vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh nghiệp ngành tài chính vững vàng trước biến cố Covid-19

2021-02-14 20:18

Doanh nghiệp ngành tài chính vững vàng trước biến cố Covid-19

Vân Phong

(TBKTSG Online) - Nhóm doanh nghiệp ngành tài chính đã ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng tốt trong quí 4 và cả năm 2020, theo nhóm nghiên cứu của FiinGroup.

Nhóm doanh nghiệp ngành tài chính 'miễn nhiễm' Covid-19. Ảnh: TTXVN

Với nhóm ngân hàng, lợi nhuận sau thuế quí 4 và cả năm 2020 lần lượt tăng 25,7% và 16,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Lý giải nguyên nhân, nhóm nghiên cứu của FiinGroup cho biết tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng chủ yếu nhờ mở rộng biên lãi ròng (NIM).

Cụ thể, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động. Ngoài ra, việc trích lập dự phòng rủi ro ở phần lớn các ngân hàng – ngoại trừ Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietcomBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - đều thấp hơn thực tế nhờ Thông tư 01.

Bên cạnh đó, lợi nhuận năm 2020 của một số ngân hàng như Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) còn tới từ hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm. Với một số ngân hàng khác, lợi nhuận tới từ kênh đầu tư chứng khoán.

Kết quả, nhiều ngân hàng tư nhân đã ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn nhóm quy mô lớn như Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) với mức tăng 23%, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) với mức tăng 27,8%, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) với mức tăng 42,1%, Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) với mức tăng 37%.

Dự báo triển vọng ngành ngân hàng năm 2021, nhóm nghiên cứu của FiinGroup cho rằng các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng này không mang tính bền vững, thậm chí có thể trở thành rủi ro đối với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng do lãi suất huy động tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang sửa Thông tư 01 theo hướng siết chặt hơn các quy định về trích lập dự phòng và có động thái chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Còn với nhóm doanh nghiệp bảo hiểm, nhóm nghiên cứu của FiinGroup cho biết lợi nhuận sau thuế quý 4 và cả năm 2020 lần lượt tăng trưởng 115,6% và 24,4% so với cùng kỳ năm 2019 với đóng góp chủ yếu của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, gồm: Tổng công ty bảo hiểm PVI (PVI), Tổng công ty bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABI) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI).

Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp này có sự đóng góp đáng kể từ hoạt động kinh doanh cổ phiếu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tiết giảm chi phí trích lập dự phòng và chi phí hoạt động.

Điển hình là PVI với khoản thu nhập tài chính đạt 284,2 tỉ đồng trong quý 4-2020, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lãi từ kinh doanh cổ phiếu chiếm tỷ trọng gần 40% trong khoản thu nhập tài chính.

Kết quả, doanh nghiệp này báo lãi 204,1 tỉ đồng trong quý 4-2020, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Với nhóm doanh nghiệp chứng khoán, nhóm nghiên cứu của FiinGroup cho biết lợi nhuận sau thuế quý 4 và cả năm 2020 lần lượt tăng trưởng 135,4% và 50,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Yếu tố chính giúp nhóm doanh nghiệp này ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng là sự gia tăng thanh khoản đột biến trong nửa cuối năm 2020, khi dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư mới liên tục đổ vào thị trường. Bên cạnh đó,  các công ty chứng khoán cũng đẩy mạnh cho vay giao dịch ký quỹ.

Cụ thể, khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE đạt 335,5 triệu cổ phiếu trong năm 2020, còn giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 6.290 tỉ đồng - tăng lần lượt 83,84% và 52,41% so với năm 2019.

Dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán tương đương 5,1% giá trị vốn hóa đã điều chỉnh theo tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với tổng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường tại thời điểm cuối quý 4-2020, cao hơn 2,4% so với thời điểm cuối quý 1-2018 khi hơn chỉ số VnIndex đạt đỉnh.

Theo nhóm nghiên cứu của FiinGroup, tăng trưởng của chỉ số EPS – chỉ số thể hiện khả năng kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp - của nhóm doanh nghiệp ngành tài chính đạt 8,1% trong năm 2020. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Lý giải nguyên nhân, nhóm nghiên cứu cho rằng lợi nhuận của hai ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank và BIDV – hiện chiếm 25% tổng lợi nhuận kế toán của khối tài chính - đều giảm mạnh do gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong nỗ lực làm sạch bảng cân đối kế toán.
 

Xem thêm: lmth.91-divoc-oc-neib-court-gnav-gnuv-hnihc-iat-hnagn-peihgn-hnaod/847313/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Doanh nghiệp ngành tài chính vững vàng trước biến cố Covid-19”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools