Chương trình được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu quốc học và ban tổ chức dự án Vầng trăng tri thức - Tủ sách gia đình. Người dẫn dắt cuộc trò chuyện là nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (cháu cố phó bảng Trần Đình Bá, thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn).
Sự kiện có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử như Đoàn Lê Giang, Nhật Chiêu...
Tương An quận vương là bút hiệu của hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Bửu (1820 - 1854). Ông được xem là người văn võ song toàn, từng sáng tác thơ chữ Hán và chữ Nôm, thơ chữ Nôm của ông tạo được nhiều dấu ấn.
Ba người con giỏi văn thơ nhất của vua Minh Mạng là Tuy Lý Vương Miên Trinh, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm và Tương An quận vương.
Tuy tài năng và văn nghiệp của ba ông ngang nhau, nhưng hai hoàng tử còn lại được người đời biết đến nhiều hơn Tương An quận vương.
Chính vì vậy mà cố giáo sư Bửu Cầm nhận xét Tương An quận vương là "một thi tài lỗi lạc gần như bị bỏ quên từ bao năm qua".
Tại sự kiện, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã có những chia sẻ về khoảng thời gian Tương An quận vương dạy học cho hai cháu ruột là hoàng tử Hồng Bảo và Hồng Nhậm.
Mốc thời gian này đã ảnh hưởng lớn đến cảm hứng sáng tác lẫn con đường văn nghiệp sau này của con trai vua Minh Mạng.
Qua thời gian tiếp xúc, Tương An quận vương nhận thấy Hồng Bảo có thể chất và tư duy tốt nhưng lại không được vua Thiệu Trị truyền ngôi.
Thay vào đó, ngôi báu thuộc về Hồng Nhậm, tức vua Tự Đức.
Sau hai lần mưu nghịch không thành, Hồng Bảo bị bắt giam và chết trong ngục. Trong vụ việc này, Tương An quận vương bị nghi ngờ có liên quan.
Vì thương tiếc cho Hồng Bảo và lo sợ cho mình, Tương An quận vương ở lì trong phủ, mượn thơ và rượu để giải sầu.
Một thời gian sau, ông cũng qua đời. Tác phẩm của Tương An quận vương bị thiêu hủy rất nhiều, lý do là dính dáng đến hoàng tử Hồng Bảo.
Phần còn lại ít được phổ biến rộng rãi vì thiếu người khắc in, diễn dịch. Đây là điều khiến tên tuổi của Tương An quận vương bị lu mờ theo thời gian.
Tương An quận vương qua góc nhìn thi ca
Trong buổi trò chuyện, ban tổ chức cũng giới thiệu quyển Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông do giáo sư Nguyễn Khuê viết (NXB Văn học, tái bản lần 3).
Quyển sách được Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản lần đầu năm 1970. Đây được xem là luận văn thạc sĩ của giáo sư Nguyễn Khuê tại Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1969.
Nhận xét về tác phẩm, cố giáo sư Bửu Cầm nhận định trong lời tựa: "Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông là một công trình nghiên cứu biên khảo công phu, hữu ích và cần thiết cho việc nghiên cứu văn học triều nguyễn".
Tác phẩm đã cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện về thời đại, cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, tư tưởng, tình cảm và vị trí của Tương An quận vương trong văn học Việt Nam.
Cho đến nay, Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông vẫn được xem là công trình nghiên cứu về Tương An quận vương đầy đủ và rõ ràng nhất.
Vầng trăng tri thức - tủ sách gia đình là dự án tổ chức các chương trình văn hóa, lịch sử, di sản. Ra đời dựa trên lời dặn dò của cố giáo sư Trần Văn Khê.
Ông từng nói: "Cần có những người am hiểu đứng ra giải thích để cho khán thính giả hiểu. Có hiểu rồi mới thương, thương rồi mới học".
Mục đích là khơi gợi ở các bạn trẻ tình yêu nước, yêu quê hương, nguồn cội dân tộc và lan tỏa văn hóa đọc sách đến từng gia đình qua những tác phẩm giá trị.
Sáng 19-4, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức triển lãm giới thiệu những tác phẩm sách cổ quý hiếm được người dân hiến tặng và tác phẩm Ngự chế minh văn cổ khí đồ, hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2.