Ở nước ta, COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, gia công hàng giày da, may mặc.
Dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp không thể tìm được khách hàng, không đủ ngân sách trả lương ngừng việc cho người lao động (NLĐ) trong thời gian dài nên phải chọn giải pháp thu hẹp sản, cắt giảm nhân sự.
Ths. Đinh Thị Chiến, giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM
Các trường hợp chấm dứt HĐLĐ do ảnh hưởng của COVID-19
Với sự kiện do ảnh hưởng của COVID-19, NSDLĐ có thể áp dụng điểm c khoản 1 Điều 36 BLLĐ 2019 để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với NLĐ.
Lưu ý rằng, khi áp dụng lý do "do dịch bệnh nguy hiểm" để cho NLĐ nghỉ việc thì phải kèm thêm điều kiện là "NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc".
Khi cho nghỉ việc trong trường hợp này, NSDLĐ phải báo trước theo quy định tại khoản 2 Điều 36 BLLĐ và tuân thủ quy định về tạm hoãn đơn phương chấm dứt HĐLĐ quy định tại Điều 37 BLLĐ.
Doanh nghiệp cũng có thể thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại khoản 3 Điều 34 BLLĐ 2019. Trong trường hợp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ thì đây là giải pháp an toàn và nhanh nhất cho doanh nghiệp, nhưng phải được sự đồng ý của NLĐ.
Doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn giải pháp thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại doanh nghiệp để giảm bớt lao động theo quy định tại Điều 42 BLLĐ 2019. Lưu ý rằng, trường hợp này NSDLĐ không cần áp dụng lý do dịch bệnh.
Đây vừa là giải pháp nhằm sắp xếp lại lao động làm việc hiệu quả, vừa là giải pháp giảm bớt lao động dôi dư. Khi cho nghỉ việc trong trường hợp này, NSDLĐ phải thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 BLLĐ 2019.
Các khoản trợ cấp cho NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ
Khi bị chấm dứt HĐLĐ trong các trường hợp do ảnh hưởng bởi COVID-19 nói trên, NLĐ có thể được hưởng các khoản trợ cấp sau:
- Trợ cấp thôi việc: được áp dụng đối vưới NLĐ có đủ 12 tháng làm việc trở lên bị chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ hoặc NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Mức trợ cấp thôi việc được tính dựa vào thâm niên làm việc của NLĐ cho NSDLĐ. Cứ 1 năm làm việc thì được trợ cấp ½ tháng tiền lương (căn cứ vào tiền lương bình quân 6 tháng cuối trước khi chấm dứt HĐLĐ).
Ảnh minh họa
- Trợ cấp mất việc làm: được áp dụng đối với NLĐ có đủ 12 tháng làm việc trở lên bị chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp doanh nghiệp thay đổi tổ chức, tổ chức lại lao động. Mức trợ cấp mất việc làm được tính dựa vào thâm niên làm việc của NLĐ cho NSDLĐ, cứ 1 năm làm việc thì được trợ cấp 1 tháng lương nhưng mức thấp nhất cũng bằng 2 tháng lương (căn cứ vào tiền lương bình quân 6 tháng cuối trước khi chấm dứt HĐLĐ).
Lưu ý rằng, thời gian NLĐ đã tham gia BHTN không được tính là thời gian làm việc để được hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm. NLĐ có toàn bộ thời gian làm việc có tham gia BHTN sẽ không được trợ cấp thôi việc nhưng vẫn được hưởng mức tối thiểu của trợ cấp mất việc làm là 2 tháng lương.
- Trợ cấp thất nghiệp: khoản trợ cấp này do quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trả cho NLĐ khi NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ (trừ trường hợp NLĐ đơn phương trái pháp luật; nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng hoặc chế độ mất sức lao động hàng tháng); đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi thất nghiệp.
Trường hợp NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng thì đóng đủ 12 tháng trở lên trong vòng 36 tháng trước khi thất nghiệp. Đồng thời, NLĐ đã nộp hồ sơ đăng ký thất nghiệp trong vòng 3 tháng kể từ khi chấm dứt HĐLĐ và không tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ khi nộp hồ sơ đăng ký BHTN.
Mức trợ cấp thất nghiệp bằng 60 % tiền lương đóng BHTN bình quân của 6 tháng cuối trước khi nghỉ việc. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với thời gian đóng BHTN, cứ 12 tháng đóng BHTN thì được hưởng một tháng trợ cấp nhưng thời gian hưởng tối thiểu là 3 tháng và tối đa là 12 tháng.
ThS. Đinh Thị Chiến, giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM