ViruSs đã từng đảm nhiệm rất nhiều vai trò, từ game thủ đến streamer, caster, rồi một nhạc sĩ, nhà đầu tư, doanh nhân… Nếu kể lại những kỷ niệm đặc biệt nhất gắn với từng chặng đó thì ViruSs sẽ nói đến những cột mốc nào?
Thực ra, cột mốc đầu tiên của ViruSs không phải là game thủ. Mình tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và trước đó đã làm nhạc rồi. Mình cũng chơi nhạc ở các quán cà phê, tham gia sản xuất nhạc phim, nhạc quảng cáo với các đối tác nước ngoài. Mình nhờ bạn bè ở nước ngoài kết nối nên chỉ làm để có thu nhập, thậm chí thời đó có những sản phẩm nhà sản xuất cũng chẳng để tên mình (cười). Mãi đến bài hát "Chợ" (tham gia Bài hát Việt năm 2008), đó mới là sản phẩm đầu tiên mình chính thức ghi danh.
Còn với game, mình bắt đầu trong một lần nghỉ hè về Việt Nam. Tính mình làm mọi thứ đều muốn đến nơi đến chốn. Mình không muốn chơi game chỉ dừng lại ở giải trí, mà phải đạt được một thành tích nào đó mình mới dừng.
Cột mốc quan trọng trong giai đoạn làm game thủ là khi mình được Garena – nhà phát hành game Liên minh huyền thoại gọi về, trở thành đội trưởng đầu tiên để dẫn dắt đội tham gia thi đấu. Thời điểm đó, mình là đội trưởng của Hanoi Dragon – là team chuyên nghiệp đầu tiên ở Hà Nội và là team chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam của nhà phát hành.
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động trong lĩnh vực này, mình cảm thấy khó phát triển được thêm nữa, nên đã chuyển sang làm streamer – mọi người biết đến Viruss nhiều nhất với vai trò này. Thời gian đầu stream thì âm nhạc vẫn "nuôi" mình, vì thời đó có tiền đâu (cười), và không có tài trợ.
Mình là một trong những người đầu tiên ký hợp đồng với Razor để dùng thử các sản phẩm công nghệ mới của họ, gọi là KOL Partner chứ chưa có thu nhập. Thậm chí hồi đó các platform (nền tảng) như Talk TV cũng chưa trả tiền. Sau này, khi kênh Talk TV của mình nổi lên, lượng người xem lớn, thì Azubu mời mình qua stream ở đó và trả lương cao gấp nhiều lần Talk TV.
Azubu cũng hỗ trợ mình rất nhiều, thậm chí có thời điểm mình đã xuất hiện trên New York Times với tư cách là streamer có thu nhập lớn nhất thời điểm đó. Tuy nhiên sau này vì kết nối mạng không ổn nên ảnh hưởng đến chất lượng stream và mình quyết định dừng hợp tác với Azubu và quay về làm Youtube. Sau này mình hợp tác với cả Facebook Gaming và trở thành đại sứ cho họ.
Còn kế hoạch dấn thân vào showbiz, mình đã nung nấu cách đây 7-8 năm rồi. Nhưng thời điểm đó mình nhìn nhận rằng, nếu chỉ sử dụng khả năng sáng tác vào âm nhạc của chính mình thì không thể móc nối được quan hệ. Mình quyết định sẽ đẩy mạnh thương hiệu ingame, sau đó mới phát triển outgame.
Video đầu tiên mình reaction là bài Tuý Âm (thể hiện cảm xúc khi xem) được 77 nghìn lượt chia sẻtrên fanpage. Reaction thì trên thế giới đã có nhiều người làm rồi nhưng ở Việt Nam thì mình là người đầu tiên làm có tiếng vang đến thế và sau đó nhiều streamer khác cũng làm theo. Sau đó, mình tiến vào âm nhạc qua các video reaction và có thêm nhiều mối quan hệ trong giới từ đó.
Còn việc chuyển sang kinh doanh xuất phát từ việc thành lập VR Studio. Ban đầu, mình không có kiến thức về tài chính hay nhân sự gì cả, nhưng rồi hợp đồng quảng cáo về nhiều quá nên mình bắt buộc phải có người hỗ trợ về nội dung, hậu kỳ… đến một ngưỡng nhất định thì phải thành lập công ty. Khi đó, mình mới phát hiện ra là mình rất thích kinh doanh.
Thực ra mình hoàn toàn có thể đầu quân cho các công ty như Creatory (Hàn Quốc) hay một số công ty khác. Nhưng chơi game mình thích làm đội trưởng thì kinh doanh cũng phải làm chủ (cười).
Về đầu tư, mình mới chỉ bắt đầu 2 năm trở lại đây khi bỏ tiền vào các dự án bên ngoài như một số cửa hàng F&B hay dự án bất động sản….. thấy khá hay và cảm thấy cũng hợp là một nhà đầu tư nữa. Sauđó, mình phát hiện ra là bản thân khá tham vọng với việc kinh doanh, không hẳn vì tiền mà vì sự thú vị nó đem lại.
Cũng có thời điểm mình muốn dừng lại vì thấy tiền kiếm được với các công ty hiện nay cũng ổn rồi, nhưng khi đọc các bài viết về những doanh nhân lớn của Việt Nam thì lại cảm thấy rất phấn khích. Rồi lại nghĩ, nếu họ làm được thì tại sao mình không làm được? Nếu mình không làm việc đó thì ai sẽ làm đây? Rồi lại mơ có ngày công ty của mình sẽ phát triển ngang tầm để cạnh tranh với họ….
Từ game thủ chuyên nghiệp, streamer đến nhạc sĩ, rồi doanh nhân, con đường mà ViruSs đi không hề giống với bất kỳ một hình mẫu nào trước đó. Là do bạn muốn thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, hay đó là một lộ trình có tính toán?
Có tính toán chứ không phải ngẫu nhiên.
Thứ nhất, như mình cũng nhiều lần chia sẻ, gia đình mình trước đây từng trải qua rất nhiều biến cố, và mình tự hứa với bản thân là không bao giờ để gia đình nhỏ sau này gặp khó khăn về tài chính.
Thứ hai, càng làm, mình càng thấy mình là niềm tự hào của ông mình, ông là người rất hy vọng vào mình. Mình không thể dừng lại ở một streamer, mà phải là một con người có vị trí, có chỗ đứng, thậm chí là có vai trò với đất nước này nếu như có thể, để làm được những điều có ý nghĩa.
Dù việc đầu tư vào các công ty như GearVN hay VPT cũng có phần ngẫu nhiên, nhưng hệ sinh thái của mình đã được hình dung sẵn trong đầu. Nếu không đầu tư vào GearVn, mình cũng sẽ thành lập một công ty phần cứng.
Việc làm game thủ hay streamer có thể giàu được không và với điều kiện nào?
Thẳng thắn về game thủ, theo mình, thứ nhất, cơ hội để một thanh niên chơi game có thể trở thành game thủ chuyên nghiệp là rất thấp. Thứ hai là thu nhập không ổn định. Thứ ba, có thể giàu không? Rất khó, vì thu nhập từ việc thi đấu chia theo tháng, không bù được sức khỏe, thời gian bỏ ra.
Còn hỏi làm streamer có giàu không thì mình khẳng định là giàu được.
Có một công thức nào để tạo ra một streamer thành công không?
Công thức thì không có, và phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố may mắn. Tất cả những streamer thành công ở thời điểm hiện tại, khi nhìn lại bạn bè mình, thì ngoại trừ lứa của mình và PewPew – đánh đổi thời gian để thành công, thì bây giờ mọi thứ cũng "hên xui" rồi.
Ngành stream càng công nghiệp hóa thì bản thân streamer lại càng tham gia vào ít công đoạn. Những streamer đời đầu như mình tự làm fanpage, tự dựng video, nên hiểu người xem thích gì, phải làm gì. Còn các bạn streamer bây giờ thì khác, phần hậu kỳ phía sau gần như không phải động tay. Như vậy, nếu muốn thành công và thực sự "giàu" thì cần rất nhiều may mắn.
Bạn có bao giờ nghĩ sẽ nghỉ stream và chuyển hẳn sang kinh doanh?
Streamer là công việc tạo cho mình rất nhiều mối quan hệ. Có lẽ đó là cốt lõi và mình không bao giờ bỏ được, nên mình vẫn dành thời gian cho công việc này.
Từng được New York Times nhắc đến như một streamer có tầm ảnh hưởng ở châu Á, bản thân bạn nghĩ gì về tầm ảnh hưởng của mình với các bạn trẻ?
Bình thường mình không bao giờ nghĩ mình đang ở vị trí nào, nên câu hỏi này chắc mình phải suy nghĩ một chút (cười).
Nếu hỏi mình như thế này đã đủ chưa, đã thành công chưa, thì chắc là mình chưa có gì cả. Khi thu nhập mình chưa được 8 triệu, mình nghĩ 8 triệu sẽ ổn. Khi có 8 triệu mình lại nghĩ 15 triệu mới ổn, và giới hạn cứ thế tăng lên.
Thật ra mình cũng chẳng tham vọng gì đâu, chỉ cố gắng để bản thân hoàn hảo hơn thôi. Tuy nhiên, sau năm vừa rồi, mình cũng có suy nghĩ, với tình hình showbiz hiện nay, mình đã nắm được kha khá đường đi nước bước rồi, nên sẽ xây dựng thương hiệu ViruSs tại Việt Nam mạnh hơn nhiều trong năm 2021, thậm chí là đi ra thế giới.
ViruSs từng chia sẻ về 3 hình mẫu là Donald Trump, Elon Musk và Bill Gates. Vì sao lại không có game thủ hay một streamer đình đám nào của thế giới – nghề nghiệp đang đem lại cho bạn nhiều thứ nhất?
Vì ngành stream của Việt Nam bắt đầu song song với thế giới, không hề đi chậm. Có những streamer quốc tế thu nhập cao hơn mình nhiều lần, nhưng về kỹ thuật thì Việt Nam cập nhật không kém gì thế giới, chỉ là ở Việt Nam việc chi trả cho streamer thấp hơn.
Thứ hai, mình là người thích kinh tế, thích tiền, chứ không thích một ngành cụ thể nào cả. Nếu có ai nói với mình: "Hoàng ơi, ngành này đang phát triển khủng khiếp, làm đi" thì mình sẽ làm. Mình không làm vì mình yêu nghề gì, mà vì mình biết làm nghề này sẽ giúp mình đạt được điều gì đó.
Trong số các streamer nổi tiếng, ViruSs gần như là người duy nhất không chửi bậy khi stream. Điều này được chọn ngay từ đầu hay về sau mới như vậy để tạo sự khác biệt với các streamer khác?
Ngay từ đầu khi mới stream, mình biết là chửi bậy sẽ khá là vui với người xem bởi cái gì trái chiều thì tính giải trí sẽ cao, thuận chiều thì giảm đi. Thực ra, ngoài đời mình cũng không phải là người chửi bậy nên có chửi bậy trong stream cũng không hay, không thể giải trí như Pew Pew hay thú vị như Độ Mixi được. Nhưng sâu xa là việc này được ông mình dạy từ bé rồi là phải thế này, phải thế kia… và mình cảm thấy không tốt theo kiểu của mình thì không làm luôn.
Với một streamer nổi tiếng, có ảnh hưởng đến nhiều người trẻ, bạn tự định hướng sẽ tạo ảnh hưởng tích cực đến người khác hay chỉ đơn thuần xem đó là một công việc và phải đáp ứng các yêu cầu của đối tác và người xem?
Mình nghĩ nó là định hướng thôi nhưng nó cũng xuất phát từ bản chất con người của mình nó như vậy.Còn trong nghề stream này, nếu diễn chắc chỉ được một thời gian đầu thôi chứ rồi thế nào cũng bộc lộ ra hết.
Khi bị comment chửi bậy thì bực lắm chứ, rồi mình không làm việc đấy nhưng cứ bị nói làm việc đấy thì nhiều streamer hoặc KOL không kiểm soát được bản ngã thì bị vạ miệng do ngôn từ. Còn mình từ bé đã không nói bậy rồi nên không bị vạ vì những chuyện như vậy khi stream.
Mình tin cái gì tích cực sẽ lâu dài hơn, còn nếu chỉ mang tính giải trí thì sẽ ngắn hạn hơn nhiều. Ngay từ nhỏ, ông mình đã dạy: "Ánh sáng bao giờ cũng dài hơn bóng tối".
Bản thân mình cũng chưa bao giờ nhìn nhận một vấn đề gì tiêu cực cả. Mình tin chuyện gì cũng có lý do của nó. Những người có hành động tiêu cực mà ta nhìn thấy, ẩn sau đó, họ đáng thương hơn đáng trách, vì thậm chí họ còn không biết là đang ở dưới bóng tối, không biết họ đang tiêu cực. Còn bản thân mình đủ minh mẫn để biết thế nào tiêu cực, nên mình hướng mọi thứ về tích cực và cảm thấy thương những người tiêu cực nhiều hơn.
Là người không có nền tảng về kinh tế - tài chính, ViruSs làm kinh doanh có gì khác?
Trước hết, cách xây dựng mô hình kinh doanh của mình khá khác so với bạn bè. Mình xây dựng tất cả mọi thứ như một hệ sinh thái. Đối với mình thì không quan trọng là kinh doanh gì, mà hoạt động kinh doanh phải đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với thế mạnh của mình.
Ví dụ, VR Studio là công ty mẹ chuyên nghiên cứu về những vấn đề cốt lõi của streaming, nền tảng. Sau đó, mình đầu tư vào các công ty nhỏ như VPT – thực hiện việc phát trực tiếp giải đấu bởi hai gương mặt rất nổi trong giới game. Như vậy, mình có VR Studio về streaming, VPT về giải đấu, và một công ty hỗ trợ tất cả các mảng còn lại là Liminal – phát triển các kênh truyền thông xã hội. Mình cũng đã đầu tư vào GearVn – chuyên về phần cứng để làm nền tảng cho tất cả các công ty tiếp theo.
Dù mình có đầu tư vào đâu, các hoạt động của mình vẫn bổ trợ cho nhau được. Mình cũng vẫn tách riêng các hoạt động để kiểm soát công ty nào đang lỗ, đang lãi, gánh nặng hợp lý. Nhưng hiện tại mình đang phải dừng lại, không mở rộng thêm vòng tròn, mà tối ưu nó, để mọi hoạt động có thể "tự nuôi" được.
Còn về mặt thời gian, đúng là mình rất bận, nhưng mình là người không có sở thích gì ngoài làm việc – một workaholic chính hiệu (cười). Một ngày không làm việc, mình vừa cảm thấy thui chột, vừa thấy chán.
Với vai trò là một doanh nhân, nhà đầu tư thì bạn đang đánh giá mình ở mức nào?
Chắc mình chỉ dám đánh giá bản thân ở mức trung bình thôi. Vì rõ ràng, một doanh nhân dành toàn bộ thời gian cho doanh nghiệp sẽ làm tốt hơn mình – người chưa thể dành 24 tiếng cho công ty được. Hơn nữa, mình cũng không phải là người có nền tảng về kinh doanh từ trước, mà là tay ngang, nên phải vừa làm, vừa học. Ngày nào mình cũng đọc sách, đọc tin tức và tham gia đầu tư, học chứng khoán…
Mình cũng có kế hoạch mời những vị tướng mạnh về cùng làm, nhưng có lẽ thời điểm này chưa cần thiết vì quy mô hoạt động chưa lớn đến mức có thể mời người giỏi về. Trước đó, mình cần chứng minh doanh nghiệp có đầu ra ổn định đã.
Trong vai trò là doanh nhân, nhà đầu tư, ViruSs đã có thất bại đáng nhớ nào chưa?
Mình cũng từng thất bại nhiều lần, không hẳn là thất bại một dự án nào, mà đã có những định hướng đầu tư không đúng như mình tưởng tượng. Mình cũng có những sai lầm, đặt tình cảm vào công việc nhiều quá, xử lý nội bộ không được quyết đoán… Sau tất cả, mình có rất nhiều bài học.
Phương châm của mình đến giờ vẫn là làm mọi thứ để tìm ra lỗi của bản thân, và chỉ mong bây giờ mình ngã nhiều nhất. Vì khi doanh nghiệp nhỏ, ngã mình còn xử lý được, chứ khi doanh nghiệp lớn thì câu chuyện khác rất nhiều. Mình sẽ đầu tư và học rất nhiều thứ ở thời điểm hiện tại, để có doanh nghiệp mạnh nhất, chứ không kỳ vọng quá sớm việc phải giàu, phải thành công ở thời điểm hiện tại.
Trong thời gian tới, ViruSs có kế hoạch gì để khẳng định mạnh hơn vai trò doanh nhân hay nhà đầu tư của mình?
Một trong những điểm yếu của mình là quản trị tài chính, vì đi quá nhanh trong khi không phải làngười quá chi tiết. Nhưng hiện nay mình đang cải thiện việc đó rồi, với một đội ngũ 2-3 nhân sự để tối ưu hóa tài chính. Doanh nghiệp của mình cũng chưa quá lớn đâu, nên chắc vậy là ổn (cười).
Ưu điểm trong mô hình của mình là tách nhỏ sớm. Mình nhìn thấy bài học từ rất nhiều công ty lớn, họ gom trứng vào một rổ để rồi khi có một quả trứng ung thì rất khó để tách ra. Với mình, vấn đề của công ty nào thì công ty đó có nghĩa vụ xử lý, nhưng về cơ bản là phải có lãi, ít nhất là hòa vốn, thì mỗi công ty đều có "đầu tàu" phụ trách việc đó.
Dòng tiền cũng rất rành mạch, cùng là công ty con của mình nhưng vẫn làm việc với nhau trên tư cách đối tác.
ViruSs từng nói là bạn không đặt một giới hạn nào cho công việc mà mình muốn làm. Điều này hàm ý là sẵn sàng chấp nhận rủi ro không giới hạn cho việc mình làm hay là có nghĩa không ngại bất cứ điều gì để đạt được mục tiêu của mình?
Mình muốn đạt được nhiều mục tiêu hơn, chứ rủi ro thì cũng phải tính rất kỹ rồi mới triển khai. Nếu đã tính toán hết cỡ rồi mà vẫn rủi ro thì lại càng mừng, vì có thể rút kinh nghiệm cho lần sau. Mình chỉ bực khi mọi chuyện trục trặc liên tục ở những lỗi lặp đi lặp lại. Ngã ở đâu đứng dậy ở đó là được.
Trong năm nay, những dự định quan trọng của ViruSs là gì?
Trước hết, mình muốn thương hiệu ViruSs đi xa hơn nữa, không quá an toàn về mặt nội dung nữa mà cởi mở hơn với truyền thông, kể cả những thông tin nhiều chiều.
Còn mục tiêu quan trọng của ViruSs là cuối năm sau có thể thành lập một tập đoàn của riêng mình. Mặc dù nhỏ, nhưng sẽ là một tập đoàn với các công ty thành viên.
Thái Quỳnh - Hoàng Ly
Trí thức trẻ