Vắc xin COVID-19 AstraZeneca/Oxford được cho là chỉ có khả năng bảo vệ tối thiểu chống lại sự lây nhiễm nhẹ hoặc trung bình từ biến thể Nam Phi ở người trẻ tuổi - Ảnh: REUTERS
Loại vắc xin do Viện Serum Ấn Độ sản xuất là sản phẩm do hãng dược Anh AstraZeneca và ĐH Oxford cùng phối hợp phát triển. Nam Phi đã nhận 1 triệu liều vắc xin kể trên hồi đầu tháng 2-2021, và theo lịch trình sẽ nhận thêm 500.000 liều khác vào vài tuần tới.
Thế nhưng, quốc gia này đã tạm dừng kế hoạch triển khai vắc xin COVID-19 của AstraZeneca vào ngày 8-2, vì kết quả của một cuộc thử nghiệm lâm sàng gần đây.
Biến thể mới mang tên 501Y.V2, do các chuyên gia gen Nam Phi xác định vào cuối năm ngoái ở Vịnh Nelson Mandela. Đây là biến thể đang lan rộng tại Nam Phi.
Theo tờ The Economic Times ngày 16-2, một thí nghiệm do ĐH Witwatersrand (Nam Phi) và ĐH Oxford (Anh) thực hiện cho thấy vắc xin này chỉ có khả năng bảo vệ tối thiểu, chống lại sự lây nhiễm nhẹ hoặc trung bình từ biến thể Nam Phi ở những người trẻ tuổi.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu không thể xác định được hiệu quả của vắc xin trong những trường hợp bệnh nặng, nhập việc hoặc có nguy cơ tử vong, vì các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu rơi vào những trường hợp đó rất thấp.
Giới quan sát nhận định động thái mới của Nam Phi có thể ảnh hưởng lớn tới các quốc gia châu Phi, cũng như nhiều khu vực khác. Vì giá cả phải chăng, dễ bảo quản và vận chuyển hơn vắc xin của Pfizer, vắc xin AstraZeneca/Oxford đang là niềm hi vọng cho các quốc gia châu Phi.
Viện Serum Ấn Độ hiện chưa có phát ngôn sau thông tin mới nhất. Viện này đã trở thành một nhà cung cấp vắc xin chủ chốt trong thời gian gần đây.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize đã thông báo có thể bán vắc xin AstraZeneca, sau khi nước này tạm dừng kế hoạch triển khai vắc xin. Nam Phi đã quyết định bắt tiêm chủng cho các nhân viên y tế bằng vắc xin của Johnson & Johnson dưới hình thức “nghiên cứu để triển khai”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 15-2 đã cho phép sử dụng vắc xin COVID-19 AstraZeneca/Oxford trong trường hợp khẩn cấp.
TTO - Đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy vắc xin AstraZeneca đáp ứng các tiêu chí "phải có" về độ an toàn đối với người sử dụng, các lợi ích và mức độ hiệu quả cũng cao hơn những rủi ro có thể xảy ra.