vĐồng tin tức tài chính 365

Làm gì để Việt Nam thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045?

2021-02-15 15:27

"Để đạt được mục tiêu năm 2045, điều cốt lõi nhất Việt Nam cần giải bài toán gì để trở thành nước phát triển, thu nhập cao?". Nhân ngày đầu Xuân Tân Sửu, Báo Lao Động đã gặp gỡ các chuyên gia kinh tế để cùng bàn luận và tìm ra câu trả lời.

PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng: Phải coi trọng vai trò kinh tế tư nhân

- Những mục tiêu chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng cho thấy tham vọng cũng rất cao. Cụ thể, đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Ðến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Lần này tiếp tục bộc lộ một khát vọng rất mạnh, khát vọng đủ lớn để thôi thúc Việt Nam phải đạt được như vậy. Để đạt được mục tiêu đưa ra, tôi cho rằng phải đạt được ba điểm cụ thể: Thứ nhất, nhận diện vai trò kinh tế tư nhân căn bản hơn, có lý luận hơn. Cách nhìn về cấu trúc kinh tế thị trường Việt Nam nên có sự thay đổi trong thực tế, nhận thức phải thay đổi. Không thể lấy lòng về mặt chính trị. Rõ ràng, mấy năm nay, kinh tế tư nhân thực sự là một lực lượng ý nghĩa, chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, kinh tế tư nhân đã làm đảo lộn khủng hoảng kinh tế.

Những năm gần đây, khi tư nhân nhập cuộc, nền kinh tế có nhiều cải thiện. Chính vì vậy, cần phải khẳng định và tiếp tục coi nền kinh tế tư nhân là nền tảng, coi tập đoàn kinh tế tư nhân là trụ cột cho một cường quốc kinh tế tương lai, có như vậy mục tiêu mới đạt được.

Thứ hai, tận dụng cách mạng công nghệ. Việt Nam nhận diện vấn đề này nhanh, lần này khác lần trước rất nhiều. Trước đây, chúng ta coi cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt nhưng không thành công, coi kinh tế tri thức là đích để phát triển cũng không thành. Và bây giờ là cách mạng 4.0, chúng ta không được đánh mất cơ hội này. Phải nhập cuộc để chiến đấu. Lần này, chúng ta tự tin và vững chắc rất nhiều.

Khi chúng ta hội nhập, kéo được các tập đoàn lớn trên thế giới về với mình, mượn được các công nghệ và đặc biệt tạo được năng lực công nghệ như Việt Nam có 5G, phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo… Hay thành tựu mới đây nhất là VinGroup đã bán được hàng triệu điện thoại thông minh.

Thứ ba: Thể chế phải tốt, khuyến khích tư nhân, không trói buộc, phân biệt tư nhân, bỏ cơ chế xin cho, đề cao tính sáng tạo… thì cơ hội đặt ra có thể thành hiện thực.

Cần phải nhấn mạnh rằng, yếu tố mấu chốt vẫn là kinh tế tư nhân và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá cao vai trò kinh tế nhà nước. Khi đặt mục tiêu như vậy thì phải biết lực lượng nào chủ đạo để mở cửa cho lực lượng đó. Mở ra không phải đến “ôm hôn” người ta mà đưa ra các chính sách thực tế, giảm bớt các thủ tục…

TS TRƯƠNG VĂN PHƯỚC - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ: Hoàn thiện thể chế mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn

TS Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: L.Đ
TS Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: L.Đ

- Thế giới ngày nay là một thế giới chuyển động nhanh và vận động liên tục, gắn liền với cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI). Khi bàn đến mục tiêu xa hơn định hướng đến hàng chục năm, tôi cho rằng, cần bắt đầu ở giai đoạn ngắn ngay trước mắt là 2021 -2025. Có một điều mà chúng ta nói nhiều trong nhiệm kỳ vừa rồi là câu chuyện xoay quanh thể chế. Chúng ta cần phải hoàn thiện thể chế một cách mạnh mẽ hơn và làm sao để thể chế đó phải đi theo xu hướng kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vấn đề thứ hai là khai thác và giải phóng các nguồn lực của quốc gia. Bây giờ khoa học công nghệ kỹ thuật phát triển vượt bậc và ghê gớm lắm, từ đây làm sao phải giải phóng được các nguồn lực để cho các nguồn lực đó được tuân thủ một nguyên tắc phân bổ theo thị trường. Đây là một nguyên tắc vô cùng quan trọng bởi chỉ khi các nguồn lực, tài nguyên được phân bổ theo nguyên tắc của thị trường mới hiệu quả và đạt tới một trạng thái gọi là tối ưu. Chúng ta vẫn nói đến giải phóng sức sản xuất, mở cửa và hội nhập nhưng tất cả vấn đề đó vẫn làm bấy lâu nay. Song điểm mấu chốt, theo tôi, phải giải phóng được các nguồn lực theo nguyên tắc, nguyên lý của thị trường. Tôi cho rằng, đây là một vấn đề rất khái quát khi nhắc đến định hướng trong giai đoạn tới nhưng chúng ta phải làm nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn.

Điểm mấu chốt nhất khi hướng mục tiêu đến năm 2045 vẫn là vấn đề về thể chế, về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực - đó là những vấn đề đúng, then chốt. Tuy nhiên, chúng ta phải mạnh dạn hơn nữa trong vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, rồi nguồn nhân lực như thế nào, có cơ chế lựa chọn được những người tài ở trong từng khu vực, từng lĩnh vực. Bộ máy nhà nước phải tuyển được những người giỏi nhất, có đạo đức nhất theo các nguyên tắc thi tuyển cạnh tranh sòng phẳng, công khai, minh bạch với tiêu chí rõ ràng hơn, thậm chí là ít phân biệt đối xử hơn.

Những nguyên tắc và điểm mấu chốt tôi nhắc đến trên đây có thể áp dụng cho giai đoạn ngắn hạn đến năm 2025 nhưng không thay đổi và đặt nền móng cho giai đoạn đến năm 2045, Việt Nam phải là một nước tăng trưởng cao, lựa chọn các nguồn lực tăng trưởng phù hợp hơn với tình hình.

PGS.TS VŨ MINH KHƯƠNG - chuyên gia cao cấp về chính sách phát triển kinh tế, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore): Ba động lực chủ đạo để Việt Nam đi đến phồn vinh hùng cường

PGS.TS Vũ Minh Khương - chuyên gia cao cấp về chính sách phát triển kinh tế, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore). Ảnh: VNVCC
PGS.TS Vũ Minh Khương - chuyên gia cao cấp về chính sách phát triển kinh tế, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore). Ảnh: VNVCC

- Chỉ còn đúng một phần tư thế kỷ nữa là năm 2045 khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập. Nếu trong thời khắc thiêng liêng đó, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thì dân tộc ta sẽ ghi vào lịch sử nhân loại một câu chuyện phát triển thần kỳ. Đó là chỉ trong vòng 100 năm, một dân tộc có thể vượt qua cả ba chặng đường - “đứng dậy”, “thức dậy” và “trỗi dậy” - với vô vàn khó khăn và thách thức khắc nghiệt để đi tới khát vọng ngàn đời của mình.

Với “đứng dậy” (1945-1975), Việt Nam đã nhất tề đứng lên để xóa bỏ xiềng xích nô lệ, lầm than để giành lại độc lập tự do hoàn toàn cho đất nước.

Với “thức dậy” (1975-2015), cả nước đã trăn trở để tìm ra con đường thoát khỏi nghèo nàn và tư duy lạc hậu với công cuộc đổi mới lần thứ nhất (1986-2015) đã giúp Việt Nam tiến một bước lớn, cả về thế và lực. Chặng đường “trỗi dậy”, sau Đại hội Đảng lần thứ 12 năm 2016, là làn sóng đổi mới lần thứ hai dấy lên kỳ vọng đưa đất nước đi đến phồn vinh, hùng cường vào năm 2045. Trong 5 năm đầu tiên của chặng đường này, đặc biệt năm 2020 sắp qua, Việt Nam đã làm nên những kỳ tích ấn tượng, cả về tăng nhịp độ tăng trưởng kinh tế (so với mức bình quân thế giới) lẫn đảm bảo cho đất nước yên bình và đi lên khi đại dịch COVID-19 đang làm cả thế giới chao đảo và sa sút.

Thế nhưng, chặng đường 25 năm còn lại phía trước còn vô vàn khó khăn và bất trắc khôn lường mà Việt Nam phải vượt qua để có thể đi trọn con đường 100 năm kỳ vĩ của mình. Để thành công vẻ vang trong hành trình phía trước, Việt Nam phải huy động được tối đa 3 động lực chủ đạo mà một công cuộc phát triển thần kỳ cần có. Đó là, xúc cảm (emotion), khai sáng (enlightenment) và thiết kế (engineering).

Xúc cảm luôn là một động lực vô cùng mạnh mẽ của Việt Nam khi đất nước đi đúng hướng. Về khai sáng, Việt Nam đã có những thành quả vượt bậc nhờ nỗ lực cải cách, hội nhập sâu với thế giới và quyết liệt nắm bắt cuộc cách mạng số. Chính nhờ chủ yếu vào hai động lực xúc cảm và khai sáng, Việt Nam đã đạt được thành quả phát triển ấn tượng, đạt mức tăng trưởng 6-7% trong hơn ba thập kỷ đổi mới vừa qua. Về thiết kế, với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong 5 năm qua. Nhờ vậy, đất nước đang có những biến chuyển sâu sắc, cả về tăng trưởng kinh tế và lòng tin xã hội.

Nếu Việt Nam chú trọng đặc biệt hơn nữa vào việc phát huy tối đa 3 động lực này trong thời gian tới, đất nước sẽ không chỉ có thể tăng trưởng ở mức 7,5-8,5% mà còn trỗi dậy với khí thế “trên dưới một lòng, muôn người như một” chưa từng có. Để làm được điều này cần chú trọng vào 3 ưu tiên hàng đầu, đó là: Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, thu hút hiền tài và hoạch định chiến lược phát triển có hiệu lực với tính thực tế cao.

Giáo sư TRẦN VĂN THỌ - Giáo sư Danh dự, Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản): 5 vấn đề cốt lõi để thực hiện đổi mới- sáng tạo

Giáo sư Trần Văn Thọ - Giáo sư Danh dự, Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản). Ảnh: VNVCC
Giáo sư Trần Văn Thọ - Giáo sư Danh dự, Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản). Ảnh: VNVCC

- Trong 25 năm tới, 10 năm đầu là giai đoạn phải đẩy mạnh công nghiệp hóa và thực hiện hai chuyển dịch cơ cấu: Lao động và doanh nghiệp. Về lao động, tình trạng dư thừa trong nông nghiệp còn lớn. Trong khi đó, công nghiệp hóa còn ở mức thấp, và cơ cấu công nghiệp còn rất mỏng, lắp ráp là chủ đạo, công nghiệp hỗ trợ yếu, Việt Nam còn ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh công nghiệp hóa sẽ dịch chuyển nhanh chóng lao động dư thừa ở nông thôn, ở khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, đưa năng suất toàn xã hội lên cao. Vấn đề liên quan là cần quan tâm đào tạo lao động trong thời đại kỹ thuật số.

Về doanh nghiệp, khu vực kinh tế cá thể và phần lớn doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ bé, năng suất rất thấp nhưng còn chiếm tới trên 35% GDP. Thành phần kinh tế này luôn ở vị trí bất lợi trong thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai. Trước mắt phải đẩy mạnh cải cách các thị trường vốn, đất đai, tạo điều kiện cho thành phần này chuyển dịch sang khu vực kinh tế hiện đại, có tổ chức ở quy mô lớn và kết nối với doanh nghiệp FDI thì năng suất lao động của toàn xã hội sẽ tăng lên cao.

Từ thập niên 2030, khoa học kỹ thuật, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò then chốt trong quá trình đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào thời điểm 2045. Nhưng những tiền đề đó phải được chuẩn bị từ bây giờ. Đặc biệt phương châm “đổi mới, sáng tạo” phải có ngay chiến lược và chương trình hành động cụ thể, có mục tiêu trung và dài hạn. Trong đó, các nội dung bao gồm:

1. Tăng ngân sách và khuyến khích doanh nghiệp chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Hiện nay (theo tư liệu năm 2017), cả Chính phủ và doanh nghiệp chi tiêu cho R&D chỉ bằng 0,5% GDP. Mức này rất thấp, chỉ bằng Hàn Quốc đầu thập niên 1970 và Trung Quốc gần 40 năm trước. Trước mắt, cố gắng tăng tỉ lệ lên trên 1% GDP và hơn 2% vào đầu thập niên 2030.

2. Về chi tiêu cho R&D của Chính phủ, cần xem xét việc cải cách cơ chế để tránh tình trạng chạy dự án, lãng phí trong hoạt động nghiên cứu, thì ngân sách nhà nước mới được sử dụng có hiệu quả.

3. Cần ban hành các luật khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho R&D, khuyến khích công ty có vốn nước ngoài mở các cơ sở R&D tại Việt Nam.

4. Nên làm ngay việc liên kết các cơ sở nghiên cứu trong nước với các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài. Hiện nay, rất nhiều nhân tài Việt Nam đang làm việc ở các đại học, các viện nghiên cứu lớn trên thế giới.

5. Cần cải thiện thủ tục hành chính hoặc nghiên cứu các biện pháp để những ý tưởng đổi mới, sáng tạo của cá nhân, của doanh nghiệp được chuyển thành sản phẩm, tránh tình trạng những ý tưởng đó được đem ra nước ngoài thực hiện chỉ vì thủ tục, cơ chế trong nước quá phức tạp.

Cuối cùng còn một vấn đề cơ bản nhất phải cải cách trong 3, 4 năm tới mới thực hiện thành công những chính sách nói trên. Đó là, cải thiện, thay đổi cơ chế tuyển dụng, đề bạt quan chức và cải cách tiền lương. Trừ những chức vụ trong các viện nghiên cứu, không xem bằng tiến sĩ hay thạc sĩ là điều kiện để tuyển dụng hay đề bạt. Nghiên cứu kinh nghiệm các nước tiên tiến trong việc tuyển chọn quan chức để bảo đảm năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào về sứ mệnh của người làm việc nước.

Một vấn đề liên quan là triệt để cải cách tiền lương. Nếu còn tình trạng quan chức không sống bằng tiền lương, còn nạn chạy chức và còn tình trạng người tìm việc phải tốn một số tiền quá lớn thì không thể mơ trở thành nước phát triển thu nhập cao.

GS. NGUYỄN ĐỨC KHƯƠNG - Phó Giám đốc Phụ trách nghiên cứu, Trường Kinh doanh IPAG (Paris, Pháp), Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global): Cần liên tục tìm cách cải thiện năng suất

GS. Nguyễn Đức Khương - Phó Giám đốc Phụ trách nghiên cứu, Trường Kinh doanh IPAG (Paris, Pháp), Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global). Ảnh: VNVCC
GS. Nguyễn Đức Khương - Phó Giám đốc Phụ trách nghiên cứu, Trường Kinh doanh IPAG (Paris, Pháp), Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global). Ảnh: VNVCC

- Trở thành một nước phát triển có nền kinh tế sáng tạo hình mẫu vào năm 2045 là điểm tầm nhìn hội tụ cho khát vọng, trí tuệ và sức sống Việt Nam. Tăng trưởng bền vững và liên tục dựa trên tri thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là trọng tâm, là kim chỉ nam của chính sách kinh tế. Con đường phải đi qua là xây dựng và hoàn thiện bằng được một thể chế kinh tế bao trùm, trong đó môi trường kinh doanh minh bạch, các chủ thể kinh tế cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật, dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn và đặc biệt các nguồn lực từ xã hội được huy động và sử dụng hiệu quả.

Có hai khía cạnh cần được làm rõ. Thứ nhất, muốn trở thành một nền kinh tế phát triển, chúng ta cần liên tục tìm cách cải thiện năng suất để tăng đầu ra của nền kinh tế. Chỉ khi tăng được quy mô sản lượng quốc gia tính bình quân trên đầu người, chúng ta mới có khả năng tăng được mức sống, điều kiện sống của người dân. Điều này trùng với nhận định của GS. Paul Krugman - chủ nhân của giải thưởng Nobel kinh tế năm 2008 - rằng, “năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài, nó gần như là tất cả”.

Tăng năng suất phụ thuộc lớn vào việc nâng cao chất lượng nguồn lực con người, chất lượng máy móc - công nghệ, và chất lượng - hiệu quả quản trị. Tất cả yếu tố này là một tổng thể kết dính, đồng bộ, tương thích. Ví dụ, tiến bộ trong tăng năng suất sẽ khó xảy ra nếu máy móc công nghệ hiện đại nhưng người lao động có kỹ năng thấp, trình độ quản trị yếu kém. Các giải pháp cho tăng năng suất như thúc đẩy nghiên cứu phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo, và các cơ chế khuyến khích (lương, thưởng, tuyển dụng - đãi ngộ tài năng, cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, công tác…) cần những đột phá lớn trong khâu chính sách.

Thứ hai, tăng trưởng không phải là “diệu dược” cho tất cả vấn đề phát triển kinh tế xã hội, nhất là bất bình đẳng thu nhập, hạnh phúc người dân, an sinh xã hội, nghèo hoá, và bình đẳng giới. Ngay cả ở các nước phát triển hàng đầu như Mỹ hay Pháp, tỉ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia vẫn đang ở mức cao (năm 2019: 11,8% ở Mỹ hay 38,1 triệu người và 14% ở Pháp hay 8,8 triệu người). Do đó, chất lượng cuộc sống của người dân - hạnh phúc, an toàn, sự hài lòng về thể chất, tinh thần - mới là thước đo đánh giá ý nghĩa to lớn của việc trở thành một nước phát triển.

Các thể chế và “khế ước” xã hội cũng cần được nghiên cứu, đổi mới để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp với yêu cầu thời đại: Con người ở vị trí trung tâm của quá trình phát triển và hội nhập, kiến tạo môi trường bình đẳng để các thành phần kinh tế phát triển và điều phối hài hoà lợi ích giữa các thành phần. Tập trung vào những thách thức, nhu cầu phát triển bản thân của mỗi cá nhân trên nền tảng nỗ lực thúc đẩy việc làm, năng suất, tăng trưởng và hạnh phúc chung của xã hội là chìa khoá để bước vào tương lai thịnh vượng.

Muốn đột phá thì phải có nguồn lực con người tốt và sớm nhất có thể. Thế giới luôn vận động và không chờ chúng ta sẵn sàng. Các cuộc chơi lớn đã bắt đầu từ lâu và chúng ta cần phải thật sự nghiêm túc tìm cách đào tạo, thu hút, sử dụng người tài, và tạo môi trường để lôi cuốn các nguồn lực từ bên ngoài. Các chính sách kinh tế ở trên cũng phải song hành với việc kiên trì một chính sách đối ngoại đa phương, tạo lòng tin chiến lược, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, dựa trên pháp luật và các công ước quốc tế.

Xem thêm: odl.311578-5402-man-oav-oac-pahn-uht-neirt-tahp-coun-hnaht-man-teiv-ed-ig-mal/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Làm gì để Việt Nam thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools