Hàng chục ngàn người biểu tình tiếp tục tràn xuống đường biểu tình tại các thành phố lớn ở Myanmar trong ngày 17-2, bất chấp lời cảnh báo từ một chuyên gia của Liên Hợp Quốc (LHQ) về tình trạng bạo lực quy mô lớn chưa từng có có thể xảy ra ở quốc gia Đông Nam Á này, kênh tin Channel News Asia cho hay.
Đây được coi là một trong những ngày biểu tình lớn nhất ở Myanmar sau cuộc chính biến do quân đội tiến hành hôm 1-2.
Ở cố đô Yangon - TP lớn nhất Myanmar, người biểu tình giương cao các biểu ngữ đòi thả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Nhiều người giả vờ gặp sự cố xe và để lại những chiếc ô tô nối thành hàng dài, ngăn lực lượng an ninh tiếp cận đoàn người biểu tình.
Một người lái ô tô mỉa mai rằng xe của anh ta hỏng “do sự đau khổ mà nhân dân chúng tôi (ở Myanmar) đang phải hứng chịu” sau ngày 1-2.
Người biểu tình tại TP Yangon (Myanmar) giơ cao các biểu ngữ đòi thả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: AFP
Các cuộc biểu tình lớn cũng diễn ra ở Mandalay - TP lớn thứ hai đất nước - cũng như thủ đô Naypyidaw, bất chấp lệnh cấm tụ tập quá năm người để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Trước đó một ngày, hôm 16-2, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Myanmar, ông Tom Andrews báo động về việc quân đội Myanmar chuyển quân vào Yangon. Ông Andrews lo ngại động thái này của chính quyền quân sự có thể dẫn tới tình trạng bắt bớ và giết người biểu tình hàng loạt.
Ông Andrews nói rằng việc triển khai quân đội, trong bối cảnh các cuộc biểu tình quy mô lớn đã được lên kế hoạch, có thể dẫn tới việc quân đội phạm tối ác lớn đối với người dân Myanmar, ám chỉ việc đàn áp dã man người biểu tình.
Ngày 1-2, bà Suu Kyi và Tổng thống dân sự Win Myint bất ngờ bị quân đội Myanmar bắt giữ sau thời gian dài các lực lượng được quân đội hậu thuẫn cáo buộc chính quyền Naypyidaw làm ngơ các cáo buộc gian lận bầu cử.
Nhiều người dân Myanmar phẫn nộ và sợ hãi trước động thái mà họ cho là quân đội đã đảo chính. Nhiều người tin rằng kết quả đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11 năm ngoái là hoàn toàn công bằng.
Trong khi đó, quân đội Myanmar tuyên bố chính quyền quân sự sẽ nỗ lực thúc đẩy nền dân chủ, tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng sau khi lệnh tình trạng khẩn cấp (có hiệu lực một năm) kết thúc.
Bà Suu Kyi và ông Win Myint đang bị chính quyền quân sự truy tố với các cáo buộc nhập khẩu trang bị liên lạc trái phép và vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19.
Ngày 14-2, truyền thông Myanmar cho biết quân đội đã điều xe bọc thép vào các TP Yangon, Myitkyina và Sittwe. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 1-2 quân đội Myanmar điều lực lượng thiết giáp vào các khu vực đông cư đông đúc như vậy.
Tuy nhiên, cho đến ngày 17-2, chưa có thông tin nào về vụ đụng độ lớn nào giữa người biểu tình và lực lượng quân sự Myanmar. Dù vậy, một số cư dân tại Mandalay đã nghe thấy tiếng súng nổ vào hơn 8 giờ tối, khi giờ giới nghiêm đã bắt đầu.
Tuần trước, một số tiếng súng tương tự cũng được báo cáo nhưng có vẻ lực lượng an ninh chỉ muốn đe dọa, hơn là để tấn công người biểu tình. Trong khi đó, vòi rồng, đạn cao su và gậy đã được sử dụng trong quá trình lực lượng an ninh Myanmar đối phó với người biểu tình.