Sáng 28 tháng Chạp, chợ Trà Ôn (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) tấp nập người. Trước cổng chợ, xe máy đông nghịt. Ban Quản lý chợ phải sắp xếp người quản lý và đặt biển cấm xe vào khu vực chợ.
Trước cổng chợ Trà Ôn đông nghịt người vào sáng 28 tháng Chạp
Bà Trần Thị Dung (84 tuổi; ngụ khu 1, thị trấn Trà Ôn), nhớ lại: "Tôi sinh ra và lớn lên tại Trà Ôn, chứng kiến bao cảnh đổi thay của khu chợ này. Ngày trước, chợ đâu có điện như bây giờ mà phải thắp sáng bằng đèn măng sông hoặc đèn dầu. Chợ Trà Ôn ngày trước là một con rạch, qua nhiều năm tháng, con rạch được phù sa bồi lắng rồi bị lấp, hình thành nên nhà lồng chợ như ngày nay".
Bên trong chợ Trà Ôn tấp nập người mua, kẻ bán
Con bà Dung là bà Đỗ Thị Thanh (66 tuổi) từng là một thương hồ trên chợ nổi Trà Ôn. Cuộc đời của bà Thanh cũng gắn liền với chợ Trà Ôn.
"Cách đây khoảng 30 năm, tôi có chiếc ghe nhỏ hay lên tận chợ ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) lấy nông sản như: dưa leo, củ cải, bắp cải… đem về bán trên chợ nổi hoặc giao cho bạn hàng trên chợ Trà Ôn. Mỗi dịp Tết, tôi thuê một lô trên chợ rồi bày bán đủ thứ, nhưng đa phần là mặt hàng nông sản. Thời ấy chợ Tết không sung túc và nhiều mặt hàng như bây giờ", bà Thanh nhớ lại.
Theo bà Thanh, lúc trước chợ Trà Ôn chỉ bán tới 30 Tết rồi nghỉ đến mùng 3 hoặc mùng 4 mới bày bán lại, nhưng mấy năm nay, chợ bán xuyên Tết.
Nhiều loại trái cây tại vườn được đem ra bày bán ở chợ Tết
Chợ sôi động bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Trong nhà lồng chợ bày bán quần áo, giày dép, bánh mứt, nhu yếu phẩm… Còn bên ngoài, người bán ngồi sát mặt đất, được kê một cái ghế lùn, hoặc ngồi chồm hổm trên mặt đất. Phía trước trải một tấm bạt hoặc thùng xốp rồi bày nông sản trên đó. Đây cũng là một đặc trưng cho chợ Tết ở quê.
Bánh tráng, củ kiệu, bao lì xì... dễ dàng tìm thấy ở chợ Tết
Nếu như ngày thường mọi người sẽ ít thấy bánh tráng, củ kiệu, bao li xì… thì sẽ tìm thấy nơi chợ Tết quê. Hàng loạt loại trái cây ngon, tươi được nhà vườn chăm chút trong năm qua đều được bày bán tại chợ. Nhiều nhất có thể kể đến là: mãng cầu (na), xoài, đu đủ, quýt, bưởi, dưa hấu… Riêng các loại rau xanh mướt thì nhiều vô số kể. Theo nhiều tiểu thương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mặt hàng không nhiều và phong phú như những năm trước, giá cả cũng ổn định.
Nhiều loại hoa khoe sắc
Nhưng góp phần làm nên không khí Tết cho chợ quê chính là những cánh hoa khoe sắc. Hoa vạn thọ, hoa cúc do dân địa phương trồng rồi đem ra bày bán. Hoặc có tiểu thương lấy hoa từ Đà Lạt về như: hoa ly, cúc đồng tiền, hoa lay ơn… Anh Trần Văn Hoài, một tiểu thương bán hoa, bày tỏ: "Năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, tôi nhập hoa từ Đà Lạt về ít hơn mọi năm. Mấy ngày qua, nhờ mối quen nên sức mua có tăng so với ngày thường".
Nhiều mặt hàng Tết giá ổn định
Chợ quê là nơi gắn bó cũng là ký ức của nhiều người con xa quê. Ở chợ quê, có sự nhọc nhằn của mẹ, sự vất vả của cha khi cố gắng buôn bán để sắm được đôi dép, quần áo mới cho con cái. Là người con Trà Ôn, mỗi dịp Tết, chị Trần Thị Xuyến (29 tuổi) đều về quê để cùng mẹ đi chợ Tết.
Chị Xuyến tâm sự: "Mẹ tôi cũng một thời tần tảo, bán ở chợ Trà Ôn. Ngày trước, tầm 20 tháng Chạp là tôi cùng mẹ ra chợ thuê lô rồi bày bán củ kiệu, dưa leo, bắp cải… Đến 30 Tết, mẹ đếm tiền lời rồi dẫn con gái đi mua giày dép, quần áo mới. Đối với những đứa trẻ thì được sắm đồ Tết thì không có gì vui bằng. Bây giờ tuy đi làm ở xa, nhưng khi Tết đến lòng lại nôn nao đến lạ, nên chạy ngay về nhà để được cùng mẹ đi chợ Trà Ôn mua thịt, mua hột vịt rồi hoa chưng Tết".
Tết đến, ai cũng hối hả
Tiếng nhạc Xuân vang lên giữa chợ quê: "Xuân! Xuân ơi, Xuân đã về!", làm ai cũng nôn nao. Người bán chỉ mong bán được hết hàng, người mua thì rảo quanh chợ rồi lâu lâu nhìn trong giỏ xem mình đã mua đủ vật dụng để trang hoàng cho Tết chưa.
Tết làm cho người ta hối hả, nhưng qua đó cũng mang lại sự ấm no sau một năm bôn ba, vất vả!
Xem thêm: mth.88962741190201202-tet-paig-yagn-euq-ohc-pihn-nohn/et-hnik/nv.moc.dln