Làng Tân Khai - Thành Gia Định
Hai chữ Tân Khai bây giờ hầu như không còn thấy qua tên đường hay tên đất. Song, theo sử sách nhà Nguyễn, vào năm 1698 đã từng có làng Tân Khai là nơi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đặt lỵ sở của Phủ Tân Bình. Từ ấy, chính thức đất Sài Gòn và mở rộng ra toàn bộ miền đất quanh sông Tiền sông Hậu thuộc về cương giới đất Việt. Cũng tại làng Tân Khai, sách Đại Nam nhất thống chí cho biết năm 1790, chúa Nguyễn Ánh cho xây dựng tòa thành Gia Định mang hình bát giác, dân gian gọi là Thành Quy.
Theo tài liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO), khuôn viên của thành là khu vực lớn bốn cạnh trùng với các con đường Nguyễn Đình Chiểu, Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn và Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay. Điểm trung tâm của thành là giao lộ Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thạch. Còn theo Petrus Trương Vĩnh Ký, thuở ấy Thành Gia Định có một cột cờ lớn nằm chính giữa thành. Vị trí cột cờ xưa nằm vào khoảng phía sau Nhà thờ Đức Bà thời hiện đại.
Khu vực hơn 10.000 m2 này xứng đáng được tôn vinh là đất thiêng đầu tiên của thành phố. Chúng ta rất cần một tấm bia hay một hình thức ghi nhận phù hợp nào đấy đặt quanh vị trí giao lộ Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thạch.
Đàn Xã tắc và Đất Tịch điền
Đàn Xã tắc là gò đất cao, được xây cất làm lễ đài cho vua chúa các nước phương Đông tế thần Đất và thần Nông để tri ân tiền nhân mở đất. Mặt khác, đó cũng là nơi để cầu tổ tiên và thần linh giúp dân làm ruộng làm vườn gặp nhiều may mắn. Ở Hà Nội, Đàn Xã tắc có từ thời nhà Lý, gần đây đã được phát hiện ở nút giao thông Kim Liên – Ô Chợ Dừa. Còn tại Huế, Đàn Xã tắc thời Nguyễn đặt trên một ngọn đồi ở ngoại ô, sau một thời gian biến thành đài liệt sĩ, đã được khôi phục lại và tiến hành tế lễ hàng năm.
Ở Sài Gòn thì sao?
Trong sách Ký ức Lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận in năm 1885, Petrus Ký khẳng định Gia Định đã từng có Đàn Xã tắc. Theo ông, vị trí của nó ở quanh khuôn viên trường Chasseloup Laubat (trường Lê Quý Đôn hiện giờ). Nếu quan sát thực địa khu đất này ngày nay, hẳn chúng ta sẽ thấy một gò đất nhỏ trên đó có một nhà ngồi chơi mát thiết kế theo hình bát giác cổ xưa, nằm trong khuôn viên Dinh Độc Lập – đối diện cổng trường Lê Quý Đôn. Rất có thể đấy là dấu tích một phần của Đàn Xã tắc của Thành Gia Định trước khi Pháp xâm chiếm năm 1859.
Cùng với Đàn Xã tắc còn có một khu đất khác mang ý nghĩa phong tục cổ truyền tương tự. Đó là đất Tịch điền nơi nhà vua hoặc đại diện nhà vua làm lễ và đi cày tượng trưng để mở đầu mùa vụ mới. Phong tục này vừa thể hiện chính sách trọng nông, khuyến nông, vừa cho thấy phong cách gần dân của người lãnh đạo. Theo Petrus Ký, đất Tịch điền của Sài Gòn là khu đất trước cửa nhà thương Saint Enfance, ngày nay là Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè (số 157 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh). Khu vực này ngày xưa còn có nhà làng Thạnh Mỹ Tây, hiện giờ đã trở thành trung tâm thương mại.
Thành Gia Định 1790 trên bản đồ Trần Văn Học năm 1815 (tài liệu của EFEO). Thành được thiết kế kết hợp quan điểm phòng thủ phương Đông và phương Tây.
Cột cờ Thủ Ngữ và Cầu Kho
Cuối tháng 12-2020, Cột cờ Thủ Ngữ (xây dựng năm 1860) vừa được trùng tu trở thành điểm nhấn tại công viên dọc bờ sông Sài Gòn và giao lộ cầu Khánh Hội. Khu vực này ghi dấu nhiều cột mốc lịch sử thành lập và phát triển thành phố. Sử nhà Nguyễn cho biết năm 1623, chúa Nguyễn được vua Chân Lạp cho phép đặt hai đồn binh thu thuế các tàu thuyền qua lại ở ngả ba rạch Bến Nghé và sông Sài Gòn. Theo các nhà nghiên cứu, rất có thể hai đồn binh này nằm ở vị trí Cột cờ Thủ Ngữ và Cầu Kho. Bởi đây là hai vị trí chiến lược để kiểm soát tàu thuyền từ xa tới cũng như tàu thuyền chở hàng từ Chợ Lớn và miền Tây lên.
Cũng vì vị trí đắc địa như vậy, theo Petrus Ký, thời nhà Nguyễn, khu vực Cột cờ Thủ Ngữ từng là Nhà trạm Gia Tân – điểm đến và đổi ngựa của phu trạm triều đình đem công văn từ Huế vào và từ Gia Định đi. Đối diện Nhà trạm Gia Tân là đồn canh và Công quán – nơi các quan từ xa đến Gia Định tạm trú. Nơi này bây giờ chính là vị trí cao ốc Saigon One Tower. Trong khi ấy, địa danh Cầu Kho là khu vực đường Trần Đình Xu (trước đây từng mang tên Cầu Kho) giáp với đại lộ Võ Văn Kiệt ven kênh Bến Nghé. Cũng theo Petrus Ký, vùng Cầu Kho thuộc làng Tân Triêm (quê ngoại của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu), là nơi đặt kho lương thực của triều đình, gọi là Kho Cẩm Thảo. Bên cạnh kho có một chợ chuyên bán gạo, do vậy một cây cầu nhỏ tại đây gọi là Cầu Gạo.
Như vậy, có thể coi Cột cờ Thủ Ngữ và Cầu Kho là hai vùng đất thiêng, ghi dấu hoạt động giao thương đầu tiên và tiêu biểu của Sài Gòn, về cả nội địa cũng như quốc tế.
Chùa Cây Mai và Lăng Ông Bà Chiểu
Chùa Cây Mai (khu vực Phú Lâm, quận Sáu) là di tích của cả văn hóa Chân Lạp và văn hóa Việt. Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, năm 1816, các vị sư đào được dưới nền chùa Cây Mai các gạch ngói lớn và các tấm vàng lá có khắc hình người cưỡi voi. Đó là dấu tích của đền chùa Chân Lạp. Mặt khác, đó cũng là một trong những dấu tích cho thấy vùng Phú Lâm xưa, trước khi người Việt đến từng là điểm dân cư lớn của dân bản địa. Chùa nằm trên đỉnh một gò cao được gọi là Gò Cây Mai vì có nhiều cây bạch mai cổ thụ rất đẹp.
Khi Pháp xâm chiếm Gia Định, vùng Phú Lâm trở thành chiến trường, chùa Cây Mai trở thành đồn lính Pháp. Cho đến nay, Gò Cây Mai còn đó nhưng trở thành doanh trại quân đội. Nhiều người mong khu doanh trại này có thể chuyển giao để các nhà khảo cổ có thể khám phá dấu tích quan trọng này của lịch sử thành phố (như cách Bộ Quốc phòng làm khi giao phần lớn khu đất Hoàng thành Thăng Long cho UBND TP Hà Nội chuyển thành di tích tham quan).
Trong khi ấy, Lăng Ông là nơi thờ phụng Tổng trấn Lê Văn Duyệt, đáng để có thể suy tôn là Thị trưởng đầu tiên của Sài Gòn. Công trình này có từ giữa thế kỷ 19, được trùng tu nhiều lần. Đã thành phong tục từ nhiều thế kỷ nay, ngày Tết người dân Sài Gòn và khách phương xa thường đến lễ bái ở Lăng Ông. Con đường từ Cầu Bông dẫn đến Lăng Ông, dân gian đặt tên là “Đất Mộ”, sau năm 1955 mang tên là Lê Văn Duyệt, sau 1975 đổi thành Đinh Tiên Hoàng. Tuy nhiên, năm 2020, con đường đã được đặt trở lại tên Lê Văn Duyệt.
* * *
Ngày Xuân nếu có dịp dạo qua những vùng Đất Thiêng kể trên, hẳn ta không khỏi nghĩ đến sự giao hòa - cân bằng cần có giữa một đô thị tân tiến đang hiện đại hóa vùn vụt với quá khứ “khai thị lập phố” đầy khó nhọc nhưng hào hùng của nhiều thế hệ người Sài Gòn!