Hãng tin Channel News Asia dẫn lời luật sư riêng của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi ngày 15-2 cho biết bà Suu Kyi trong tuần này sẽ tham gia phiên tòa trực tuyến về những cáo buộc chống lại bà của chính quyền quân sự.
Theo luật sư Khin Maung Zaw, bà Suu Kyi, người bị quân đội giam giữ kể từ cuộc chính biến ngày 1-2, dự kiến sẽ hầu tòa vào ngày 15-2 với cáo buộc nhập khẩu bất hợp pháp sáu bộ đàm.
Tuy nhiên, ông Khin hôm 15-2 cho biết thời gian giam giữ của bà Suu Kyi đã bị kéo dài đến ngày 17-2 theo phán quyết của một thẩm phán ở thủ đô Naypyitaw, dài hơn hai ngày so với dự kiến ban đầu.
Biểu tình tại Myanmar. Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi đến đây để nộp giấy ủy quyền và thảo luận với một thẩm phán cấp quận. Theo ông ấy, việc tạm giam sẽ bị kéo dài đến ngày 17-2 chứ không phải hôm nay" – ông Khin Maung Zaw hôm 15-2 trao đổi với các phóng viên, đồng thời cho biết ông vẫn chưa gặp được thân chủ của mình.
Khi được hỏi về tính công bằng trong quá trình tố tụng, vị luật sư cho biết: “Việc này có công bằng hay không, các bạn có thể tự thấy”.
Vị thẩm phán tại Naypyidaw đã nói chuyện với bà Suu Kyi qua video trực tuyến, và bà Suu Kyi đã hỏi rằng mình có thể thuê luật sư hay không.
Chính phủ và quân đội Myanmar hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Theo Channel News Asia, việc kéo dài thời hạn giam giữ bà Suu Kyi có thể sẽ khiến tình hình căng thẳng giữa quân đội và những người ủng hộ chính phủ dân sự của Myanmar leo thang, trong bối cảnh các cuộc biểu tình tại nước này đã kéo dài sang ngày thứ 10 liên tiếp.
Hãng tin AP cho biết lực lượng vũ trang tại Myanmar ngày 15-2 đã tăng cường đối phó những người biểu tình phản đối cuộc chính biến, kêu gọi khôi phục chính quyền dân cử.
Hơn 1.000 người biểu tình hôm 15-2 đã tập trung trước Ngân hàng Kinh tế Myanmar ở thành phố Mandalay để phản đối cuộc chính biến và kêu gọi trả tự do cho các lãnh đạo dân cử.
Theo AP, lực lượng vũ trang được cho là đã sử dụng gậy và ná cao su để đối phó người biểu tình. Cảnh sát cũng bị cáo buộc đã chĩa súng về phía đám đông. Một số nguồn tin cho biết họ thậm chí đã nghe thấy tiếng súng vang lên. Truyền thông Myanmar đưa tin rằng đạn cao su đã khiến nhiều người biểu tình bị thương.
Tại thủ đô Naypyidaw, những người biểu tình đã tụ tập bên ngoài một đồn cảnh sát để đòi thả một nhóm học sinh trung học bị giam giữ khi tham gia các hoạt động phản đối.
Trước tình hình trên, cùng ngày, đặc phái viên Liên Hợp Quốc Christine Schraner Burgener đã có cuộc điện đàm với đại diện quân đội Myanmar, Phó tổng tư lệnh quân đội Soe Win, về cách lực lượng này đối phó người biểu tình.
Theo phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc Farhan Haq, bà Burgener đã truyền đạt đến quân đội Myanmar rằng “thế giới đang theo dõi sát sao và bất kỳ hình thức đối phó mạnh tay nào đối với người biểu tình đều có thể gặp hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài việc kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng nhân quyền và các thể chế dân chủ, bà Burgener cũng cảnh báo nước này không nên hạn chế internet.
Cuộc chính biến tại Myanmar đã dấy lên phản ứng lo ngại từ các nước phương Tây, trong đó có Mỹ. Chính quyền Washington đã đưa ra một số biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh cầm quyền của Myanmar.