Nhiễm trùng vết thương, dù chỉ là vết kiến cắn, luôn là mối đe dọa với tất cả mọi người bởi lẽ “từ bé xé ra to” là sự phát triển gần như quy luật của nó.
Do việc nhiễm trùng vết thương tiến triển qua nhiều giai đoạn, thầm lặng lúc ban đầu, khiến người bị thương không chú ý, đến khi trở nặng thì đã muộn, nguy hiểm đến tính mạng buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật, thậm chí bác sĩ bó tay.
Tuy nhiên, mới đây các nhà nghiên cứu của Đại học Rhode Island (Mỹ) đã chế tạo ra băng dán thông minh phát hiện sớm vết thương bị nhiễm trùng.
Sáng chế này dựa trên nguyên tắc là khi vết thương bị nhiễm trùng, cơ thể “điều binh” chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Trong quá trình này, một số tế bào chuyên trách sẽ thải ra hydrogen peroxide (ôxy già). Đây là dấu hiệu đặc trưng cảnh báo vết thương bị nhiễm trùng.
Mẩu băng dán thông minh có thể phát hiện lượng đường cao trong máu
Để phát hiện ra dấu hiệu vô cùng yếu ớt của hydrogen peroxide khi vết thương mới chớm nhiễm trùng, các nhà nghiên cứu đã tìm cách nhét được các đầu dò hydrogen peroxide vào bên trong những sợi tơ nhân tạo có kích cỡ lớn nhất chỉ bằng 1/5 sợi tóc.
Mỗi đầu dò là một ống các-bon hình trụ, bề dày thành ống chỉ đúng bằng 1 phân tử. Các đầu dò sẽ hoạt động như một cái “bẫy” bắt giữ các phân tử hydrogen peroxide.
Đầu dò sẽ “lên tiếng” cảnh báo khi hydrogen peroxide xuất hiện. Tín hiệu được chuyển tới một đầu thu giống như chiếc đồng hồ điện tử đeo tay. Hiện tại, các đầu dò có thể tồn tại và hoạt động tốt trong 21 ngày trước khi bị phân hủy.
Mẩu băng nhỏ xíu trông hình dáng không khác miếng băng gạc rịt vết thương nhỏ thông thường đem lại niềm vui trước hết cho những người bị tiểu đường. Lượng đường cao trong máu của họ thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở sau khi đã xâm nhập cơ thể qua vết thương. Do hệ miễn dịch của người bị tiểu đường kém nên vết thương khó tự lành.
Đường huyết cao gây tổn thương thần kinh khiến người bệnh giảm khả năng nhận biết những dấu hiệu vết thương bị nhiễm trùng như cảm giác đau, nóng hay lạnh…
Hậu quả là nhiều trường hợp khi phát hiện thì vết thương đã nhiễm trùng hay loét nặng. Việc điều trị, chăm sóc vết loét bệnh nhân tiểu đường rất khó và tốn nhiều công sức. Nếu phát hiện bệnh càng muộn thì khả năng giữ lại các chi càng thấp.
Việc ra đời của băng dán thông minh sẽ giúp người tiểu đường tránh được nguy cơ phát hiện vết thương nhiễm trùng quá chậm dẫn đến nhiều hệ luỵ nguy hiểm kể trên.