Chợ người Việt tại Úc - Ảnh: The City Lane
Cuối tháng 1 dương lịch ở Úc là giữa mùa hè, nhưng năm nào cũng có một tuần đang nắng chang chang bỗng đổ mưa rả rích và mây xám cứ lờ lững trôi mấy ngày sau đó. Không khí se lạnh, tự nhiên có cảm giác người đi lại trên đường vắng hơn thường nhật (vì nghỉ lễ Quốc khánh Úc!). Thế là nỗi nhớ cái Tết miền Bắc lại dâng lên khó tả.
Khi còn độc thân hay vợ chồng son, cái Tết trời Tây cũng đại khái vậy thôi - có bánh chưng, cây giò lụa với mùi nhang trầm ngửi ké ở chùa Việt Nam là đủ không khí Tết. Nhưng rồi bố tôi mất, vợ chồng tôi có thêm thằng cu, thế là Tết bỗng mang một ý nghĩa khác.
Việc sắm sửa cho Tết không chỉ là thực hiện cái nghĩa vụ đối với tổ tiên thay bố tôi, mà còn là nghĩa vụ "trình diễn" văn hóa công phu, dài ngày để cho bọn trẻ sinh ra ở nước ngoài thêm gắn kết với gốc rễ chúng mang trong mình.
Khởi động Tết
Rất nhiều văn nghệ sĩ ở Úc, bao gồm các đầu bếp ngôi sao, người gốc Việt nói riêng và gốc nước ngoài nói chung luôn chia sẻ trên báo đài về tuổi thơ và cội nguồn văn hóa của họ gắn liền với những món ăn mẹ nấu, tức là tình yêu sâu sắc nhất vẫn cứ đi qua đường dạ dày.
Người Việt ta gọi là ăn Tết; nói cho cùng, dù ngày thường sợ béo đến mấy, ngày Tết ai nấy vẫn cứ ăn, và cứ ăn vô tư đi, vì đây là điểm chung của cả nhân loại, lễ Tết là phải ăn, bát thịt đông của ta nhằm nhò gì với con gà Tây năm ký và tảng giăm bông hai cân.
Rằm tháng chạp qua là màn kiểm kê tất cả các ngăn tủ, chạn bếp bắt đầu. Năm vừa qua có lẽ nên được gọi là "Năm quốc tế về tích trữ và lưu cữu". Nhà tôi tuy rất bình thản trước những màn vơ vét hàng hóa, đồ ăn của đa số quần chúng nhưng cũng phòng thân bằng cách tự tay ngâm và muối đủ thứ trên đời.
Một dãy chai lọ dang dở, lổn nhổn lần lượt hiện ra: chanh muối, quất ngâm, củ cải ngâm Hàn Quốc, bắp cải muối kiểu Đức, nấm ngâm kiểu Nga, giấm tỏi kiểu Bắc, dưa muối kiểu Nam... Thế là thực đơn một loạt món chính được lên để "ăn kèm" món ngâm dần dần cho hết, chuẩn bị cho một loạt món muối ngày Tết sắp bắt tay vào làm.
Nghĩ cũng lạ, ngày xưa các cụ phải ngâm muối mọi thứ cốt để bảo quản được lâu dài, còn bây giờ đồ tươi sống lại đem muối đủ cách nhằm tìm được những hương vị khác nhau. Đến đồ khô thì đúng là một mớ những dự định của cuộc đời dang dở kinh hoàng không thể kể ra đây được.
Chỉ còn cách cho gọn hết vào một cái thùng cactông, xếp vào một bên tủ, với hi vọng rằng sang năm mở ra sẽ có một phép mầu nào đấy đã làm nó biến mất rồi. Sau đó, hớn hở lên đường đi mua đồ ăn Tết.
Bánh chưng Úc và Kangaroo - Ảnh: ĐẶNG THÁI
Tết đi chợ Úc
Cửa hàng Việt Nam gần nhất cũng cách nhà 80km, mất 45 phút một chiều thôi nhưng mỗi lần đi vẫn ngại, vì thế phải lên danh sách kỹ càng để không mua sót. Ông Công ông Táo nhà mình quanh năm đã phải ăn đủ các thứ Đông Tây y kết hợp, nên ngày Tết cố gắng làm mâm cơm thuần Việt tiễn các ngài, thế là danh sách các thứ cần mua bỗng dài cả hai gang tay.
Nguyên tắc đầu tiên khi đi chợ Việt Nam là phải ăn no, vì đi chợ mà đói thì cái gì cũng muốn nhặt, xong về không đụng tới và lại kết thúc ở cái thùng cactông nọ. Nhưng đi chợ Tết thì máu "đầu cơ" vẫn cứ nổi lên: phở, bún, miến, bánh đa đỏ này, thế nhỡ ăn lẩu thì sao, thôi thì lấy thêm mì ăn liền; nước mắm à, nhỡ chẳng may đánh rơi chai mắm, thế thôi lấy hai chai...
Thịt cá ở chợ Úc rất đa dạng tươi ngon nhưng những món trong danh sách lại phải đúng hàng Việt Nam mới có, vì người Úc không (biết nấu) ăn: chân giò, tai lợn, lục phủ ngũ tạng gà heo bò hay cá bơi trong bể.
Chợ Việt ở đây không có cái không khí chao chát sôi nổi, mặc cả nâng lên đặt xuống nhưng cũng có những tiếng rao như súng liên thanh không lẫn vào đâu được: "Five đô-la, one ki-lô. Half price. Five đô-la, one ki-lô!" (Năm đô một ký. Hôm nay giảm nửa giá. Năm đô một ký!). Những cô bán hàng đứng ngay quầy trái cây gọt cắt vừa mời vừa quát khách ăn thử, đi xa có lẽ lại nhớ.
Tuy nói là "cái gì cũng có" nhưng cái gì cũng không ngon bằng ở Việt Nam. Ví dụ bánh đa nem không thể mua được, chỉ có bánh tráng rất dày, ăn gỏi cuốn thì ngon nhưng đem rán nem (chả giò) thì dai quá.
Tuy nhiên, thế hệ chúng tôi mua được bánh chưng gói lá chuối, buộc dây nilông cũng là vui lắm rồi, chứ bố vợ tôi làm việc trên tàu viễn dương ngày trước, còn phải cúng gà không đầu và "bánh chưng trắng", tức là gói giấy bạc! Nghĩa là cộng đồng người Việt ở nước ngoài càng lớn mạnh và ngành chế biến thực phẩm của ta cũng đã tiến bộ trông thấy qua mỗi năm rồi.
Một phần “chiến lợi phẩm” sau khi đi chợ về - Ảnh: ĐẶNG THÁI
Gìn giữ một nghi thức
Một điểm đặc biệt của bữa cơm ngày Tết ở đây là hội tụ món ăn của cả 3 miền, bởi lẽ các nguyên liệu nấu từ đủ mọi địa phương đều đã được đóng gói để chế biến dễ dàng. Vì thế ngày
Tết không chỉ có những món Tết mà nhiều khi các gia đình, anh em bạn bè tụ họp, nấu tất cả những món gì Việt Nam, bằng bất kỳ nguyên liệu gì Việt Nam để ăn cho đỡ nhớ hương vị quê nhà và đỡ nhớ nhà.
Gặp nhau không chỉ là chúc tụng, mà gặp nhau để nói tiếng Việt, để san sẻ những hi vọng tốt tươi, để cùng hưởng cái khoảnh khắc năm mới thiêng liêng mà những người đang đi thể dục ngoài đường kia không cảm nhận được.
Tôi xin nghỉ làm ngày mùng một Tết giữa lúc dự án đang căng: "Sếp cho em nghỉ một hôm vì ngày ấy bên Việt Nam kể cả ăn trộm người ta cũng nghỉ lễ", làm cấp trên bật cười.
Hôm ấy, tôi sẽ truyền lại cho thằng bé mới chập chững biết đi những "nghi thức" mà ba mẹ tôi vẫn đều đặn thực hiện mỗi ngày Nguyên đán: mặc quần áo mới, chải chuốt tinh tươm, rửa mặt nước mùi già (bằng tinh dầu xách tay từ Việt Nam), mừng tuổi đựng trong phong bao màu đỏ và xuất hành.
Tôi cũng sẽ mừng tuổi cho vợ con bằng cách xịt cho mỗi người một ít nước hoa mới, một thói quen "xa xỉ" mà bà ngoại tôi đã đều đặn làm cho mẹ và các dì tôi đến khi mỗi người đi lập gia đình, đến mẹ tôi lại làm thế với anh em tôi, giờ đến lượt tôi làm vậy với con tôi.
Thói quen lặp lại nhiều thành truyền thống, truyền thống lặp lại qua nhiều thế hệ thành văn hóa, văn hóa định hình nên dân tộc trong mỗi căn tính cá nhân, bất luận anh có mang quốc tịch gì.
Một điều khá may mắn là ở Úc lạm phát rất thấp và hàng hóa dồi dào, nên dù Tết tây hay Tết ta giá cả không tăng gì.
Năm 2003 bố tôi sang Úc, gọi điện về nói: "Hôm nay cả đoàn mỗi người ăn 20 bát phở!" vì lúc đó bát phở Úc giá 10 đô, bằng 100.000 đồng, trong khi phở ở Việt Nam là 5.000, nay bát phở ở ta đã 50.000 đồng, còn phở Úc vẫn có nơi 10 đô!
Tết - ngày nắng hiếm hoi trong mùa mưa tuyết
Tôi sang Đức đã gần 4 năm, đón 3 cái Tết xa nhà. Năm đầu tiên mới sang, tôi theo chân hội sinh viên ở Bochum - thành phố đầu tiên tôi cư trú - làm tiệc tất niên.
Đồ gì cũng thiếu nhưng rồi cũng xoay xở được, bánh chưng bánh tét đều có thể gói bằng lá chuối ép lạnh, giò chả và lạp xưởng mua từ chợ Á, trái cây cúng, nhang đèn đặt mua từ các thành phố trung tâm vài tuần trước Tết.
Ăn uống xong bao giờ cũng có ca hát, đánh bài như Tết ở nhà, cũng có người mang ít pháo sáng sinh nhật đốt ở ngoài trời, chứ không đốt pháo hoa. Vì không được làm ồn sau 10 giờ nên cứ đến giờ đấy là mọi người lại lục tục dọn dẹp và rón rén chia tay nhau về nhà.
Những năm về sau, tôi cũng không chuẩn bị gì nhiều cho Tết, chỉ nấu đĩa xôi đậu xanh, chén chè bột báng, phần vì không đủ thời gian, phần vì có làm thế nào cũng thấy thiếu hương vị quê nhà.
Khi qua đây, tôi có xin mẹ cuốn văn khấn Nôm, dịp lễ Tết thế này thì thắp chút hương, bày trái cây và khấn vái. Tôi không biết ông bà tổ tiên có nghe được lời khấn nguyện của tôi không, nhưng làm thế cũng vơi nỗi nhớ nhà.
Năm nay nhiều người phải ở lại đón Tết ở Đức, nên việc mua sắm hóa ra lại dễ dàng và đa dạng hơn những năm trước. Tôi được một người chị chơi rất thân mời đến nhà để liên hoan vào một tuần trước Tết.
Tôi là người duy nhất được mời do Chính phủ Đức quy định chỉ được mời một người ngoài gia đình tới nhà, lệnh giới nghiêm vẫn nghiêm ngặt. Chúng tôi nấu miến gà, đồ xôi và làm cả nem, bánh trái mua online.
Mùa dịch đã tạo cơ hội cho "chợ" online phát triển nên từ lá dong lá chuối, chè, cốm, mứt quả Tết, thậm chí cả hoa cúc vàng, quất cảnh… đều có thể mua nhanh gọn qua mạng mà không cần phải lên những chợ người Việt ở Đông Đức xa xôi.
Chúng tôi cố gắng để có một cái Tết trọn vẹn, kể cả khi phải tuân thủ lệnh giới nghiêm từng vùng do dịch COVID-19. Bạn bè tôi ở các nước châu Âu hẹn lên mạng để liên hoan qua màn hình, kể cả hội du học sinh ở Mỹ, Hàn Quốc, Canada cũng có vài người góp vui, cùng chơi bài, ca hát và khoe những món cỗ ngày Tết trong đêm giao thừa xa quê.
Trong một năm đầy ắp khó khăn vì lịch học, thi cử và làm việc đều bị ảnh hưởng bởi COVID, những sinh hoạt thường ngày cũng bị hạn chế gắt gao, cái Tết năm nay giống như một ngày nắng hiếm hoi trong mùa mưa tuyết. Chúng tôi cùng nhau hi vọng về một năm mới yên vui, ai cùng khỏe mạnh, không đau buồn, khổ sở.
Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, ngày về nhà không còn xa và một năm mới đến thật nhiều niềm vui sống.
THỦY TIÊN
TTO - Gần 10 năm sống ở Bỉ, với tôi, Tết là khoảng thời gian kéo dài từ lúc tháng 12, để chuẩn bị năm mới theo lịch tây với mùa lễ hội cuối năm cùng gia đình... Tết là yêu thương. Tết là tình yêu trong đôi mắt say sưa của mùa xuân.
Xem thêm: mth.88654419140201202-iahk-iad-al-noc-gnohk-yat-iort-tet/nv.ertiout