Bạn Lâm Thị Thắm (ngụ Q.3, TP.HCM) cùng bạn trang trí một góc trọ nhỏ của mình - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ngày Tết là khoảng thời gian ai cũng muốn được sum vầy, được đoàn tụ, được quây quần bên nhau để cùng ngồi lại ăn bữa cơm gia đình và kể cho nhau nghe những câu chuyện sau một năm học tập, làm việc nơi thành phố. Phải đắn đo lắm những người trẻ mới có thể quyết định xa gia đình trong những ngày lòng nôn nao này.
Thử lần đầu đón Tết xa nhà
Sau những đêm trằn trọc không ngủ, vẫn phải chọn ăn Tết ở Sài Gòn, Lâm Thị Thắm (quê Gia Lai) quyết định ở lại bán hàng xuyên Tết để có thêm tiền, và thử trải nghiệm cảm giác lần đầu đón giao thừa xa ba mẹ.
Làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng trên đường Trần Quang Diệu (Q.3, TP.HCM), Thắm cho biết phải mất 1 tuần mình mới có thể đưa ra quyết định. Lý do không về là vì Gia Lai đang là tâm dịch COVID-19, Thắm lo về được, nhưng sợ lúc xuống có gì phải đi cách ly, lỡ dở công việc. Cô đợi dịch ổn định hơn rồi mới về.
"Lần đầu đón Tết xa nhà, mình cảm thấy hơi tủi thân một tí. Thời điểm này mọi năm đã về nhà đón Tết cùng ba mẹ. Thấy mọi người về, mình cũng nôn nao lắm. Nhưng mình cảm thấy tự lập hơn. Gọi điện về, mình chỉ kể những chuyện vui để bố mẹ không lo lắng. Biết nhiều bạn cũng chọn ở lại Sài Gòn nên phần nào mình cảm thấy an ủi vì không chỉ có một mình đón Tết xa nhà. Và chắc chắn đây sẽ là một kỷ niệm không bao giờ quên với mình", Thắm bộc bạch.
Bạn Lâm Thị Thắm (quê Gia Lai) chọn ở lại bán hàng dịp Tết và bán socola dịp lễ tình nhân sắp tới - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cũng trường hợp tương tự, Lê Đức Anh tuổi (quê Hà Nội, ngụ Q.11, TP.HCM), đang làm giám sát hoạt động cho phòng khám tại quận 3, cũng là năm đầu tiên bạn chọn ăn Tết xa nhà.
Lê Đức Anh chia sẻ: "Mình đã đi xa gia đình từ sau khi học hết cấp 3, nhưng đây là năm đầu tiên không về quê đón Tết. Lý do duy nhất là vì dịch COVID-19 đang bùng phát trong thời điểm này, cả Hà Nội và TP.HCM đều bị ảnh hưởng.
Mình đã kịp đi cắt tóc, mua quần áo mới cùng bạn. Ở đây một mình, tuy không cúng giao thừa nhưng mình cũng đã kịp đặt 2 cái bánh chưng, giò... để chuẩn bị cho mấy ngày Tết đến".
Bạn Lê Đức Anh (quê Hà Nội, hàng đầu thứ 2 từ trái qua) cho biết bạn chủ động ở lại Sài Gòn đón Tết xa nhà - Ảnh: NVCC
Không thấy cô đơn
Dù quê gần hơn, chỉ cách Sài Gòn 120km, Huỳnh Triều (quê Đồng Tháp) đang sinh sống tại Q.Gò Vấp cũng quyết định chọn ở lại TP.HCM trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Sau khi xong công việc tại một khách sạn trên đường Nguyễn Huệ, Triều thay vội bộ áo dài, ghé chợ mua vài món thực phẩm để về nấu một bữa cơm đơn giản.
Lần đầu ăn Tết xa nhà và chỉ có một mình, trong khi bạn bè đều khăn gói về quê khiến cô gái này không khỏi chạnh lòng.
“Tết năm nay là cái Tết ‘lạ’ nhất, đặc biệt nhất với mình. Làm trong ngành khách sạn - du lịch nên năm nay mình nghỉ và nhảy việc khá nhiều. Dịch COVID-19, khách giảm nên chỗ làm của mình trước đó cũng cắt giảm nhân sự. Hiện tại mình ở lại Sài Gòn để cố gắng hoàn thành 3 tháng thử việc ở chỗ làm mới. Mong mọi thứ sẽ ổn, bình an hơn trong năm Tân Sửu”, Triều cho biết.
Mặc dù không về quê, nhưng nhờ chiếc điện thoại nhỏ mà ba mẹ và Thắm có thể nhìn thấy nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Với chiếc điện thoại nhỏ, mọi thứ như được thu gọn trong đó, từ bóng hình ba, từ nụ cười của mẹ, tiếng cười rôm rả của em và những lời dặn dò chưa bao giờ là đủ. Thứ âm thanh mà người trẻ dù cho có cứng rắn đến mấy cũng cảm thấy xốn xang: “Con đã ăn gì chưa? Nhớ ăn đủ đừng lao lực quá nha con! Ba mẹ ở nhà vẫn khỏe! Năm nay không có bé ở nhà ba mẹ buồn lắm. Nhớ giữ sức khỏe và cẩn thận khi ra đường nha con”.
Bạn Maria Kalinia (du học sinh người Pháp, ngụ Q.1, còn có tên là Micka Chu) đang học ngành Việt Nam Học tại Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP.HCM cho biết bạn đến Việt Nam cũng đã được 5 năm. Ngoài việc học ngôn ngữ Việt, Maria còn làm MC và người mẫu tự do. Đây là lần thứ 3 Maria ăn Tết tại TP.HCM.
Maria Kalinia chụp hình cùng bạn bè tại một sự kiện văn hóa ở TP.HCM - Ảnh: PHAN THANH VIỆT
“Bố mẹ mình cảm thấy vui và an tâm hơn khi mình ở Việt Nam, vì tình hình dịch ở Pháp và Nga đang khá phức tạp. Mặc dù chỉ có một mình, nhưng mình không thấy buồn. Tết cũng là dịp để mình nghỉ ngơi, dành thời gian cho bản thân và bạn bè.
Tết Việt Nam khác so với Tết ở Pháp và Nga, nếu Tết ở quê mình thì chủ yếu người dân sẽ đi chơi, còn Tết Việt Nam chú trọng nhiều hơn về văn hóa và tình cảm sum họp gia đình hơn.
Và mình cảm thấy may mắn khi kẹt lại Việt Nam trong thời điểm này. Mình có thêm được nhiều thời gian để tìm hiểu về con người và văn hóa Việt, có cơ hội mặc áo dài và ăn thử món Việt Nam rất ngon. Mong muốn của mình là dịch bệnh nhanh qua để trở lại cuộc sống bình thường” - Maria chia sẻ.
Maria Kalinia (du học sinh người Pháp, ngụ Q.1) cho biết cô rất thích mặc áo dài và trải nghiệm văn hóa Việt Nam - Ảnh: NVCC
Không chỉ riêng người trẻ mà cả người lao động tại các khu chế xuất ở TP.HCM cũng chọn ở lại Sài Gòn vì một năm biến động của dịch COVID-19. Nhiều người không về, chọn ở lại làm thêm công việc khác, tự tay chuẩn bị một cái Tết tinh gọn cho gia đình mình bằng việc làm mứt, hay cùng ngồi lại bên mâm cơm đơn giản, không bánh chưng, bánh tét, không hạt dưa… nhưng không thiếu đi niềm vui.
Bà Nguyễn Thị Bảnh (63 tuổi, quê Hậu Giang) cùng em gái kho cá và nấu nồi thịt kho hột vịt để dành ăn tết - Ảnh: NHẬT THỊNH
Những đứa trẻ trong xóm thích thú ăn thử mứt dừa mới ra lò - Ảnh: NHẬT THỊNH
Chị Út Mười (quận 12, TP.HCM, quê Bạc Liêu) và cô Liên (quê Bình Định) sên mứt dừa chuẩn bị cho cái Tết xa quê. Hai năm nay chị Út Mười không thể về quê đón Tết vì dịch COVID-19 - Ảnh: THANH CHIÊU
Bữa cơm đạm bạc của mẹ con chị Trịnh Thị Lệ Uyên (quận 12, TP.HCM, bên phải). Chị Uyên năm nay không về Bình Định ăn Tết mà ở lại thành phố tìm việc làm thêm - Ảnh: THANH CHIÊU
TTO - Chiều 5-2 (ngày 24 tháng chạp), sau ngày làm việc cuối cùng, chị Đặng Thị Thủy - công nhân Công ty TNHH Hansoll (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) - vội vàng chạy đi đón con rồi mới ra chợ sắm sửa đón Tết.
Xem thêm: mth.10770133190201202-nog-ias-o-tet-na-noc-yan-man-io-em-ab-ion-mad-iom-uas-taht-tih-iahp/nv.ertiout