Tác giả Nguyễn Khang Thịnh và mẹ, chị Nguyễn Thị Tâm - Ảnh: NGUYỄN THANH TÙNG
Điểm chung của hai gương mặt văn chương thế hệ Z là đều rất cá tính, khác biệt và sâu sắc trước tuổi.
Nguyễn Khang Thịnh là tác giả cuốn sách Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy đoạt giải Sách hay 2020 ở hạng mục thiếu nhi. Còn Cao Khải An là tác giả truyện ngắn Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm, đoạt giải nghệ thuật Dế mèn 2020.
Khang Thịnh sống ở Hà Nội, còn Khải An sống ở Cà Mau. Dù phong cách khác biệt, tác phẩm của Thịnh và An đều xoay quanh thế giới tuổi thơ mà hai cậu trải nghiệm và ao ước. Hai thiếu niên, đến từ hai vùng miền, là hai trong số những gương mặt thú vị của văn chương Việt thế hệ Z.
Nguyễn Khang Thịnh: Cá tính và "lập dị"
Nói về tác giả Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy, dịch giả Nguyễn Bích Lan nhận định: "Nguyễn Khang Thịnh chịu ảnh hưởng nhiều của người mẹ, chị Nguyễn Thị Tâm. Chị Tâm có trái tim rất đẹp, thông minh, chu đáo và có tầm nhìn xa".
Còn chị Nguyễn Thị Tâm nói với Tuổi Trẻ: "Tinh thần của người mẹ quyết định đứa con. Tôi thường nói với chồng và các con rằng nếu gia đình muốn hạnh phúc thì hãy chăm sóc cho người mẹ. Người mẹ chính là sợi dây kết nối và dẫn dắt mọi người".
Ngay từ nhỏ, Khang Thịnh luôn thể hiện là một cậu bé rất cá tính, khác biệt, có suy nghĩ sâu sắc và trưởng thành so với lứa tuổi, thậm chí từng được gọi là "lập dị". Sự khác biệt này vừa đến từ tố chất bẩm sinh của Thịnh, vừa là thành quả từ sự khuyến khích của người mẹ. Chị Tâm nói: "Tôi khuyến khích con nghĩ và làm khác đi so với lối mòn".
Nhiều người khen Thịnh viết được sách hay khi còn nhỏ tuổi, nhưng ít ai biết rằng cậu sáng tác Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy trong "hoàn cảnh khá u uất". Đó là khi Thịnh không hạnh phúc với việc học. Ngôi trường cũ có điều kiện vệ sinh tệ hại và các giáo viên không tôn trọng ý kiến học sinh, từng khiến Thịnh muốn nghỉ học để chuyển sang "homeschooling" (giáo dục tại gia).
Trong bối cảnh đó, Khang Thịnh tưởng tượng ra câu chuyện về nhóc Alvin để thể hiện ước mơ về một thế giới cậu mong muốn, một thế giới tưởng tượng ở nước Mỹ xa xôi. Trong thế giới ấy, trẻ con được sống đúng với lứa tuổi của mình, được thể hiện cá tính và khả năng sáng tạo, thậm chí nghịch ngợm quá đà nhưng được người lớn lắng nghe và tôn trọng.
Sau Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy, Khang Thịnh viết cuốn sách tiếng Anh mang tên The Ultimate Guide to Survival - The Wicked, Cruel Wild & School (Hướng dẫn sinh tồn sơ đẳng - Trường học xấu xa, tàn ác và man rợ), kể về những bí quyết "sinh tồn" trong trường học. Sách được mẹ cậu mô tả là "hài hước, sáng tạo về môi trường học đường".
Khang Thịnh có khả năng chiêm nghiệm về thế giới xung quanh mình do được rèn luyện tính vị tha từ tấm bé. Cả cậu và em gái Tâm Anh (nay 8 tuổi) đều làm thiện nguyện từ rất sớm. Khi Thịnh mới 5 tuổi, mẹ đưa cậu đến thăm các bệnh nhi ở Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Đông), cách nhà chỉ vài trăm mét.
Ở đó có nhiều bệnh nhi hiểm nghèo, hầu hết đều là các em bé ở quê, phải ở nhà một mình khi bố mẹ đi làm và gặp tai nạn thương tâm. Chị Tâm khuyến khích Thịnh chia sẻ với các bạn đồ chơi, quần áo, bánh kẹo và sữa. Chỉ cần "con thích gì, các bạn thích đó", không hề phân biệt đối xử. Thịnh vào từng phòng bệnh, từng giường bệnh chơi cùng các bạn như một hoạt động thường ngày.
Trong tác phẩm của mình, Khang Thịnh cũng hé lộ những điểm khác biệt giữa người lớn và trẻ nhỏ, những khoảng cách thế hệ khó dung hòa. Nhưng nhìn chung, cậu vẫn là một "teenager" biết cách hợp tác với mẹ. Khi có suy nghĩ khác biệt, hai mẹ con sẽ cùng nhau tìm cách dung hòa. Tác giả sách thế hệ Z cũng có những đặc điểm đúng lứa tuổi như tính cách trẻ con, ham chơi game, hay tranh luận với em gái.
Trò chuyện ngắn với tác giả Nguyễn Khang Thịnh về sở thích ngoài viết văn:
- Em thích xem gì trên YouTube, Reddit?
- Trên YouTube, em hay xem video âm nhạc, cờ vua và các trò chơi điện tử yêu thích. Trên Reddit thì em hay xem các meme (tranh ảnh chế) hài hước, gây cười để giải trí, những thứ mà nhiều người sẽ cho là nhảm nhí.
- Vì sao em muốn trở thành YouTuber?
- Hồi trước em định làm gamer (game thủ) nhưng đã từ bỏ ý định đó. Em thấy đó là một nghề mạo hiểm, chỉ để giải trí chứ không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.
- Em có sử dụng Facebook không?
- Em có tài khoản Facebook nhưng ít khi sử dụng và đã đặt lịch để xóa tài khoản rồi. Em có Zalo để liên hệ với bạn bè nên không cần Facebook nữa. Em cũng không muốn những hoạt động riêng tư của mình trên Facebook bị theo dõi, quan sát.
- Từ trước đến nay, khoản tiền lớn nhất Thịnh kiếm được là từ đâu?
- Khoản tiền lớn nhất của em là từ việc cộng tác cho các báo.
- Em viết văn, thế còn việc học văn ở trường như thế nào?
- Việc học văn ở trường em thấy cũng bình thường vì phải theo khuôn mẫu nên gò bó quá, không phát huy được suy nghĩ của mình.
- Gần đây, em đọc sách gì?
- Em đọc nhiều thể loại, trong đó có sách văn học. Gần đây, em đọc tiểu thuyết lãng mạn Tiếng chim hót trong bụi mận gai và tiểu thuyết Trăm năm cô đơn.
- Hiện nay, điều em hứng thú nhất là gì?
- Em vừa quyết định nghề nghiệp tương lai của mình là nghề luật sư, đồng thời em cũng muốn làm nhà văn. Em muốn làm luật sư vì khi chơi game luật sư phá án Ace Attorney, em thấy đây là một nghề rất thú vị để bảo vệ công lý. Luật sư ở trong tòa án, chứng tỏ xem họ giỏi đến mức nào trước những luận tội và chứng cứ tại phiên tòa.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư , nhà thơ Trần Đăng Khoa và tác giả Cao Khải An tại giải Dế mèn - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Cao Khải An: Thích những trang văn Nam Bộ
Nếu Nguyễn Khang Thịnh có người mẹ Nguyễn Thị Tâm đồng hành trong mọi hoạt động, khuyến khích con viết văn để giải tỏa u uất và phát huy sáng tạo, thì Cao Khải An cũng có một người mẹ đặc biệt.
Người mẹ ấy là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, tác giả của những trang văn được coi là "đặc sản Nam Bộ", đậm chất sông nước Cà Mau. Nguyễn Ngọc Tư nói đã thấy cậu con mình mê đắm nhiều thứ và chán sau một thời gian. Việc viết cũng mới khởi phát gần đây, và "bạn An" nếu không đam mê dài lâu thì cũng không sao.
"Viết là chơi thôi, không áp lực chi hết, mình còn nhiều thời gian phía trước" - chị kể thường nói vậy với con trai. Khi Khải An đoạt giải Dế mèn, giới chuyên môn cho rằng hành trình văn chương của cậu thiếu niên Nam Bộ đã chính thức bắt đầu, biết đâu cậu sẽ còn đi xa so với vùng đất nơi mình sinh ra.
Còn hiện tại, Khải An không tưởng tượng ra một không gian xa vời nào ngoài ngôi nhà, khu xóm của mình. Những câu chuyện sinh hoạt đời thường, qua con mắt và ngôn từ của cậu thiếu niên 12 tuổi trở nên sinh động và khác thường.
Đó là những tình huống oái oăm, hài hước và quen thuộc ở mọi khu xóm, ngôi làng: ông ngoại đánh trống phá giấc ngủ trưa của mọi người, ông ngoại đi nhậu bị bà ngoại xách chổi rượt "tới miệt Sa đặc", nhân vật cậu bé Bắp bị rết cắn sưng bắp chân nên… viết di chúc, ông dượng Đặt Đi với cái tên có một không hai cùng "tình ông cháu đứt đoạn" với Bắp, Bắp đi viện gặp "bác sĩ lấy máu con nít" và cả chuyện dở khóc dở cười: Bắp bị ói nên sợ mang bầu với con chó Sú…
Là cậu thiếu niên mới lớn, Khải An khá đặc biệt khi có sở thích chơi với người già, người lớn tuổi như ông bà ngoại, dì, dượng... chứ ít khi chơi cùng những đứa trẻ khác do trong xóm cũng ít trẻ em.
Ở tuổi thiếu niên, việc tác giả viết về các trải nghiệm sống quanh mình là điều dễ hiểu, nhưng qua góc nhìn trong vắt, đầy tưởng tượng và tính trào phúng rất riêng, những chuyện đời thường cũng có thể trở nên kỳ thú. Điều này khác với người lớn, khi họ vận dụng lý trí quá nhiều, mọi thứ trở nên đương nhiên, bình thường đến nhàm chán.
Người lớn khó có thể hóa thân vào trẻ con và viết những câu văn oái oăm về chuyện hai con cá chết trong truyện ngắn Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm: "Ngoại nói xong, Bắp mới nhớ ra ngày hôm qua nó thấy mấy con cá nó dơ dáy quá á.
Cá của người đẹp trai như nó thì cũng coi cho được, nên Bắp mới pha thêm mấy miếng sữa tắm cho tụi kia sạch sẽ. Vậy là mấy con cá là do con ám sát rồi. Ngoại ơi, dẫn con đi lại đồn cảnh sát đi ngoại!".
Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm không chỉ hài hước mà còn cho thấy tư duy hệ thống rất cần ở một nhà văn: tác giả vẽ nên một khu xóm nhỏ Nam Bộ với chân dung đậm nét của những đứa trẻ và các ông bà già, tạo được bầu không khí "tình làng nghĩa xóm" xen kẽ những mâu thuẫn tinh tế trong một cộng đồng nhỏ.
Bên cạnh truyện ngắn hơn 14.000 chữ này, Khải An đã sáng tác một vài truyện ngắn khác, dự định công bố trong thời gian tới.
"Sách là người bạn, người đồng hành. Sách khiến tôi cười, khóc và tìm thấy ý nghĩa cuộc sống" là lời nói của nhà văn Christopher Paolini, người nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết giả tưởng Eragon từ năm 15 tuổi, về sau được xây dựng thành bộ sách 4 tập Inheritance Cycle (Di sản thừa kế).
Paolini (sinh năm 1983) và những tác giả bắt đầu viết từ lứa tuổi thiếu niên khiến thế giới nhận ra bên trong tâm trí trẻ em là những kho tàng. Niềm đam mê ươm mầm từ gia đình, cộng với tố chất tự nhiên của mỗi đứa trẻ có thể tạo thành những tác phẩm đáng nhớ.
Và thế hệ Z, hay còn gọi là iGeneration - thế hệ Internet, là những đứa trẻ sinh ra đã sống chung với Internet, có khả năng tiếp cận vô biên với thông tin, kiến thức và có nhu cầu, điều kiện bộc lộ cá tính còn mạnh hơn trước đây.
Vì vậy, sẽ ngày càng có nhiều tác giả sách đến từ thế hệ này, và cả thế hệ sinh sau năm 2010 nữa.
Rất khó giải thích
Nói về cây bút trẻ Cao Khải An, nhà thơ Trần Đăng Khoa - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhận định:
"Tôi là thành viên ban giám khảo giải thưởng Dế mèn lần thứ nhất, đã đọc kỹ tập truyện Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm của Cao Khải An. Đó là một cuốn sách viết rất thông minh, đầy bất ngờ, đúng là một cuốn sách dành cho trẻ con, rất xứng đáng với giải thưởng Khát vọng Dế Mèn. Khải An viết rất hoạt. Đây là một cây viết rất có năng khiếu, có dấu hiệu của tài năng.
Tôi bất ngờ về cuốn sách của Khải An nhưng tôi không cho nó là điều bất ngờ. Bởi những tài năng thì thường rất khó giải thích bằng logic bình thường, không thể mang tư duy của những đứa trẻ bình thường khác để đo với những tài năng".
THIÊN ĐIỂU ghi
TTO - Tác giả Cao Khải An, 12 tuổi, con trai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, trở thành 1 trong 4 tác giả nhận giải thưởng Dế mèn lần thứ nhất, hạng mục Khát vọng Dế mèn, với bản thảo tập truyện 'Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm'.