Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 được các ngân hàng công bố đều cho thấy lãi thuần tín dụng tăng cao, cho dù mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 1,5-2%/năm, kéo mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm mạnh. Bước sang năm 2021, mặt bằng lãi suất được cho là sẽ còn giảm thêm khi lãnh đạo NHNN đặt ra yêu cầu trong năm nay, các ngân hàng thương mại tiếp tục xây dựng kế hoạch kinh doanh theo hướng giảm lợi nhuận để dành nguồn lực giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với khoản vay cũ, khoản vay trung - dài hạn…, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Đánh giá về việc các ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận cao năm qua trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, chuyên gia phân tích tài chính cao cấp của CTCK VCSC ông Nguyễn Duy Phương cho rằng, sở dĩ các ngân hàng đạt lãi cao năm qua là do tỷ lệ NIM (biên lãi ròng) tăng cao khi chi phí đầu vào giảm mạnh, lãi suất cho vay ra có giảm nhưng chưa theo kịp đà giảm của lãi suất huy động. Đánh giá diễn biến lãi suất trong năm 2021, ông Phương cho rằng, lãi suất cho vay vẫn khó giảm mạnh, cho dù lãi suất đầu vào có thể giảm thêm. Hiện nay theo quan sát thực tế một số ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất cũ với các khoản vay trung - dài hạn chưa đến kỳ trả nợ, khiến nhiều người dân phải đi vay với lãi cao. Chênh lệch lãi suất huy động và cho vay lớn khi lãi suất huy động bình quân chỉ 3-5%/năm, nhưng có những khoản vay vẫn treo lãi suất 9-10%/năm. Trong khi Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng có nguồn vốn đầu vào giá rẻ, thì không có lý do gì các ngân hàng cho vay lãi suất cao.
Mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng đưa ra nhận định, lãi suất huy động đang ở gần mức thấp nhất lịch sử, nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm tương ứng nên có thể giảm thêm. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí đi vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh kinh tế phục hồi. Các chuyên gia của CTCK Rồng Việt cũng dự báo lợi nhuận ngân hàng 2021 mới bắt đầu "ngấm" chi phí dự phòng. Cụ thể, dự thảo sửa đổi Thông tư 01 mới sẽ khiến nợ xấu dần “trồi lên” và gây ra lo ngại về chu kỳ chi phí tín dụng cao. Điều này sẽ tạo ra sự phân hóa lớn trong lợi nhuận ngân hàng năm 2021.
Theo đánh giá của SSI Research, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là yếu tố tạo nên sự phân hóa lợi nhuận của các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đang trình Thủ tướng nội dung sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu, hoãn thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo dự thảo Thông tư 01 sửa đổi mới nhất, các ngân hàng có thể phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho nợ tái cơ cấu trong thời hạn dự kiến tối đa là 3 năm thay vì không phải trích lập như quy định trong Thông tư cũ. Việc dự phòng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Những ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập trong năm trước sẽ ít chịu áp lực từ việc sửa đổi Thông tư 01 và đạt tăng trưởng cao hơn.
Xem thêm: odl.763088-irt-yud-oc-ueil-gnah-nagn-hnagn-nauhn-iol-gnourt-gnat-ad/et-hnik/nv.gnodoal