"Sau một thời gian tìm kiếm, tôi mới nhận ra ở Việt Nam chúng ta cho đến thời điểm này, rất hiếm hoi tìm được ý tưởng đột phá (Innovate) thực sự, mà là Imitate (bắt chước) là nhiều", Shark Hưng nhìn nhận.
Vị cá mập đến từ CENGroup kể lại câu chuyện nghe được từ một người thầy Hàn Quốc: Hàn Quốc có câu "Imitation to Innovation" - Bắt chước rồi mới đến Sáng tạo. Cũng giống như con người chúng ta, muốn sáng tạo phải bắt chước được.
"Như đứa trẻ mới sinh ra, trước khi nó làm được cái gì cho riêng nó, nó phải bắt chước được những gì người lớn, thầy cô dạy nó đã. Hiểu, Bắt chước, rồi Đổi mới. Hiểu người khác làm gì, làm được cái người khác đã làm, rồi mới làm được điều gì đó cho riêng mình".
"Tôi cho đó là lộ trình tương đối đúng đắn. Còn chưa hiểu họ làm gì đã chê bai "Trời, cái đó đơn giản", đơn giản thì cứ thử làm giống họ đi đã. Còn chưa hiểu họ làm gì, chưa làm được giống họ, mà đã nghĩ làm được điều gì đó hơn họ, xa hơn rất rất nhiều, thì chúng ta rất dễ thất bại", Shark Hưng nói.
Sáng tạo đổi mới trong doanh nghiệp thế nào?
Ông Hưng cho rằng mọi người thường nói nhiều về đổi mới công nghệ, sản phẩm, nhưng chúng ta có thể đổi mới về cách làm, cấu trúc, hoặc đổi mới về tư duy.
Giống như chúng ta có thói quen khi tư duy được định hình thành tiềm thức thì rất khó thay đổi, nhưng khi bị một cái gì đó bùng nổ, thay đổi chúng ta, chúng ta sẽ nhận ra "À, thì ra cái lâu nay chúng ta nghĩ là phải thế, thì thực ra không phải".
"Chúng ta cứ hay nói "phải thế này", "phải thế kia", hãy lật ngược câu chuyện tại sao lại "PHẢI"? Chúng ta sẽ nhận ra lâu nay cứ nghĩ rằng nó phải có, nhưng khi không có nữa thì hóa ra nó lại là cái không cần. Đó là thay đổi về tư duy", Phó Chủ tịch HĐQT CENGroup nói.
Ông Hưng cũng phân định Innovation khác hẳn Improvement - Cải tiến. Cải tiến là ngày hôm sau tốt hơn ngày hôm sau một cách từ từ, còn Innovation phải là một bước đột phá, và thay đổi hoàn toàn.
Trong câu chuyện Bắt chước (Imitate), ông Hưng cho rằng chúng ta cũng cần bắt chước một cách sáng tạo, chứ không phải sao chép nguyên si. Ông cũng chia sẻ câu chuyện sau khi có tên tuổi, nhiều bạn trẻ nhắn xin ông "công thức khởi nghiệp thành công".
"Thành công thì có công thức nhưng không có công thức cho sự thành công. Tức khi thành công rồi, người ta có thể vẽ ra công thức của mình, kiểu "Làm sao Warren Buffett thành công", "Người giàu nhất thế giới tư duy thế nào?"... Đấy là công thức khi người ta thành công rồi, nhưng công thức nào cho người thành công thì không có, vì sự thành công ấy phụ thuộc vào chính các bạn".
"Các bạn có giống "người ta" đâu, từ môi trường, điểm xuất phát, phương tiện các bạn có trong tay, tất cả mọi thứ... Khi tôi nói lời này, Trái Đất đã quay thêm mấy giây, chúng ta đã sang tọa độ mới, phong thủy khác rồi, các vì tinh tú đã xê dịch...", Shark Hưng cười.
Ông nhắn gửi tới các startup hãy bắt chước cho phù hợp hoàn cảnh thực tế, bắt chước một cách sáng tạo. Hãy giữ cách nhìn khách quan và đôc lập về một mô hình kinh doanh trước khi "chui" vào trong nó. Bởi khi bước vào trong, chúng ta sẽ bị một màn sương che phủ và khó nhìn ra được khiếm khuyết từ nội tại của chính doanh nghiệp mình.
Bình An
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị