Ấn tượng về không gian sống chung cư ở Sài Gòn có lẽ không thể thiếu những khu chung cư được xây dựng từ giữa thế kỷ 20 và được lưu dấu bằng nhiều cái tên quen thuộc như cư xá Thanh Đa, chung cư Tôn Thất Đạm, Lý Tự Trọng... Ở những nơi mang miền ký ức về không gian sống đặc trưng ấy, văn hóa ứng xử giữa người với người được thể hiện đầy tính nhân văn thông qua lối sống trọng tình.
Ngày nay, những khu chung cư được xây dựng từ lâu đời có lẽ đã không còn phù hợp. Một mặt là vì sự an toàn của cư dân, một mặt là sự phát triển về diện mạo của đô thị cần hiện đại, chất lượng, mỹ quan hơn. Theo đó không gian sống xưa đang dần được cất vào ký ức để hướng tới những không gian sống mới, hiện đại phù hợp với dòng chảy phát triển của xã hội. Tuy nhiên, có thể thấy lối sống trọng tình của người Việt vẫn luôn được duy trì và phát triển dù ở môi trường sống nào và với hình thức biểu hiện nào.
* * *
Những khu chung cư “sang chảnh” ngày nay thường đi kèm với đầy đủ các tiện ích, dịch vụ cao cấp nhằm khẳng định chất lượng sống của những người có thu nhập tốt. Tại đây, không gian sống khu chung cư nói chung, mỗi căn hộ nói riêng được thiết kế hết sức tinh tế, sang trọng, đẳng cấp. Tất nhiên, đối với những cư dân ở đây, không gian sống đâu chỉ là chỗ để ở mà còn là nơi để hưởng thụ những giá trị cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, dù cư dân được tận hưởng mức sống nào thì văn hóa ứng xử giữa những người trong gia đình, giữa cư dân với cư dân và với môi trường xung quanh vẫn phải là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống đó. Văn hóa ứng xử ở chung cư của người Việt được biểu hiện bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng được cô đọng trong ba đặc điểm chung, đó là có xu hướng sống chan hòa với thiên nhiên, gắn bó về tình thân và trọng “tình làng nghĩa xóm” (mối quan hệ cộng đồng cư dân trong chung cư).
Về mặt sống chan hòa với thiên nhiên: Điều này thể hiện ở việc các căn hộ sẽ không quá “công nghiệp hóa” mà có sự lồng ghép, hòa quyện với yếu tố thiên nhiên. Do đó, nhiều gia đình sẽ ưu tiên một góc nào đó trong nhà và đặt một hoặc vài cây cảnh để tạo mảng xanh, nhằm mang lại luồng không khí trong lành. Thậm chí có gia đình còn tạo một hòn non bộ nhỏ mô phỏng bức tranh thiên nhiên nhiều màu sắc với đầy đủ cỏ, cây, hoa, lá, thác nước, cá cảnh…
Ngoài ra, các căn hộ hiện đại ngày nay cũng không quên thiết kế một khoảng xanh dành cho những người thích “làm vườn”. Đó có thể là một góc ban công rộng rãi, chủ nhà sẽ tùy thích mà trồng những cây cảnh xinh xinh, những vuông rau nho nhỏ hoặc những cây gia vị thơm thoang thoảng. “Khu vườn” vừa giúp chủ nhà lâu lâu được thưởng thức rau sạch nhà trồng, vừa được sống chan hòa với thiên nhiên.
Cũng tại khu vườn nơi ban công này, nhiều gia đình đặt một chiếc bàn nhỏ để các thành viên trong nhà sum vầy uống cà phê vào buổi sáng, nói chuyện phiếm vào buổi tối. Đó cũng là một trong những biểu hiện về sự gắn kết tình thân.
Sự gắn kết tình thân này còn thể hiện trong quan niệm nhà là nơi để về, để hưởng trọn cuộc sống gia đình ấm áp. Trong đó, bữa cơm gia đình sẽ giúp các thành viên trong nhà tận hưởng trọn vẹn sự ấm áp đó. Bởi các gia đình người Việt thường có thói quen nói chuyện trong bữa ăn, đó cũng là lúc các thành viên trải lòng, tâm sự với nhau về cuộc sống, công việc, những khó khăn và cùng nhau gánh vác. Cũng vì điều này mà phòng ăn hoặc bàn ăn trong mỗi căn hộ hiện đại đều rất được chú trọng cũng như được thiết kế với các tiêu chí nhã nhặn, ấm cúng.
* * *
Ngoài gắn kết tình thân, cư dân ở các chung cư hiện đại cũng không quên lối sống trọng “tình làng nghĩa xóm” với quan niệm “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.
Đâu phải cứ sống ở chung cư cao cấp là nhà nào biết nhà nấy, đó là lý do chung cư nào cũng nhất định phải có một sân chơi rộng lớn dành cho sinh hoạt cộng đồng. Sân chơi này rất quan trọng trong việc gắn kết cũng như duy trì lối sống “tình làng nghĩa xóm” của cư dân với nhau. Vào dịp lễ, tết, các ban quản lý khu đô thị thường tổ chức những ngày hội chung cho tất cả cư dân được cùng nhau tham gia, thưởng thức. Tại đây, những đứa trẻ được nô nức vui chơi với bạn bè cùng “xóm” trong dịp tết thiếu nhi, tết Trung thu, mùa Giáng sinh, tết cổ truyền dân tộc…
Thông thường những người sống cùng chung cư cao cấp sẽ có mức sống, mức thu nhập và tri thức tương đồng nhau nên cũng khá dễ dàng khi lập ra các hội, nhóm có chung đam mê, sở thích. Các ông bố sẽ rủ nhau lập hội, nhóm chơi thể thao như đá banh, tennis, golf hoặc những thú vui tao nhã như nuôi cá, trồng cây cảnh… Các bà mẹ sẽ lập hội tập yoga, khiêu vũ, chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn, trồng rau ban công… Các cụ già thì cũng rủ nhau tập dưỡng sinh, đi bộ buổi sáng, tâm sự tuổi già...
Ngoài ra, cái hay trong văn hóa ứng xử tại các chung cư cao cấp là luôn nâng tầm nhận thức của cá nhân cũng như tập thể. Lối sống tùy tiện như bạ đâu bỏ rác đấy, khạc nhổ lung tung, hay tranh chấp về hành lang…sẽ bị bài trừ mà thay vào đó là lối ứng xử văn minh, lịch thiệp, tôn trọng quy tắc chung, tôn trọng những gì thuộc về cộng đồng.
Vì vậy, quan niệm “bán anh em xa, mua láng giềng gần” trong bối cảnh chung cư hiện đại giờ đây không đơn thuần là “bánh ít cho đi, bánh quy cho lại” hoặc cho nhau mớ rau, trái bầu, trái bí… mà sẽ ở những cách biểu hiện mới, liên quan đến vị thế, đẳng cấp, tư duy với mục tiêu hướng đến sự phát triển phù hợp với dòng chảy hiện đại.
TP.HCM đã và đang xây dựng thành phố văn minh, thành phố hiện đại với lối ứng xử nghĩa tình giữa người với người. Và lối sống cư dân ở các khu đô thị hiện đại đã góp phần không nhỏ vào mục tiêu phát triển chung này.