như nguyện vọng.
Dù khó khăn nhưng Đà Nẵng có tình thần tương thân tương ái rất tốt. Khi bão lũ xảy ra, chúng tôi đã hỗ trợ 500 triệu đồng cho các địa phương từ Phú Yên đến Quảng Bình khắc phục khó khăn. Ngoài ra hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh huyện miền núi Tây Giang, kịp thời hỗ trợ hơn 600 triệu đồng cho giáo viên, học sinh Đà Nẵng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai.
. Ông nói rằng năm 2020 ít nhiều cho chúng ta những kinh nghiệm, những trưởng thành. Cụ thể đó là gì, thưa ông?
+ Đúng vậy, nếu không bị đặt vào những hoàn cảnh như vậy thì những năng lực tiềm ẩn trong chúng ta không có cơ hội thể hiện. Trong khó khăn mới xuất hiện cách nghĩ, cách làm, cách trăn trở, cách ứng biến, cách thích ứng mới, nó giúp mình trưởng thành hơn, giúp mình tự tin là dù có chuyện gì thì cũng có thể xử lý được. Đây là cái quan trọng nhất.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 tại Đà Nẵng đã diễn ra an toàn, trọn vẹn. Ảnh: T.AN
Về chất lượng dạy và học, khi dịch bệnh, thời tiết bất lợi rõ ràng ảnh hưởng đến quỹ thời gian học tập, làm thay đổi được kế hoạch, thói quen dạy và học trước đây. Chúng ta phải giảm thời gian học trực tiếp trên lớp, tăng thời gian học sinh tự học bằng việc tổ chức dạy học qua truyền hình, internet. Chính điều này mở ra phương pháp dạy và học mới trong những hoàn cảnh khó khăn.
Các học sinh phát huy được tính tự học, giáo viên được học thêm kỹ năng để tổ chức cho học sinh học qua internet. Hiện dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, chúng ta đã kiểm soát nhưng vẫn có thể bùng phát bất kỳ thời điểm nào. Vì vậy, việc tổ chức dạy học qua internet hay tự học là điểm tích cực cần phát huy, là cơ sở để chúng ta triển khai trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến bất lợi thời gian tới.
Ngoài ra đó còn là sự nỗ lực, đoàn kết, phối hợp của từng cá nhân trong sở, giữa sở với các cơ quan, ban, ngành khác trong công tác ứng phó, tuyên truyền phòng chống dịch. Chúng tôi cũng kết hợp rất tốt với các cơ quan báo chí, nổi bật là phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng tổ chức dạy học qua truyền hình.
Đây thực sự là một nỗ lực của TP, của ngành để học sinh tiếp cận được nội dung học tập, tạo hiệu ứng tốt là ngành đã làm tất cả những gì có thể cho học sinh. Học trên tuyền hình thì hiệu quả về yếu tố tâm lý nhiều hơn yếu tố về củng cố nội dung kiến thức, nó tạo được sự hưng phấn cho các em tự học.
. Lúc này, nếu có một điều ước trong năm mới, ông sẽ ước điều gì?
+ Chúng ta đã phần nào thích ứng được với thời tiết, dịch bệnh, năm 2021, dù có khó khăn thì chúng ta cũng tự tin triển khai theo đúng kế hoạch năm học. Tôi ước rằng chúng ta sớm khống chế được dịch bệnh, ước rằng thời tiết thuận lợi hơn cho người dân, riêng ngành giáo dục có thêm điều kiện thuận lợi để triển khai công tác dạy và học. Đó là yếu tố khách quan. Còn cái nội lực là chúng ta sẽ triển khai đúng theo chỉ đạo của Bộ, kế hoạch năm học của UBND TP để năm học tới không quá nhiều khó khăn như năm học vừa qua.
. Xin cảm ơn ông!