vĐồng tin tức tài chính 365

Du lịch chuẩn bị gì để đón bình minh hậu Covid-19?

2021-02-10 13:21

Du lịch chuẩn bị gì để đón bình minh hậu Covid-19?

TS. Lương Hà

(TBKTSG XUÂN) - Vào thời điểm tác giả viết bài này, những lô vaccine SARS-CoV-2 đầu tiên đã chính thức được lưu hành tại một số quốc gia. Tin vui này đã giúp thắp lên niềm hy vọng lớn lao trước thềm năm mới cho những người làm du lịch trên toàn thế giới.

Mảng du lịch quốc tế ở Việt Nam chắc chắn sẽ phải tiếp tục gồng mình cho đến tận sau sáu tháng cuối năm 2021. Trong ảnh: Một góc thành phố Hạ Long. Ảnh: MINH DUY

Chỉ số ít chuyên gia lạc quan cho rằng du khách quốc tế sẽ tăng trưởng đột biến sau đại dịch theo hình chữ V (với lý do nhu cầu đi du lịch đã bị kìm nén quá lâu chỉ đợi ngày bộc phát), còn hầu hết tin rằng sự quay trở lại như trước đại dịch không thể đến sớm hơn năm 2023.

Nhiều nghiên cứu cho thấy đại dịch Covid-19 đang khiến cho những người già trở nên thận trọng trong việc di chuyển xa, trong khi đó những người trẻ thì hầu bao đã bị thu hẹp sau một năm sống bằng trợ cấp thất nghiệp. Du lịch quốc tế năm 2021 có khả năng sẽ phải đối mặt với một thực trạng bi đát: nhu cầu thì có nhiều nhưng khả năng thanh toán không đủ đáp ứng. Du khách quốc tế do đó sẽ kỹ tính hơn khi chi tiêu và ưu tiên du lịch nội địa ngắn ngày. Thay vì đón đầu sự bùng nổ, người ta cùng bàn với nhau về việc tái cơ cấu ngành du lịch để tiếp tục sinh tồn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nhu cầu “lẩn trốn” và “khám phá thiên nhiên” sẽ tăng cao sau đại dịch. Du khách sẽ hạn chế đến các khu vực phố xá đông đúc mà tìm đến những không gian thoáng đãng, tìm sự bình yên sau những căng thẳng dồn nén do đại dịch.

Riêng trong bối cảnh Việt Nam, giai đoạn cao điểm đón khách quốc tế của phân khúc thị trường Âu - Mỹ thường bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 3, 4 năm sau. Thế nên, dù cho bi quan hay lạc quan, mảng du lịch quốc tế ở Việt Nam chắc chắn sẽ phải tiếp tục gồng mình cho đến tận sau sáu tháng cuối năm 2021. Trước tình hình này, một câu hỏi đang đặt ra là du lịch Việt Nam cần chuẩn bị gì để đón chào một bình minh mới?

Trước hết, các chính sách hướng đến du khách nội địa cần tiếp tục phát huy. Kích cầu du lịch nội địa cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa ngay sau Tết Âm lịch. Các doanh nghiệp du lịch ngoài việc đưa ra các sản phẩm hấp dẫn hướng đến phân khúc cao cấp, còn nên phối hợp với các tổ chức tín dụng để đa dạng hóa phương thức thanh toán (trả góp, trả chậm không lãi suất...). Bảo hiểm du lịch cần phải trở nên thực chất hơn, không đơn thuần là bảo hiểm tai nạn (thường được mua mang tính chất đối phó) mà nên mở rộng phạm vi cả các rủi ro liên quan đến hủy chuyến bay, thay đổi lịch trình... Bảo hiểm nên là một nhân tố hấp dẫn của gói sản phẩm để tăng độ an tâm cho du khách.

Tùy vào tình hình thực tế tại thời điểm tháng 4, sau thị trường nội địa, Việt Nam nên tiến tới tranh thủ nguồn khách đến từ các nước đã khống chế được dịch trong khu vực (khả năng lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và lãnh thổ Đài Loan). Một thỏa thuận trao đổi khách du lịch với các nước đối tác cũng cần được triển khai để đảm bảo tinh thần hai bên cùng có lợi. Đây có thể xem như là một hiệp định hợp tác du lịch tạm thời về “Trao đổi du khách nội vùng các nước phi Covid-19”. Trong khuôn khổ hiệp định này sẽ thiết lập các cơ chế về kiểm soát dịch tễ, các điểm đến bắt buộc theo lịch trình, visa kỹ thuật số có khả năng truy dấu du khách...

Về hành vi của du khách quốc tế, nhiều nghiên cứu cho thấy, nhu cầu “lẩn trốn” và “khám phá thiên nhiên” sẽ tăng cao sau đại dịch. Du khách sẽ hạn chế đến các khu vực phố xá đông đúc mà tìm đến những không gian thoáng đãng, tìm sự bình yên sau những căng thẳng dồn nén do đại dịch. Do đó các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với thiên nhiên hùng vĩ sẽ được du khách ưu tiên lựa chọn. Việt Nam trong thời gian này, cần ưu tiên quảng bá những điểm đến ấy, đồng thời nhấn mạnh hình ảnh là đất nước an toàn trong đại dịch, môi trường tự nhiên càng trở nên trong sạch và nguyên thủy hơn sau thời gian dài “nghỉ dưỡng”.

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã như một phép thử toàn diện để một lần nữa giúp nhân loại nhận ra tầm quan trọng không thể chối cãi của chuyển đổi số (digital transformation) trên mọi lĩnh vực của đời sống. Ngành du lịch, để sớm khôi phục và tránh chịu tổn thất lớn trong tương lai, cũng cần sớm hướng tới việc xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến du lịch thông minh. Có thể hiểu, điểm đến thông minh là mô hình được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó, hạ tầng tích hợp dữ liệu được phát triển đồng bộ, đảm bảo sự kết nối theo thời gian thực giữa ba bên là nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch và du khách nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích và trải nghiệm tốt nhất.

Ở châu Á, nhiều điểm đến của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore cũng đã đầu tư mạnh cho du lịch thông minh như thanh toán bằng ví điện tử, mã QR, dùng dấu vân tay để thanh toán dịch vụ, làm thủ tục sân bay, nhận phòng, trải nghiệm tài nguyên du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo... Những cách làm này rõ ràng không cố tình nhằm đối phó đại dịch nhưng đã phát huy tính hữu ích trong đại dịch. Hiệp định về “Trao đổi du khách nội vùng các nước phi Covid-19” như đã đề cập ở trên sẽ dễ trở nên hiện thực nếu các nước tham gia đều là điểm đến thông minh.

Về mặt quảng bá, nếu các tài nguyên du lịch đều đã được số hóa, Việt Nam có thể tôn vinh vẻ đẹp của mình ra thế giới một cách dễ dàng thông qua mạng xã hội và các nền tảng công nghệ như Google Arts & Cultures, Google tìm kiếm... Thậm chí, các công ty du lịch có thể khai thác các tài nguyên số này để tạo ra tour du lịch ảo hoặc hình thức đi du lịch qua người thay thế (avatar)... Du khách trong khi chờ đợi được đích thân trải nghiệm sẽ tạm thời trải nghiệm qua thực tế ảo. Nói chung, công nghệ số đang mở ra nhiều dư địa để tăng trải nghiệm cho du khách ngay cả khi họ chưa thật sự đặt chân đến những nơi ấy.

Có thể thấy, hợp tác, phát triển bền vững và công nghệ số vẫn là ba xu thế quan trọng của phát triển nói chung và du lịch nói riêng. Những xu thế này đang được gia tốc bởi đại dịch Covid-19. Do vậy, tránh được đại dịch, chưa chắc là một điều may mắn đối với Việt Nam nếu chúng ta không ý thức được tầm quan trọng của những xu thế này. Ở một góc nhìn lạc quan, chúng ta hãy xem giai đoạn dịch Covid-19 là một quãng thời gian không chỉ giúp tái cấu trúc ngành du lịch mà còn là sự tái cấu trúc tư duy hướng đến một nền du lịch Việt Nam thân thiện, an toàn, thông minh và bền vững! 

Xem thêm: lmth.91-divoc-uah-hnim-hnib-nod-ed-ig-ib-nauhc-hcil-ud/769213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Du lịch chuẩn bị gì để đón bình minh hậu Covid-19?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools