Giá tiền ảo phổ biến nhất thế giới tăng vọt trong vài tháng qua và liên tiếp lập kỷ lục. Hiện tại, mỗi đồng giao dịch quanh 52.000 USD, sau khi lập đỉnh 52.600 USD hôm qua.
Anthony Pompliano - đồng sáng lập Morgan Creek Digital Assets cho rằng Bitcoin có thể chạm mốc 500.000 USD cuối thập kỷ này. Thậm chí, nó có thể lên tới 1 triệu USD vào thời điểm nào đó trong tương lai.
"Tôi cho rằng Bitcoin cuối cùng sẽ trở thành tiền tệ dự trữ toàn cầu. Vốn hóa của nó sẽ lớn hơn nhiều lần so với vàng", ông dự báo trên CNBC.
Có rất nhiều nguyên nhân đằng sau đợt tăng giá gần đây của Bitcoin. Một là sự tham gia ngày càng nhiều của nhà đầu tư bán lẻ và tổ chức. Bên cạnh đó, các công ty lớn cũng đang tham gia cuộc chơi tiền số.
Hãng thanh toán Square mua Bitcoin từ năm ngoái. Hãng xe điện Tesla tháng này cũng thông báo mua 1,5 tỷ USD Bitcoin. Cả CEO Tesla Elon Musk và nhà sáng lập Square Jack Dorsey đều là những người ủng hộ tiền số này. Các tổ chức tài chính như BNY Mellon và Mastercard cũng đã nhập cuộc.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương toàn cầu đang nới lỏng tiền tệ, như hạ lãi suất và tăng mua tài sản thông qua chương trình nới lỏng định lượng, để xoa dịu tác động kinh tế của đại dịch. "Hàng nghìn tỷ USD đã được in ra và bơm vào nền kinh tế. Tất cả mọi người, từ các cá nhân đến tổ chức tài chính và doanh nghiệp trên khắp thế giới đang tìm cách tốt nhất để bảo vệ sức mua của mình. Nhiều người đã chọn Bitcoin", Pompliano giải thích.
Dự báo Bitcoin có thể chạm mốc 1 triệu USD được đưa ra dựa trên vài yếu tố, trong đó có số lượng giới hạn tại 21 triệu đồng, cũng như bản chất phi tập trung của công nghệ này. Bitcoin không bị kiểm soát bởi một cơ quan nào, như ngân hàng trung ương.
Thay vào đó, mạng lưới Bitcoin được tạo ra từ các thợ đào. Những người này sử dụng các máy tính chuyên dụng để đào Bitcoin. Và vì có rất nhiều thợ đào khác nhau, không ai kiểm soát được mạng lưới này. Bên cạnh đó, vì hệ thống máy tính họ sử dụng cũng rất mạnh, những người ủng hộ Bitcoin khẳng định đây là một trong những mạng lưới mạnh nhất thế giới.
"Khi ngày càng nhiều người tham gia thị trường này, thanh khoản sẽ càng lớn. Thanh khoản càng lớn thì sẽ càng có nhiều ứng dụng. Khi càng được ứng dụng rộng rãi, biến động giá sẽ giảm. Đó là sự tiến hóa", Pompliano nói, "Bitcoin sẽ trở thành tiền tệ dự trữ của thế hệ Internet".
Tháng trước, JPMorgan cũng nhận định để có thể cạnh tranh với vàng, trên lý thuyết, mục tiêu giá dài hạn của Bitcoin sẽ phải là 146.000 USD. Vàng từ lâu đã được coi là "công cụ trú ẩn", được nhà đầu tư đổ xô mua trong thời kỳ biến động chính trị hoặc tài chính. Bitcoin giờ cũng bắt đầu được coi như vậy.
"Bitcoin đang cạnh tranh với vàng truyền thống. Bitcoin là một dạng vàng số", Nikolaos Panigirtzoglou – chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan cho biết trên CNBC.
Ông nói rằng giá trị của vàng được nắm giữ bởi khu vực tư nhân hiện vào khoảng 2.700 tỷ USD. Để đạt mức vốn hóa này, giá Bitcoin sẽ phải lên 146.000 USD.
Tuy nhiên, quá trình này có rất nhiều rào cản. Lớn nhất là biến động giá của Bitcoin. Tiền số này nổi tiếng có mức biến động cao. Panigirtzoglou cho biết Bitcoin "biến động gấp 5 lần vàng".
Ông nói rằng chìa khóa để thu hẹp khoảng cách biến động của Bitcoin và vàng là sự chấp nhận của các tổ chức. "Tốc độ chấp nhận càng nhanh, khoảng cách sẽ càng hẹp lại", ông cho biết.
Còn nếu so với đôla Mỹ, Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard cũng khẳng định Bitcoin không phải là mối đe dọa đáng lưu tâm đối với vai trò tiền tệ dự trữ của đồng bạc xanh. "Với chính sách của Fed, toàn cầu vẫn sẽ là một nền kinh tế đôla. Dù giá vàng tăng hay giảm, giá Bitcoin giảm hay tăng cũng không ảnh hưởng", ông nói, "Đôla cũng có thể giao dịch điện tử được mà".
Bên cạnh đó, đà tăng hiện tại của Bitcoin cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dù được thúc đẩy bởi nhà đầu tư tổ chức, sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường này vẫn rất cao.
"Rủi ro lớn nhất là dòng vốn chảy vào suốt những tháng qua chậm lại", Panigirtzoglou nói, "Đặc biệt khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, mọi người quay lại công sở, có ít thời gian ngồi nhà giao dịch hơn. Và vì thế, dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân cũng sẽ chậm lại".
Hà Thu (theo CNBC)