vĐồng tin tức tài chính 365

Hành trình 2 thập niên Rap Việt

2021-02-10 16:47
Hành trình 2 thập niên Rap Việt - Ảnh 1.

Rapper Wowy và quán quân King of rap ICD - Ảnh: FBNV

Rap Việt và King of Rap đến với khán giả như một làn gió hoàn toàn mới và chưa từng có trong tiền lệ. Rap lên truyền hình, len lỏi vào đời sống một cách mạnh mẽ, chứng minh thể loại âm nhạc này vẫn rất đại chúng nếu biết cách khai thác chứ không phải bó hẹp trong phạm vi của giới underground.

Trước năm 2002, nhạc rap vẫn còn nằm ngoài biên giới Việt Nam, chưa được khán giả trong nước biết tới nhiều.

Sau khi nhóm Da Rap Club (RC) được thành lập ở Hà Nội để làm nơi trao đổi, chia sẻ thông tin về nhạc rap quốc tế, những rapper đời đầu của Việt Nam bắt đầu xuất hiện, khái niệm underground cũng có từ đây. Năm 2003 - 2005 trôi qua với những thành công ban đầu nhất định của nhóm RC khi nhiều bạn trẻ ở các vùng miền khác cũng đã biết tới họ và nhạc rap.

Trong giai đoạn 2006 - 2008, rap và hip hop không còn xa lạ đối với các bạn trẻ Việt Nam, số lượng người nghe rap nhiều hơn. Các rapper có chung lý tưởng trong âm nhạc thường tập hợp thành một nhóm nhỏ để hoạt động và những trận chiến công kích bằng rap dần phủ sóng giới underground.

Cũng có những cái tên sẵn sàng cho việc overground, tạm gọi là vươn lên khỏi thế giới ngầm để trở thành ngôi sao nhạc rap được đông đảo công chúng biết tới như LK hay Tiến Đạt. Tuy nhiên, số đông vẫn bảo vệ quan điểm ở lại giới underground để tự do sống với thứ âm nhạc họ mong muốn, dù quy cách làm việc còn khá nghiệp dư.

Hành trình 2 thập niên Rap Việt - Ảnh 2.

Album 'Ở trọ' kết hợp nhạc Trịnh với rap của Hà Lê là sản phẩm gây được tiếng vang tại làng nhạc năm 2020 - Ảnh: NVCC

Nói với Tuổi Trẻ, rapper Hà Lê chia sẻ về những ngày đầu với rap có nhiều khó khăn: "Khó khăn lớn nhất của thế hệ chúng tôi là việc học, tìm kiếm thông tin và làm sao để có thể tiếp cận được thứ văn hóa này một cách trực tiếp, đúng đắn nhất.

Chính điều này đã hạn chế sự phát triển của văn hóa hip hop tại Việt Nam và cũng khiến cho nhạc rap một thời có nhiều dị nghị". Wowy cũng bày tỏ: "Trước đây, rất khó khăn để tổ chức các show diễn về rap.

Ở Việt Nam, nghệ sĩ rap thường biểu diễn ở bar hoặc một số sự kiện. Họ chưa được công nhận sức lao động. Còn ở nước ngoài, nghệ sĩ rap có thể biểu diễn ở những lễ hội âm nhạc lớn".

Hành trình 2 thập niên Rap Việt - Ảnh 3.

Trước Đen Vâu, Karik là người góp nhiều công sức trong việc mang nhạc rap tới khán giả đại chúng - Ảnh: FBNV

Một thập niên đáng nhớ

Ở Việt Nam, nhạc rap thường được số đông khán giả đại chúng biết đến chủ yếu là rap về tình yêu, cuộc sống… Chủ đề trong nhạc rap những năm 2008 - 2010 phong phú hơn nhưng chưa có sự đầu tư đúng mực vào việc sản xuất nhạc hay hòa âm phối khí.

Đa số bản rap đều thu âm dựa trên nhạc đệm có sẵn trên Internet, còn các rapper gần như làm nhạc vì đam mê và không tạo được lợi nhuận. Chuyện bản quyền cũng là một vấn đề nhức nhối trong làng rap nhiều năm liền.

Năm 2010, JustaTee, LK thành lập Lady Killah với mục đích mở rộng hát R&B, mang âm nhạc tới người trẻ rộng rãi hơn. Touliver cũng thành lập Space Speakers vào năm 2011, có thiên hướng chú trọng vào việc sản xuất âm nhạc, hòa âm phối khí khi công việc này vẫn chưa phổ biến ở trong nước.

Các sản phẩm của họ có xu hướng mở, kết hợp với nhiều dòng nhạc khác và phong cách ăn mặc, trình diễn cũng được đầu tư, trau chuốt. Ở miền Nam, Karik cũng có xu hướng muốn mang âm nhạc của mình đến với rộng rãi các bạn trẻ hơn nên đã bắt đầu có sự trở mình bước ra thế giới mainstream.

Hành trình 2 thập niên Rap Việt - Ảnh 4.

Đến nay các thành viên của Space Speakers đều đã có chỗ đứng vững chắc trong giới - Ảnh: NVCC

Chính sự mạnh dạn thay đổi của Lady Killah, Space Speakers hay Karik đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi cách nhìn của dư luận về nhạc rap, đồng thời mở ra những chân trời mới để nhạc rap có sự phổ cập mạnh mẽ với khán giả đại chúng như hôm nay.

Karik nói về lằn ranh giữa underground và mainstream: "Dù cho nhạc rap sau này thịnh hành và chiếm nhiều ưu thế trên thị trường âm nhạc Việt thì ranh giới ấy sẽ khó có thể được xóa bỏ.

Qua từng năm tháng, mỗi người trẻ đến với loại hình âm nhạc này sẽ có nhiều xuất phát điểm và quan niệm khác nhau. Thế nên việc tồn tại lằn ranh vô hình giữa underground và mainstream là không thể tránh khỏi".

Nhạc rap trong thập niên 2010 - 2020 đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn nội hàm. Rap văn minh hơn khi mở rộng đề cập đến những đề tài mới hơn chỉ một màu u ám của sự giận dữ, phẫn nộ như trước đây.

Sự chuyển đổi khán giả sang thế hệ Z với đặc trưng trong việc thưởng thức âm nhạc thiên về sự sôi động của điện tử, hip hop hơn. Nhờ sự sáng tạo của các producer và rapper, rap có thể kết hợp vừa vặn với cải lương, opera hay nhạc Trịnh Công Sơn.

Nhà sản xuất âm nhạc Touliver nói rằng dù cho genre (thể loại), cụ thể hơn là xu hướng thưởng thức hay giới hạn trong sáng tác có thể xóa mờ, nhưng hip hop và rap vẫn luôn có chỗ đứng riêng vì tính đặc thù của thể loại này. Rhymastic thì tin rằng người ta không đơn thuần xem hip hop là âm nhạc, mà nó còn là một phong cách sống, một nét văn hóa.

Hành trình 2 thập niên Rap Việt - Ảnh 5.

Suboi luôn đề cao tiếng nói nữ quyền và đóng góp nhiều công sức để bạn bè quốc tế biết đến nhạc rap ở Việt Nam - Ảnh: FBNV

Vẻ đẹp của tiếng Việt

Không chỉ trên mạng xã hội mà trong lối giao tiếp của giới trẻ, hiện tượng "tiếng ta đá tiếng tây" đang trở nên phổ biến. Nhiều ý kiến quan ngại về ảnh hưởng của thói quen này đến sự trong sáng của tiếng Việt.

Các rapper sử dụng ngôn ngữ khác nhau không còn là chuyện xa lạ với khán giả, nhưng vẫn có nhiều trường hợp chọn lối rap thuần Việt, phát huy tối đa khả năng biểu đạt của tiếng Việt trong nhạc rap. Điểm trùng hợp thú vị là cả hai quán quân của Rap Việt và King of Rap đều chọn sử dụng tiếng Việt trong tất cả các phần thi.

"Long lanh lấp lánh kiêu sa/ Long bào châu báu thêu hoa/ Xưng hùng xưng bá, ngai vàng chói lóa"… đó là những câu rap Dế Choắt viết trong Phiêu lưu ký. Anh dùng nhiều tính từ, động từ và cách viết câu đầy chất thơ để tạo nên đoạn rap mang đậm hơi thở Việt Nam.

Nghệ sĩ Trấn Thành nhận xét rằng mỗi bản rap của rapper này như một công trình nghiên cứu ngôn ngữ khi biết cách khai thác khả năng gợi hình, gợi cảm của tiếng Việt. Đối với một rapper xuất thân từ đường phố, lăn lộn trong đời sống từ khi còn là thiếu niên thì việc Dế Choắt chọn tiếng Việt như một thứ vũ khí lợi hại nhất trong âm nhạc, là sự lựa chọn khôn khéo.

Khán giả đại chúng đã cảm nhận được điều đó và những hình xăm "hổ báo" trên cơ thể Dế Choắt chẳng còn là vấn đề với họ nữa.

Đến với âm nhạc của ICD, khán giả một lần nữa ngả mũ thán phục khả năng dùng từ, đặt câu để gói ghém những quan điểm sắc lẹm về các vấn đề xã hội, cuộc sống từ chàng rapper này.

ICD rap về sự chi phối của mạng xã hội: "Cộng đồng mạng là chúa tể của sự đồn thổi… Cộng đồng mạng bảo ai nổi thì người đó phải nổi". Khi rap về cha, ICD viết: "Đừng gọi bố là ông già, nó như thể tuyên án bố không còn sức bảo vệ gia đình" hay "Thuốc không chữa được bệnh là thuốc vô dụng, vậy lời xin lỗi không chữa được vết thương thì gọi là gì?".

Những câu viết với cú pháp thông thường của tiếng Việt, không cách điệu khoa trương nhưng lại mang một giá trị biểu đạt khiến người nghe phải lặng mình suy ngẫm.

Hành trình 2 thập niên Rap Việt - Ảnh 6.

Đen Vâu đang là rapper có nhiều bản rap phổ biến nhất ở Việt Nam - Ảnh: FBNV

Nhưng không phải đợi đến khi ICD hay Dế Choắt xuất hiện thì làng nhạc rap mới có những vị thợ ngôn từ khai thác vẻ đẹp của tiếng Việt. Một khán giả dành cho Đen Vâu lời nhận xét hoa mỹ: "Đen Vâu là rapper duy nhất mà bạn nhắm mắt lại chọn đại câu nào nó cũng là chân lý".

Xuyên suốt các tác phẩm của Đen Vâu là những ý niệm đẹp về cuộc sống, đan cài trong những câu rap có vẻ bình dị, mộc mạc như chính con người rapper: "Anh không muốn áp lực phải là thần tượng của một ai/ Vì điều đó sẽ biến anh thành người khác vào một mai/ Sống không được là mình, ôi điều đó thật là đau đớn sao/ Anh ghét việc bị trở thành một thứ gì đó thật lớn lao".

Có thể thấy sự thành công của những rapper chọn lối rap thuần Việt là một tín hiệu tích cực với nhạc rap. Hà Lê bày tỏ cảm xúc: "Đó là một lối rap của người Việt, do người Việt sáng tạo ra và sử dụng thế mạnh là tiếng Việt. Chúng ta là một dân tộc nhiều tình cảm, ước mơ nhưng không phải lúc nào cũng chia sẻ những điều đó ra với mọi người vì người Việt hay bị ngại.

Các rapper chọn lối rap thuần Việt đang thay chúng ta làm điều đó: nói ra những thứ gai góc nhất, độc đáo nhất trong suy nghĩ con người Việt Nam, theo cách rất Việt Nam. Họ giúp chúng ta thấy tiếng Việt đẹp hơn và yêu tiếng nói dân tộc mình hơn.

Đó là một con đường đúng nhưng còn rất hẹp và tôi hi vọng các thế hệ tiếp theo sẽ tiếp tục mở rộng, nâng cấp con đường này".

Hành trình 2 thập niên Rap Việt - Ảnh 7.

Khoảnh khắc thầy trò Wowy, Dế Choắt chiến thắng tại Rap Việt - Ảnh: DUYÊN PHAN

Rộng mở và thách thức

Trong chặng đường từ khi nhạc rap du nhập vào Việt Nam, nhiều rapper đến rồi đi mà không bám trụ được với nghề. Môi trường đào tạo cho nhạc rap chưa nhiều nên phần lớn họ tự tìm tòi, mày mò. Có ý kiến cho rằng rap Việt có nhiều tài năng nhưng thiếu định hướng.

Trong khuôn khổ của hai cuộc thi rap, các thí sinh nhận được sự hỗ trợ của những producer hàng đầu, cộng hưởng với truyền thông hiệu quả nên tạo hiệu ứng tốt.

Trên các nền tảng nghe nhạc, các phần thi nhận được lượt nghe cao, nhưng không nhiều bản rap độc lập làm được điều này. Khi bước ra cuộc thi và tự đi trên đôi chân của mình, con đường từ hiện tượng trở thành thần tượng sẽ không hề dễ dàng.

Karik chia sẻ quan điểm: "Góc độ này có lẽ đúng nhưng cũng không hoàn toàn thế vì cá tính âm nhạc của một số bạn mặc định đã và đang phù hợp với thị hiếu bây giờ rồi, quan trọng là có tìm được cách phát huy những khả năng khác để đi đường dài hay không.

Số ít còn lại, tôi nghĩ sẽ cần cố gắng rất nhiều để có thể tồn tại mà vẫn giữ được sự quan tâm của khán giả ở thời điểm hiện tại. Nhưng dù là ai đi nữa, tất cả các bạn phải thật sự rất khéo léo và quyết tâm nếu muốn đạt được vị trí ổn định trên thị trường âm nhạc Việt Nam vốn đang có rất nhiều sự cạnh tranh.

Sự thích nghi luôn là vấn đề tiên quyết trong hành trình này vì âm nhạc sẽ thay đổi qua từng năm tháng. Đủ tinh tế và kiên nhẫn, các bạn sẽ đi được xa trong kỷ nguyên này. Bên cạnh đó còn một số vấn đề khác tôi cho rằng cũng rất quan trọng là đạo đức nghề nghiệp, sự tôn trọng khán giả, đồng nghiệp và trân trọng chính công việc này".

5 gương mặt rap nổi bật của King of Rap và Rap Việt5 gương mặt rap nổi bật của King of Rap và Rap Việt

TTO - Dàn thí sinh từ Rap Việt và King of Rap đang chứng minh sức hút mạnh mẽ và hứa hẹn trở thành thế hệ rapper mới mang đến nhiều màu sắc cho Vpop.

Xem thêm: mth.66091320141101202-teiv-par-nein-paht-2-hnirt-hnah/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hành trình 2 thập niên Rap Việt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools