Theo hãng thông tấn TASS, Đại tướng Sergei Shoigu - Bộ trưởng Quốc phòng Nga – ngày 9-2 cho biết vũ khí siêu thanh sẽ là nòng cốt trong lực lượng răn đe phi hạt nhân của Nga.
Phát biểu cuộc họp thường niên với lãnh đạo lực lượng vũ trang hôm 9-2, ông Shoigu nói: “Tiềm lực của các lực lượng răn đe phi hạt nhân, chủ yếu là vũ khí chính xác, đang được tăng cường. Các hệ thống siêu thanh sẽ trở thành trụ cột của chúng ta”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh: TASS
Theo TASS, việc phát triển và vận hành các loại vũ khí siêu thanh, tầm xa và có độ chính xác cao là “ưu tiên hàng đầu liên tục” của Điện Kremlin và được chính Tổng thống Nga Vladimir Putin giám sát chặt chẽ.
Ông Shoigu cho biết việc mua sắm bổ sung vũ khí tầm xa siêu thanh và chính xác cao đã được tổ chức, dựa trên tính toán của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga cùng Bộ Công Thương.
Ông cũng cho biết Bộ Quốc phòng Nga sẽ báo cáo với ông Putin về vấn đề này vào tháng 4 tới, nhằm thảo luận về nguồn kinh phí cho việc mua sắm vũ khí bổ sung cũng như về năng lực sản xuất vũ khí.
Vũ khí siêu thanh đã được Tổng thống Vladimir Putin nói đến lần đầu tiên vào năm 2018 trong một thông điệp gửi tới Quốc hội Liên bang.
Ông Putin đã hứa hẹn về “một thế hệ tên lửa mới”, tiết lộ một loạt các hệ thống mới tinh vi như tên lửa siêu thanh Kinzhal, tên lửa siêu thanh Avangard và tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh Zircon.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ, Trung Quốc và Nga đang chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh và đều có kế hoạch riêng trong việc triển khai một loạt các hệ thống siêu thanh trong những thập niên tới.
Tên lửa siêu thanh Avangard của Nga có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân và lắp trên đỉnh tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N (SS-19). Trung Quốc cũng đã phát triển các tên lửa siêu thanh DF-ZF và DF-17 và đã tiến hành thử nghiệm ít nhất chín lần kể từ năm 2014.
Chính quyền Mỹ lần đầu tiên xem xét việc chế tạo và sử dụng tên lửa siêu thanh từ năm 2000, sau đó đã từ bỏ các dự án này một thời gian và mới khôi phục trở lại gần đây.
Việc Washington xem xét trở lại dự án tên lửa siêu thanh diễn ra sau khi Nga trình làng một số mẫu vũ khí có khả năng di chuyển với tốc độ từ Mach 10 (khoảng 12.348 km/giờ) trở lên.