Qua Du xuân 2021 - Xe đạp ơi!, khán giả không chỉ chạm vào ký ức với chiếc xe đạp mà còn thấy trí tuệ, khát vọng của người Việt qua chiếc xe đạp ở những giai đoạn lịch sử khác nhau.
Nói về nội dung chương trình, BTV Trịnh Quốc Đông cho biết, ở phần đầu, chương trình sẽ giới thiệu thông tin thú vị về chiếc xe đạp, xe đạp vào Việt Nam từ năm nào, câu chuyện gì đặc biệt về chiếc xe đạp vua triều Nguyễn sở hữu.
Nội dung thứ hai là câu chuyện gắn với chiếc xe đạp thời bao cấp, ở đó có rất nhiều câu chuyện mà khán giả xem đều thấy mình trong đó.
“Phần thứ ba chúng tôi muốn nói tới là khát vọng của người Việt gắn với chiếc xe đạp, trí tuệ và sáng tạo của người Việt qua chiếc xe đạp thồ ở Điện Biên và sau đó là chiến dịch Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” - BTV Trịnh Quốc Đông nói.
Ê kíp thực hiện chương trình đã tìm được nhiều bối cảnh đẹp. Ảnh: VTV
Khách mời tham gia chương trình Du xuân 2021 sẽ mang tới nhiều câu chuyện thú vị liên quan tới chủ đề xe đạp: nhà báo Nguyễn Lưu, nhà báo Phạm Ngọc Tiến, ông Đào Xuân Tình - người giữ kỷ lục quốc gia cho "Bộ sưu tập xe đạp Peugeot sản xuất tại Pháp có số lượng nhiều nhất thế giới”.
Trong vai trò người tham gia khám phá lịch sử văn hóa xe đạp, ông Ngô Hương Giang, Giám đốc Không gian Văn hóa Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nhiều trải nghiệm ý nghĩa khi cùng ê kíp thực hiện các ngày quay tại Hà Nội, Huế và Hội An.
“Được tham gia chương trình, tôi cảm giác như được về nguồn, thấu hiểu giá trị văn hóa dân tộc, và đặc biệt có những giá trị vĩnh cửu, đi vào hồn cốt của người Việt Nam. Tôi nhận thấy ê-kíp thực hiện chương trình đã có sự đổi mới trong việc khơi gợi lại giá trị văn hóa dân tộc bằng quan điểm, cách nhìn hiện đại. Tôi đánh giá đây là chương trình bổ ích, mang đến khán giả những cảm xúc đa dạng, vừa hoài cổ, vừa trẻ trung, có gì đó, làm cho người ta tự hào”- ông Ngô Hương Giang nói.
Hình ảnh được quay tại Hội An. Ảnh: VTV
Ê kíp thực hiện chương trình đã tìm được nhiều bối cảnh đẹp cùng các địa điểm hấp dẫn để truyền tải hành trình Du xuân 2021. Bên cạnh đó, các biên tập viên đã tìm ra những thông tin ít được biết tới.
Nhờ Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, ê kíp may mắn tìm được một văn bản do khâm sai đại thần tấu trình lên vua Thành Thái về việc “du nhập” chiếc “lưỡng luân cơ xa”.
Điều ê kíp ngạc nhiên nhất đó chính là việc vua đã sửa khái niệm mà quan đại thần dùng “Lưỡng luân cơ xa” để chỉ chiếc xe đạp thành “cước xa”. Việc sửa khái niệm này chứng thực một điều, vua Thành Thái không chỉ hiểu rất rõ văn minh, văn hóa phương Tây, mà còn hiểu được tính “thực dụng” của chiếc xe này.
“Cước xa” chính là “xe đạp” (đạp xe) xét về ý nghĩa nguyên khởi của từ ngữ, nhưng lại sang trọng và quyền quý hơn ý nghĩa của một “công cụ” di chuyển khi dùng từ bình dân/thuần Việt (xe đạp).