Chưa bao giờ các “Big Tech” hay còn gọi là “ông lớn công nghệ” lại gây ra dư luận trái chiều cao độ như từ ngày 6.1.2021 tới nay sau khi Twitter khóa vô thời hạn tài khoản của Donald Trump khi ông này còn đương chức Tổng thống Mỹ.
Big Tech: Big Four hay Big Five?
Các “Big Tech” lâu nay hay được đề cập đến gồm nhóm GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple). Tuy nhiên, thỉnh thoảng các “ông lớn” công nghệ này vẫn được đề cập là các “thành viên” thuộc GAFAM (Google, Amazon, Facebook, Apple, Microsoft) và được gọi là “Big Five”.
Song trên thực tế, Microsoft ít dính líu hoặc gây ra các tranh cãi như những câu chuyện mà nhóm GAFA hay vướng vào.
Ngày nay, nhóm hay gây ra chuyện thường là GAFA, mà 2 cái tên gần đây rất hay bị đề cập đến ở khía cạnh tiêu cực là mạng xã hội Facebook và YouTube của Google. Cả hai bị cho rằng từ độc quyền trong kinh doanh, làm thất thoát hoặc chia sẻ dữ liệu người dùng cho bên thứ ba, lạm quyền và tự cho mình quyền định đoạt tài khoản người dùng theo luật tự đặt ra... Còn Amazon và Apple ít đụng chuyện lùm xùm hơn, hoặc nếu có thì dính líu nhiều về khía cạnh kinh doanh, thương mại.
Tuy nhiên, trong câu chuyện nổi cộm từ vụ bạo loạn trên Đồi Capital (Mỹ) ngày 6.1, thành phần “dính líu” nòng cốt chính là các mạng xã hội ở Mỹ, trong đó gồm cả bên chống lại Trump và bên ủng hộ Trump.
Nhiều quốc gia muốn kìm cương “Big Tech”
Mới nhất ngày 26.1, YouTube đã ra quyết định khóa tài khoản của cựu tổng thống Donald Trump trên nền tảng này vô thời hạn. Còn trước đó trong năm năm 2020, Apple đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong cuộc đấu với Epic Games thuộc loại đình đám trên thế giới.
Việc YouTube đi đến lệnh cấm vô thời hạn đối với tài khoản của Trump trên thực tế là kết quả của ít nhất 2 lần tạm cấm, và cũng chỉ đi theo sau quyết định trước đó của Twitter mà thôi. Cho thấy, lệnh cấm của “ông lớn” Twitter đã tạo ra hiệu ứng nhất định, nhưng cũng gặp phản ứng nhất định từ ngay trong lòng nước Mỹ, rồi đến Châu Âu…
Có một thực tế oái oăm là, trong năm 2020 Trump đã quyết liệt xuống tay với các “ông lớn” mạng xã hội nhưng cuối cùng không toại nguyện được. Đến sự kiện bạo loạn Đồi Capital xảy ra, các mạng xã hội quay ngược lại khóa tài khoản của Trump một cách kiên quyết cho dù giá cổ phiếu có lao dốc và “bốc hơi” hàng chục tỉ USD.
Vấn đề Trump muốn “xử” các mạng xã hội, có dư luận ủng hộ và không ủng hộ. Và ngược lại, quyết định của các mạng xã hội khóa vô thời hạn tài khoản của Trump, có dư luận ủng hộ nhưng cũng gợn lên một nỗi lo: “Big Tech” và các “ông lớn” mạng xã hội ngày càng lạm quyền, tự cho mình quyền định đoạt số phận tài khoản người dùng. Trong khi đó, trên nền tảng của chính các “ông lớn” này, còn đầy dãy những nội dung bạo lực, độc hại, gây chia rẽ và thù hằn sắc tộc, kích dục… thì chưa bao giờ được xử lí triệt để.
Đơn cử như Facebook, từng làm rò rỉ dữ liệu của 88 triệu người dùng cho bên thứ 3 sử dụng vào quảng cáo chính trị, nhưng người dùng chẳng được bồi thường gì.
Các “ông lớn” mạng xã hội cung cấp dịch vụ qua phương thức xuyên biên giới đến rất nhiều quốc gia. Trong đó, có những quốc gia, khu vực lượng người dùng lên đến hàng trăm triệu. Thế nhưng, người dùng tại các thị trường này bị buộc phải “tuân thủ” theo luật chơi của các mạng xã hội, trong đó có cả luật pháp của quốc gia mạng xã hội đó ra đời.
Trong khi đó, nhiều nguyên tắc về nền tảng đạo đức, thuần phong mĩ tục tại nhiều quốc gia thì không được các “ông lớn” này tuân thủ. Chính vì vậy, những Facebook, Twitter, YouTube… liên tục gặp rắc rối các nhiều quốc gia trong đó có những quốc gia tại Châu Âu, Australia, Châu Á…
Xem thêm: odl.907478-aig-couq-tom-auc-ihc-gnohk-neyuhc--hcet-gib-gnouc-mik/et-hnik/nv.gnodoal