Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép Trung Quốc lên án cuộc chính biến hôm 1-2 ở Myanmar, khi Bắc Kinh cố gắng tránh xa tình trạng hỗn loạn tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trung Quốc nên đóng vai trò mang tính xây dựng ở Myanmar
Theo báo South China Morning Post (SCMP), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 17-2 nói rằng Trung Quốc nên đóng vai trò mang tính xây dựng ở Myanmar, nơi đang trải qua những gì ông mô tả là cuộc tấn công vào quá trình chuyển đổi dân chủ.
Những người biểu tình xuống đường phản đối cuộc chính biến tại TP Yangon, Myanmar hôm 17-2. Ảnh: REUTERS/Stringer
“Khi nói tới Trung Quốc, chúng tôi nói rõ chúng tôi muốn thấy Trung Quốc đóng vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề này. Và đó là thông điệp chúng tôi muốn gửi vừa công khai vừa riêng tư tới Bắc Kinh, và đó là thông điệp chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đi cho tới khi Trung Quốc dứt khoát lên án cuộc chính biến này” – ông Price nói.
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tuyên bố trên khi Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Chen Hai bác thông tin Bắc Kinh đang hỗ trợ cuộc chính biến quân sự ở nước này. Trước đó vài ngày, hàng trăm người ủng hộ dân chủ biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc.
Ông Chen nói rằng Bắc Kinh không biết trước cuộc chính biến, khẳng định những tin đồn nước này đang giúp quân đội Myanmar lập tường lửa để ngăn người biểu tình hoạt động trên mạng là “nực cười”.
“Chúng tôi có mối quan hệ thân thiện với đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) lẫn quân đội Myanmar. Tình hình hiện tại hoàn toàn không phải những gì Trung Quốc muốn thấy” – ông Chen nói.
Hôm 1-2, quân đội Myanmar vô hiệu hóa kết quả bầu cử của nước này hồi tháng 11-2020 với chiến thắng lớn thuộc về đảng NLD, cáo buộc cuộc bầu cử có gian lận. Quân đội bắt các quan chức chủ chốt, bao gồm nhà lãnh đạo trên thực tế Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint và họ bị quản thúc tại gia. Quân đội Myanmar còn tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm.
Trong khi cộng đồng quốc tế nhanh chóng lên án cuộc chính biến, Trung Quốc và Nga đã dùng quyền phủ quyết của mình với tư cách là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để chặn tuyên bố chung lên án chính quyền quân sự.
Hôm 16-2, luật sư của bà Suu Kyi cho biết bà chịu thêm cáo buộc mới, đó là vi phạm các quy định về phòng chống dịch COVID-19. Trước đó, bà Suu Kyi đối mặt tội danh sở hữu thiết bị điện tử phi pháp.
“Tôi cho rằng công bằng mà nói chúng tôi bị xáo trộn trước những báo cáo nói quân đội đã buộc tội Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi về các hành vi phạm tội bổ sung” – ông Price nói.
“Việc quân đội nắm quyền là một cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi dân chủ và pháp quyền của Myanmar. Chúng tôi mong rằng nhiều đối tác cùng chí hướng với chúng tôi và đồng minh của chúng tôi trên khắp thế giới cùng chúng tôi lên án hành động phản dân chủ, cuộc chính biến này” – ông Price nhấn mạnh.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stéphane Dujarric cho hay bất kỳ tội danh mới nào chống lại bà Suu Kyi sẽ không thay đổi sự lên án kiên quyết của Liên Hợp Quốc đối với việc quân đội đảo lộn ý chí dân chủ của người dân và bắt các nhà lãnh đạo chính trị, nhà hoạt động và người biểu tình ôn hòa.
“Chúng tôi kêu gọi hủy bỏ những tội danh chống lại bà Suu Kyi để bà ấy được tự do” – ông Dujarric nói.
Đình công lan rộng, quân đội Myanmar truy nã sáu người nổi tiếng
Quân đội Myanmar đã ra lệnh bắt giữ đối với sáu người nổi tiếng vì khuyến khích các buộc đình công làm tê liệt nhiều văn phòng chính quyền trong các cuộc biểu tình phản đối chính biến. Tổng số người bị bắt tính đến nay là gần 500 người, theo kênh Channel News Asia.
Binh sĩ làm nhiệm vụ trong cuộc biểu tình ở TP Mandalay, Myanmar hôm 15-2. Ảnh: REUTERS
Cuối ngày 17-2, lực lượng an ninh đã nổ súng tại TP Mandalay lớn thứ hai của Myanmar khi họ đối mặt những công nhân đường sắt, những người chặn các đoàn tàu đang chạy như một phần của phong trào bất tuân dân sự.
Người dân cho biết có một người bị thương.
Hàng trăm người dân đã xuống đường ở khắp Myanmar hôm 17-2 để phản đối cuộc chính biến hôm 1-2 và việc cố vấn nhà nước Suu Kyi bị bắt giữ.
Quân đội Myanmar tối 17-2 thông báo sáu người nổi tiếng nước này, bao gồm các đạo diễn phim, diễn viên và một ca sĩ bị truy nã theo luật chống kích động vì khuyến khích công chức tham gia biểu tình. Những người này có nguy cơ đối mặt hai năm tù.
Bất chấp quân đội kêu gọi công chức quay lại làm việc và đe dọa hành động nếu họ không tuân thủ, vẫn không có dấu hiệu cho thấy cuộc đình công sẽ lắng xuống.