Dịch COVID-19 trong năm vừa qua đã khiến nhiều người lao động, đặc biệt là những người làm trong nghề dịch vụ phải xoay sở công việc, chật vật mưu sinh. Đối với họ, một năm khó khăn đã qua đi và dịch COVID-19 như “liều thuốc thử” để vượt qua đại dịch.
Dịch COVID-19 - “liều thuốc thử” vượt qua đại dịch
Có gần 5 năm kinh nghiệm làm bếp trưởng tại 1 nhà hàng 5 sao Hà Nội, anh Lương Việt Hà (29 tuổi, trú tại Hà Nội) tâm sự, dịch COVID-19 khiến anh cũng như những người làm dịch vụ đã phải thay đổi, xoay xở để có thể “bám trụ” với nghề.
Anh Hà cho hay, từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên thu nhập gần như không có. Trong thời gian 2 đợt dịch, khách sạn anh Hà đang làm việc phải đóng cửa hoàn toàn. Thời điểm đó, anh phải dùng số tiền tiết kiệm cũng như xoay sở làm thêm để trang trải cuộc sống.
“Sau đợt dịch 2, chờ đợi dịch phục hồi, hiện tại tôi có đang làm bếp trưởng tại một nhà hàng tại Tuyên Quang. Công việc hiện tại cũng tương đối ổn định, hơn thế nữa Tết năm nay tôi sẽ được trở về quê nhà ăn Tết”, anh Hà chia sẻ.
Câu chuyện khó khăn cũng đến với anh Phạm Thái Nam Sơn (26 tuổi, trú tại Hà Nội), hướng dẫn viên du lịch tại một công ty TNHH về du lịch tại Hà Nội với hơn 5 năm tuổi nghề. Như thường lệ, mọi năm anh sẽ đi làm từ 28 Tết đến mùng 3 Tết. Tuy nhiên, năm nay anh sẽ được ở nhà đón Tết cùng gia đình.
Anh Sơn chia sẻ, dịch COVID-19 khiến công việc của anh bị tạm ngưng và gặp nhiều khó khăn. Trước khi xuất hiện dịch COVID-19, thu nhập trung bình của anh từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Thời điểm dịch đợt 1, thu nhập gần như không có. Công ty hỗ trợ nhưng không đủ, gia đình có thêm thành viên mới nên anh buộc phải dùng số tiền tiết kiệm trước đó và làm thêm shipper, làm bánh để chi tiêu, trang trải cho cuộc sống.
Là người thường xuyên dẫn các tour thị trường quốc tế đi Thailand, Malaysia, Singapore, Bali - Indonesia, Nhật, Trung,…nhưng từ khi thị trường quốc tế bị đóng cửa hoàn toàn, công việc của anh Sơn lại càng khó khăn hơn. Hiện tại, anh vẫn duy trì bằng một số tour dẫn các đoàn khách từ Sài Gòn đi du lịch miền Bắc.
Đặc thù của những người làm ngành dịch vụ, đặc biệt là nhà hàng, khách sạn những ngày lễ Tết sẽ không được nghỉ, hơn nữa nhiều khi phải tăng ca. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên cũng là dịp để mọi người có cơ hội được về nhà đón Tết. Với những người làm trong nghề dịch vụ, điều mong muốn nhất bây giờ là Việt Nam và thế giới có thể kiểm soát tốt được dịch, để công việc có thể ổn định trở lại.
Ngành dịch vụ chờ đợi phục hồi
Trao đổi với PV, ông Đỗ Trần Phương - Phó Trưởng Khoa Du lịch – Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết, qua hơn 1 năm chống chọi với dịch COVID-19, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong khâu sản xuất kinh doanh nên sẽ rất khó để có nhiều quỹ phúc lợi dành cho du lịch. Các doanh nghiệp cơ bản sẽ phải cắt giảm những chi phí chưa thực sự cấp thiết để tập trung cho quá trình khôi phục sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
Còn theo TS.Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện nay, việc phục hồi các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến phục vụ khách trong nước có xu hướng tốt lên. Vấn đề hiện nay chủ yếu liên quan đến du lịch quốc tế, thương mại quốc tế, phụ thuộc hoàn toàn vào việc xuất khẩu nước ngoài. Tình hình dịch bệnh trên thế giới hiện nay còn đang nhiều diễn biến khó lường, vì vậy những người làm dịch vụ cần “chờ cơ hội” để phục hồi.
“Ngành dịch vụ trong thời gian tới có thể phát triển nhanh hay chậm phụ thuộc vào 3 yếu tố chính là: tình hình kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài và hợp tác quốc tế với các đối tác kinh tế trọng yếu của Việt Nam, mở cửa khơi thông các tuyến hàng không”, TS. Lê Xuân Sang cho biết thêm.