Đổi tiền lẻ mới dịp Tết luôn là vấn đề nóng. Từ cổng một số đền chùa có người đổi tiền ăn lệch đến các quảng cáo đổi tiền ngập tràn Zalo, Facebook với tỉ lệ đổi từ 3-30% tuỳ loại mệnh giá.
Ngập chợ mạng dịch vụ đổi tiền lẻ ship tận nơi
Theo khảo sát của PV báo Lao Động tại chùa Hà (Hà Nội), người dân đổi tiền càng nhỏ thì phí đổi càng cao.
“Đổi ít thì phí là 30%. Em đổi loại tiền 1000 -2000 đồng thì 1 thếp là 130.000 loại tiền mệnh giá 1000 đồng và 260.000 đồng loại tiền mệnh giá 2000 đồng. Đổi nhiều thì giá tốt hơn. Vài ngày nữa mà vẫn khan hàng thì giá có thể cao hơn”, người bán hàng nói.
Tuy nhiên, đa phần các thếp tiền đổi hiện nay toàn là tiền đã qua sử dụng nhưng vẫn còn mới khoảng 80-90%.
“Làm gì có tiền lẻ mới 100% hả em? Hiếm lắm, bọn chị mấy năm nay toàn đổi cho khách đi lễ loại tiền “lướt” như thế này thôi”, chị bán hàng nói.
Tiền “lướt” là tiếng lóng mà người đổi tiền lẻ gọi những thếp tiền lẻ đã qua sử dụng nhưng vẫn còn mới.
Trên Facebook, Zalo, Google… chỉ gõ vài từ khoá “đổi tiền lẻ” là hàng loạt các trang web, lời mời chào đổi tiền lẻ như “đổi tiền lẻ mới giá rẻ, cam kết nguyên series”, “đổi tiền lẻ giá rẻ nhất Việt Nam”, “đổi tiền lẻ, tiền mới – phí 5% freeship nội thành”….
Trên một website rao công khai phí đổi tiền lẻ mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng hiện là 8%. Phí đổi tiền mệnh giá lớn hơn như 50.000 đồng, phí đổi tiền là 7%. Tiền mới mệnh giá 100.000 đồng -200.000 đồng thì phí đổi là 3-4%.
Người có nhu cầu đổi tiền lẻ chỉ cần gọi một cú điện thoại là sẽ có người ship tiền mang đến tận nơi.
Phạt tiền từ 20-40 triệu cho hành vi đổi tiền lẻ ăn chênh lệch phạm pháp
Trao đổi với phóng viên, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Ðào Minh Tú cho biết: “Trong những năm qua Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch; và Bộ Thông tin truyền thông phối hợp tích cực để tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về vai trò của tiền mệnh giá nhỏ, để người dân dùng tiền lẻ hợp lý, tiết kiệm”.
Đại diện NHNN cho biết việc không in tiền lẻ nhỏ mới ra thị trường giúp tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng chi phí cho ngân sách đáng lẽ phải chi ra để in ấn, vận chuyển, bảo quản, kiểm đếm. Đây là con số lớn trong điều kiện kinh tế nước ta còn khó khăn.
Vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 44/CT-TTg, trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các hành vi đổi tiền lẻ trái quy định của pháp luật.
Cục trưởng Phát hành và Kho quỹ NHNN Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Từ năm 2021, Sở Giao dịch, NHNN chi nhánh tuyệt đối không thực hiện đổi tiền mới in (cả dịp Tết Nguyên đán và trong năm) cho khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ NHNN. Ðồng thời, có hình thức xử lý nghiêm trường hợp cán bộ có hành vi lợi dụng, tiếp tay cho việc đổi tiền mới in không đúng quy định.
Mới đây nhất, NHNN đã có Văn bản số 684/NHNN-VP về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, yêu cầu Cục Phát hành và Kho quỹ đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế. Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh ngoại hối và dịch vụ đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Theo Nghị định 88/2019/NÐ-CP, việc đổi tiền lẻ kiếm lời ăn phí chênh lệch là hành vi trái pháp luật và có thể bị phạt tiền.
Cụ thể, tại điểm a Khoản 5 Ðiều 30 quy định phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Xem thêm: odl.137778-tahp-hnel-pahc-tab-olaz-koobecaf-ohc-pagn-1202-tet-pid-iom-el-neit-iod/et-hnik/nv.gnodoal