2020: Từ đại dịch đến sức khỏe hành tinh
Đoàn Khắc Xuyên
(TBKTSG XUÂN) - Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Không biết ba trăm năm sau có còn ai khóc thương Tố Như? Ở thời đại mà mọi thứ trôi qua chậm chạp, đại thi hào Nguyễn Du có lẽ tư duy bằng đại lượng thời gian nhiều trăm năm nên mới đặt ra cái mốc 300 năm để kiểm chứng lòng tiếc thương của hậu thế dành cho mình. Còn ở thời đại của tốc độ như bây giờ, mốc thời gian của Nguyễn Du có lẽ rút lại chỉ còn 100 năm, bởi 100 năm bây giờ chất chứa trong lòng nó những diễn biến, thay đổi có khi bằng mấy thế kỷ trước kia. Chẳng phải chỉ trong nửa đầu thế kỷ 20 thôi mà đã xảy ra tới hai cuộc chiến tranh thế giới đó sao? Và chẳng phải cũng trong khoảng thời gian ấy đã xảy ra dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1920) do virus H1N1 gây ra khiến 17-100 triệu người trên thế giới tử vong?
Nguồn: The Economic Times |
Con người yếu đuối hơn chúng ta tưởng
Bài viết này thực ra chỉ muốn mượn câu hỏi 300 năm của Nguyễn Du để thử hình dung liệu trăm năm sau nhân loại sẽ nhớ lại năm 2020 như thế nào? Một năm với đại dịch Covid-19 khủng khiếp đã tác động đến toàn thế giới, đến cuộc sống của từng con người, ở mọi ngóc ngách của quả địa cầu như thế nào? Trên toàn thế giới, tính đến 31-12-2020, ngoài số người nhiễm là 81.925.735 và số người chết là 1.787.284, thì những gì mà con virus vô hình vô ảnh (với mắt thường) gây ra cho nhân loại thật khó mà hình dung được hết vào ngay lúc này. Nhưng không chỉ có bệnh tật và cái chết. Con virus nhỏ bé đã phủ bóng đen u ám lên toàn bộ hoạt động kinh tế và sinh hoạt của hàng tỉ người trên quả địa cầu, khiến cho cả thế giới như một cỗ máy đang vận hành với tốc độ cực cao bỗng phải dừng hẳn lại hoặc quay rất chậm. Cả một nền văn minh như bị con virus bé tẹo bắt làm con tin. Và bao nhiêu hệ lụy, về nhiều mặt, từ đó.
Xã hội nào, phương thức phát triển nào, hình thái văn minh nào đã tấn công vào tính toàn vẹn của hệ sinh thái của hành tinh khiến hệ sinh thái bị hủy hoại, phóng thích các mầm bệnh để rồi chính nền văn minh nhân loại lại bị tác động, hủy hoại? Với đại dịch Covid-19 và nhiều tai họa khác xảy ra trong năm, năm 2020 hẳn sẽ còn đặt ra nhiều câu hỏi cho nhân loại tự vấn, thậm chí đến trăm năm sau… |
Tuy vậy, đáng chú ý là cũng trong năm 2020 nhân loại đã tiến những bước dài trong việc khám phá vũ trụ quanh mình, đã đặt “bước chân” đến những hành tinh xa xôi. Ngày 30-7-2020, NASA phóng tàu thăm dò sao hỏa mang theo xe tự hành Perseverance nhằm nghiên cứu điều kiện sống và thu thập mẫu vật trên hành tinh này. Tàu hiện vẫn bay trong không gian bao la và dự kiến đáp xuống bề mặt sao hỏa vào tháng 2-2021.
Trong khi đó thì, sau sáu năm thám hiểm không gian, tàu Hayabusa-2 của Nhật Bản đã đưa mẫu vật từ một tiểu hành tinh trở về trái đất vào ngày 6-12-2020, phục vụ mục tiêu khám phá nguồn gốc sự sống và cách vũ trụ hình thành. Mẫu vật trong khoang chứa được thu hồi từ tiểu hành tinh Ryugu, cách trái đất khoảng 300 triệu ki lô mét. Những mẫu vật trên bao gồm cả bụi bề mặt và các hợp chất nguyên sinh bên dưới lớp vỏ của Ryugu.
Trước đó, ngày 1-12-2020, tàu robot không người lái Hằng Nga 5 của Trung Quốc đã đáp thành công xuống mặt trăng để thực hiện sứ mệnh khảo sát bề mặt hành tinh này. Con tàu đã thu thập được khoảng 2 ki lô gam đất đá từ mặt trăng, đưa về trái đất. Các nhà nghiên cứu hy vọng mẫu vật sẽ giúp làm rõ nguồn gốc, sự hình thành của mặt trăng cũng như các hoạt động núi lửa trên bề mặt hành tinh này.
Đó là chưa kể SpaceX, công ty tư nhân của tỉ phú Mỹ Elon Musk với các vụ phóng tên lửa sử dụng nhiều lần đưa người lên Trạm không gian quốc tế, với chương trình Starlink “thả” hàng ngàn vệ tinh quanh trái đất ở quỹ đạo thấp để cung cấp kết nối Internet từ vệ tinh đến toàn thế giới, kể cả những nơi thâm sơn cùng cốc nhất. Và chưa kể tỉ phú Jeff Bezos của Amazon khẳng định sẽ đưa người phụ nữ đầu tiên lên mặt trăng trong thời gian tới.
Riêng với đại dịch Covid-19, các nhà khoa học cũng đã chế tạo ra được vaccin ngừa SARS-CoV-2 thời gian kỷ lục 9-10 tháng, trong khi bình thường phải mất đến khoảng bốn năm.
Những điều ấy nói lên cái gì? Xem ra khả năng của con người là vô tận, ấy vậy mà, thật nghịch lý, nhân loại lại đang “xính vính” trước con virus corona mà cho đến hôm nay, hơn một năm sau ngày khởi phát dịch, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nó xuất phát từ tác nhân gây bệnh nào, lây truyền qua con người ra sao, trừ việc biết chính xác địa điểm xuất phát của nó là từ Vũ Hán, Trung Quốc. Và, trong khi có khả năng vươn xa hơn bao giờ hết ra ngoài biên giới trái đất thì nhân loại xem ra vẫn nhỏ nhoi, yếu đuối, dễ bị tổn thương biết chừng nào trước vô số tác nhân gây bệnh chưa được biết đến ngay trên mặt đất này.
Hóa ra con người yếu đuối hơn chúng ta tưởng. Triết gia Pháp Blaise Pascal từng nói: “L’homme est un roseau pensant” (Con người là cây sậy biết tư duy). Sức mạnh của con người là ở chỗ biết tư duy, từ đó khám phá được nhiều thứ, hiểu biết nhiều thứ, làm chủ được nhiều thứ, nhưng con người cũng như cây sậy giữa thiên nhiên, rất dễ bị hủy hoại bởi môi trường không thuận lợi xung quanh. Ngẫm lại thật đúng với những gì xảy ra trong năm 2020.
Đã đến lúc phải quan tâm đến “sức khỏe hành tinh”
Đại dịch Covid-19 năm 2020, dù 50 hay 100 năm sau nhìn lại, sẽ mãi nhắc nhở con người rằng, dù có khả năng chinh phục thiên nhiên, vươn xa thật xa ra ngoài biên giới trái đất để chinh phục không gian, con người vẫn vô cùng yếu đuối trước thiên nhiên ngay trên quả đất này. Nhưng năm 2020 không phải chỉ được
đánh dấu bằng đại dịch Covid-19. Đó còn là những trận cháy rừng khốc liệt ở Úc, ở California (Mỹ), là nạn hạn hán và nước mặn xâm nhập ở đồng bằng Sông Cửu Long và hạ lưu sông Mêkông - một hiện tượng trước đây khó hình dung có thể xảy ra; là những trận bão lụt liên tiếp càn quét miền Trung, gây ra những vụ sạt lở đất chôn vùi nhiều người.
Một nhắc nhở khác: thiên nhiên, hành tinh nơi chúng ta đang sống, là một tổng thể mà trong đó con người là một thành phần và do vậy con người phải sống với, sống hòa thuận với thiên nhiên, để không làm thiên nhiên nổi giận và trả đũa.
Một bài báo trên tờ The Guardian được ban biên tập tờ báo này chọn là bài báo hay nhất trong năm 2020, có tiêu đề là: Phần nổi của tảng băng: phải chăng việc chúng ta tiêu diệt thiên nhiên là nguyên nhân của dịch Covid-19?. Bài báo cho rằng khi sự đa dạng sinh học ngày càng mất đi trên toàn cầu thì sự bùng phát virus corona có thể chỉ mới là khởi đầu của những đại dịch rồi sẽ ập đến.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong những năm gần đây trên thế giới đã hình thành một ngành nghiên cứu khoa học có tên là: Sức khỏe hành tinh (Planetary health). Một số nhà nghiên cứu ngày nay cho rằng chính việc con người hủy diệt hệ sinh thái đa dạng của hành tinh đã tạo điều kiện cho sự phóng thích những virus và bệnh tật mới như Covid-19, gây tác hại sâu sắc, nặng nề đến sức khỏe con người và kinh tế toàn cầu, cả ở nước nghèo cũng như nước giàu. Ngành nghiên cứu mới, mang tính liên ngành này tập trung vào những mối liên hệ ngày càng rõ rệt giữa sự an sinh, sức khỏe của con người với các loài sinh vật khác và toàn bộ hệ sinh thái.
Xuất hiện lần đầu tiên trong một tuyên ngôn của tạp chí y khoa hàng đầu thế giới, The Lancet vào năm 2014, khái niệm về “sức khỏe hành tinh” sau đó đã được chính thức tung ra vào năm 2015 bởi Ủy ban Quỹ Rockefeller - Lancet và đến cuối năm đó một tập hợp gồm hơn 70 trường đại học, tổ chức phi chính phủ, cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu và các đối tác khác đã thành lập Liên minh Sức khỏe hành tinh tại Harvard. Mùa xuân năm 2017, tạp chí The Lancet khai trương một tạp chí trực tuyến, mở, có tên là Sức khỏe hành tinh The Lancet, dựa trên khái niệm đó.
Ngành nghiên cứu sức khỏe hành tinh tập trung vào tính bền vững của nền văn minh của chúng ta và những thiệt hại do việc tiêu thụ tài nguyên một cách không công bằng, thiếu hiệu quả và không bền vững gây ra cho hành tinh và sức khỏe con người. Ngoài việc xem xét sức khỏe (y tế) công cộng và sức khỏe môi trường, ngành nghiên cứu này còn xem xét các hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, và kêu gọi cách tiếp cận liên ngành. Theo Ủy ban Quỹ Rockefeller - Lancet về Sức khỏe hành tinh thì nói một cách đơn giản, khái niệm này có nghĩa là “sức khỏe của nền văn minh nhân loại và tình trạng của các hệ thống thiên nhiên mà nền văn minh ấy phụ thuộc vào”. Tổng biên tập tạp chí Sức khỏe hành tinh The Lancet, Raffaella Bosurgi nói thêm: “Nói y tế công cộng (public health) là nói về việc bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe trong các hệ thống y tế và nói sức khỏe toàn cầu (global health) là nói về việc cải thiện sức khỏe của cư dân trên toàn thế giới thì sức khỏe hành tinh nhìn rộng hơn vào các xã hội, các nền văn minh và các hệ sinh thái mà chúng dựa vào để tồn tại”.
Xã hội nào, phương thức phát triển nào, hình thái văn minh nào đã tấn công vào tính toàn vẹn của hệ sinh thái của hành tinh khiến hệ sinh thái bị hủy hoại, phóng thích các mầm bệnh để rồi chính nền văn minh nhân loại lại bị tác động, hủy hoại? Với đại dịch Covid-19 và nhiều tai họa khác xảy ra trong năm, năm 2020 hẳn sẽ còn đặt ra nhiều câu hỏi cho nhân loại tự vấn, thậm chí đến trăm năm sau, cho dù lúc đó biết đâu nhân loại có thể cũng đã sinh sống trên những hành tinh xa xôi nào đó chứ không chỉ trên trái đất?
Xem thêm: lmth.hnit-hnah-eohk-cus-ned-hcid-iad-ut-0202/559213/nv.semitnogiaseht.www