Google đã phản đối một đạo luật được đề xuất nhằm buộc công ty này và Facebook phải trả tiền cho các hãng tin của Australia. "Tối hậu thư" của Google gửi đến các nhà lập pháp của nước này đã để lại một khoảng trống đối với mạng kỹ thuật số. Trong khi đó, Google chiếm tới 95% lượng tìm kiếm trên Internet tại Australia.
Hậu quả tiềm ẩn từ sự mâu thuẫn này thậm chí còn vượt xa bên ngoài Australia đối với Alphabet, khi công ty này từ lâu đã trở thành mục tiêu của các cơ quan giám sát trên toàn thế giới. Nếu rút khỏi Australia, những rủi ro về đạo luật về việc trả tiền cho các nội dung tin tức sẽ trở thành khuôn mẫu cho khu vực pháp lý bao gồm Canada và EU.
Tuy nhiên, việc Google không còn hoạt động tại Australia sẽ mang lại cơ hội cho các đối thủ bao gồm Bing và DuckDuckGo – những công ty đã thất bại trong việc cạnh tranh với công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới. Các đối thủ cạnh tranh của Google sẽ có nhiều "đất" hơn để phát triển, cũng như có chỗ đứng trên toàn cầu.
Patrick Smith – sinh viên ngành kỹ thuật phần mềm, là một điển hình cho sự phụ thuộc vào Google của người dân Australia. Chàng trai 24 tuổi đến từ Canberra cho biết có thời điểm anh sử dụng tới 400 lượt tìm kiếm trên Goole mỗi ngày để hỗ trợ cho việc học tập, cập nhật tin tức và tìm công thức nấu ăn. Smith nói rằng trình duyệt của anh trong ngày hôm đó có tới 150 lượt tìm kiếm trong khoảng 5 giờ. Smith chia sẻ: "Viễn cảnh không còn Google thực sự rất đáng sợ."
Từ khóa "bãi biển đẹp nhất Sydney" cho thấy sự khác biệt về hiệu quả tìm kiếm giữa Google với các đối thủ. Kết quả đầu tiên của DuckDuckGo là quảng cáo cho một khách sạn cách đó hơn 1.000 km ở Queensland, với đánh giá về các bãi biển của Sydney hiện ra ở bên dưới liên kết quảng cáo thứ 2. Trong khi đó, kết quả đầu tiên của Big là Bưu điện Bondi Beach. Chỉ Google có đề xuất đầu tiên về bãi biển Bondi.
Đạo luật đầu tiên này được Quốc hội Australia xem xét bắt đầu từ ngày 15/2, sau khi một ủy ban của Thượng viện cho biết hôm thứ Sáu tuần trước rằng dự luật sẽ được thông qua. Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg cho biết trong một tuyên bố ủng hộ thông tin từ Thượng viện: "Chính phủ kỳ vọng tất cả các bên tiếp tục hợp tác để đạt được các thỏa thuận thương mại."
Chính phủ Australia cho biết, doanh thu của ngành truyền thông địa phương – bao gồm News Corp. của Rupert Murdoch và Sydney Morning Herald của Nine Entertainment Co., đã chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi các nội dung quảng cáo của những gã khổng lồ công nghệ. Do đó, những công ty này nên trả tiền để lấy nội dung của các hãng tin.
Google lập luận rằng họ đã thúc đẩy lưu lượng truy cập đến các trang web của các hãng tin và việc phải trả tiền để hiển thị tin tức đã phá vỡ nguyên tắc của một mạng lưới internet mở. Công ty này cũng phản đối mức phạt về việc họ sẽ phải trả bao nhiêu tiền cho các hãng tin. Trong khi đó, Facebook cho biết họ có thể không cho phép người dân Australia chia sẻ tin tức trên nền tảng của mình nếu dự luật được ban hành.
Toàn bộ sản lượng của nền kinh tế Australia thậm chí còn thấp hơn vốn hóa 1,4 nghìn tỷ USD của Alphabet. Do đó, có thể khá bất ngờ khi việc thị trường nhỏ của nước này lại quan trọng với Google đến vậy. Tuy nhiên, những gã khổng lồ internet rất muốn trách việc Australia đặt tiền lệ cho các quy định mới. Gần đây, CEO của Alphabet – Sundar Pichai, và ông chủ Facebook Markzuckerberg đã đích thân liên hệ với Thủ tướng Australia Scott Morrison và các bộ trưởng.
Nhận thấy đây chính là cơ hội, chủ tịch Microsoft Brad Smith và CEO Satya Nadella cũng liên hệ với nguyên thủ quốc gia nước này. Smith đã có cuộc trò chuyện với Thủ tướng Scott, ông cho biết Microsoft sẽ đầu tư để đảm bảo Bing sẽ "sánh ngang" với các đối thủ. Thứ Năm tuần trước, Smith cũng viết trong một bài đăng trên blog rằng Mỹ nên áp dụng dự luật tương tự như Australia.
Trong khi đó, DuckDuckGo cho biết họ không theo dõi người dùng và cũng đang nỗ lực tận dụng cơ hội. Công ty này cho biết trong 1 email: "Nhu cầu về quyền riêng tư ngày càng tăng và người dân Australia không cần phải chờ đợi việc chính phủ thông qua dự luật để ngừng sử dụng Google."
Các giải pháp phi lợi nhuận thay thế cũng đã được đề xuất. Trong tháng này, đảng Green yêu cầu chính phủ xem xét thiết lập một công cụ tìm kiếm thuộc sở hữu công, thay vì để Microsoft "tiến tới". Thượng nghị sĩ Sarah Hanson-Young cho biết: "Chúng ta không nên để một công ty nước ngoài khác lấp đầy chỗ trống."
Có thể thấy, Australia sẽ không phải là quốc gia đầu tiên trên thế giới không sử dụng Google. Tại Trung Quốc, Baidu là công cụ tìm kiếm hàng đầu. Tuy nhiên, Australia sẽ là một quốc gia phương Tây nổi bật về việc chặn Google và sự ra đi của công ty này có thể khiến Australia thụt lùi nhiều năm về khả năng tiếp cận thông tin nhanh chóng.
Với 2 thập kỷ nghiên cứu, lưu trữ dữ liệu và xử lý ước tính khoảng 5,5 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày, Google được cho là có "sức mạnh vô song" trong việc điều chỉnh kết quả để phù hợp với mỗi cá nhân. Do đó, Daniel Angus – giáo sư dự bị tại Đại học Công nghệ Queensland, nhận định rằng Bing sẽ không thể cạnh tranh với Google và người dân Australia sẽ phải học lại cách sử dụng công cụ tìm kiếm.
Một số người lớn tuổi tại Australia từng sống trong một thế giới "trước Google" lại không quá quan tâm về vấn đề này. Gino Porro (58 tuổi) hiện là chủ một quán bar và nhà hàng tại Sydney. Ông chỉ sử dụng Google và không biết đến những trang tìm kiếm khác. Tuy nhiên, ông cho biết: "Dịch vụ khách hàng mới là quan trọng, không phải Google."
Nhưng quay trở lại Canberra, Smith – sinh viên thường xuyên sử dụng Google, lại thấy không thoải mái về khả năng Google ngừng hoạt động tại Australia và không biết việc thay thế sẽ hiệu quả đến đâu. Anh nói: "Tôi thực sự cảm thấy cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều."