Chiều 10/2 (29 Tết), Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 họp trực tuyến với lãnh đạo Uỷ ban nhân dân Tp.HCM và tỉnh Hải Dương về công tác phòng chống dịch.
Tại điểm cầu Tp.HCM, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, từ ngày 5/2-8/2, thành phố đã phát hiện 33 trường hợp mắc Covid-19 (liên quan chủ yếu đến nhân viên bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất), đã truy vết, xác định hơn 1.900 F1, 1.150 F2…Đồng thời, triển khai xét nghiệm tầm soát đối với những người liên quan với các ca bệnh để có cơ sở đánh giá nguy cơ, nguồn lây nhiễm.
Thời gian tới, Tp.HCM sẽ tiếp tục kích hoạt toàn bộ hệ thống điều trị; khẩn trương tiến hành công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch khi xuất hiện ca bệnh mới; nâng cao năng lực xét nghiệm và công xuất điều trị; quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm Covid-19 tại các cơ sở có nguy cơ cao như: sân bay, bệnh viện…
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, hiện nay Tp.HCM lấy mẫu rất nhanh chóng, nhưng tiến độ xử lý mẫu còn chậm, Bộ Y tế yêu cầu các mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR phải xử lý ngay trong ngày.
Về tình huống F1 âm tính nhưng F2 dương tính, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nêu giả thiết ban đầu có thể là F1 đã qua thời gian kháng nguyên dương tính, trở sang âm tính hoặc F1 chính là F0 đầu tiên…
Các chuyên gia, thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Tp.HCM, ngành Y tế hết sức chú ý đến cả trường hợp F2 dương tính là F1 của một ổ dịch khác, hoặc tình huống đã có mầm bệnh khá lâu, âm ỉ tồn tại trong thành phố.
Do đó, TPHCM cần phải tăng cường xét nghiệm rộng trong cộng đồng cũng như xét nghiệm có trọng điểm tại những địa bàn có nhiều người qua lại để đánh giá tình hình.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng từ trước đến nay ngành Y tế đã thực hiện giám sát thường xuyên một bước bằng việc khám, xét nghiệm tất cả người có triệu chứng ho, sốt khi đến bệnh viện.
Tuy nhiên, với tình hình của Tp.HCM hiện nay, từ kinh nghiệm ở Đông Triều (Quảng Ninh), Phó thủ tướng đề nghị thành phố "cố gắng dệt một cái lưới" để tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm có trọng điểm ở những địa điểm đông người qua lại như quán nước gần bến xe, quán cà phê, giải khát gần các nhà máy, khu công nghiệp… để xem xét khả năng tồn tại của dịch ở trong cộng đồng.
Tại cuộc họp, Tp.HCM đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm (test-kit) nhanh để xét nghiệm hàng ngày tất cả nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ cho Tp.HCM, trước mắt là 30.000 test-kit và sẽ hỗ trợ tiếp khi thành phố có yêu cầu trên cơ sở cân đối với các địa phương khác.
Liên quan đến nội dung này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Sân bay Tân Sơn Nhất phải bảo đảm tuyệt đối an toàn".
Mặt khác, Tp.HCM là nơi đầu tiên xây dựng các bộ tiêu chí chấm điểm phòng chống dịch cho các cơ sở y tế, trường học, nhà máy. Vì vậy, Phó thủ tướng yêu cầu thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế, trường học, nhà máy, bến bãi, phương tiện công cộng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.
Đồng thời, tự đánh giá định kỳ và cập nhật thường xuyên lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn), "nếu xanh mới được hoạt động". "Kinh nghiệm cũng cho thấy ở bệnh viện hay sân bay, nơi nào có camera giám sát thì truy vết sẽ nhanh hơn, dễ hơn. Vì vậy, nhân lúc này chúng ta kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tăng cường lắp hệ thống camera giám sát", Phó thủ tướng nói.