Sinh viên Nguyễn Kỳ Nam - khoa sáng tác âm nhạc Đại học Texas Tech (Mỹ) - Ảnh: NVCC
Cửu Long, những nhánh sông rộng lượng nuôi dưỡng vạn vật đang dần bị kiệt dòng. Thế nên, tôi viết tác phẩm này...
Sinh viên NGUYỄN KỲ NAM
Tốt nghiệp phổ thông, tôi gợi ý con thi vào y khoa vì cảm nhận con đường nghệ thuật quá mênh mông. Con gái quyết liệt: "Con đã trót yêu âm nhạc rồi!". Tôi lặng người trước sự lựa chọn. Con dự tuyển và được một trường đại học Mỹ cấp học bổng...
Bữa cơm mẹ cúng tổ tiên ngày tôi đậu đại học 40 năm trước như quay lại. Mẹ tôi không giấu được niềm tự hào vì ở cái huyện heo hút miền biển, tôi là một trong số ít học sinh trúng tuyển vào đại học.
Mẹ cười rạng rỡ, dường như bao cực nhọc, đau buồn dằng dặc cuộc đời bà bay biến. Tôi nhớ lúc ấy là tháng 9. Trời mưa dầm, bếp tắt, củi ướt. Mẹ tôi lui cui bên chái bếp với cụm ông Táo nặn bằng đất sét, cái sóng chén bằng tre đựng chén đĩa, nồi niêu xoong chảo, bộ ngựa, phía trong cùng là những ôm lá khô, vỏ dừa, miểng gáo, mo nang, bẹ dừa...
Chái bếp đen đặc mồ hóng vì khói của rơm rạ, lá khô, củi mục bám lưu niên. Mẹ vật lộn với những miếng vỏ dừa còn ngậm nước bướng bỉnh không chịu cháy. Nấu được bữa cơm, mặt mũi mẹ và tôi lấm lem, nhòe nhoẹt nước mắt cay xè. Vậy mà mâm cơm cúng tổ tiên vẫn gọn gàng, tươm tất.
Mẹ tôi lâm râm khấn vái: "Người ta là hoa đất. Tôi tên là... đã sinh ra... Gần hai mươi năm nhờ đất, nhờ nước, nhờ trời, nhờ ông bà tổ tiên phù hộ mà con tôi lớn lên khỏe mạnh. Nay con tôi đi xa, mong học khôn dại xứ người, mở mày mở mặt. Xin ĐẤT - NƯỚC - TRỜI nơi chôn nhau cắt rốn phù hộ cho nó...". Giọng mẹ tôi nghẹn đi.
Từ rơm rạ đồng bằng, tôi bay đến những chân trời khát vọng. Đứa con gái bé nhỏ ngày nào vượt khỏi tầm tay của người mẹ quê kiểng khi tôi rẽ ngang nghề kỹ sư nông nghiệp, lập thân bằng văn chương. Mẹ tôi nuốt nước mắt nhìn con gái chọn lựa lối đi khó và hẹp cho mình, chọn lựa cả số phận đầy thử thách. Và giờ đây là con gái tôi. Số phận lập lại chăng?
Mang Việt Nam vào giảng đường nước Mỹ
Thấm thoát mấy năm, con gái lại được nhận học bổng thạc sĩ ngành sáng tác âm nhạc. Con nghẹn ngào kể: "Mẹ biết không, khi con được nhà trường trao giải thưởng cho một sáng tác viết bằng ngôn ngữ của nước mình, khi khán phòng cất lên tiếng hát "A li hò lờ", con đã rơi nước mắt.
Con xúc động khi mang được chiếc áo dài Việt Nam và điệu hò "A li hò lờ" của Đồng bằng sông Cửu Long vào giảng đường nước Mỹ".
Nhìn chàng sinh viên Mỹ hát tiếng Việt "Đưa người ta không đưa qua sông..." - một sáng tác âm nhạc của con gái khi phổ bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm; nghe một cô gái Mỹ hát, chàng trai Romania đệm đàn, cô gái Nga thổi sáo "she come back from the war" - một sáng tác con phổ bài thơ Hai đời làm mẹ của mẹ mình viết về số phận người phụ nữ trở về sau cuộc chiến tranh, tôi không ngăn được nước mắt.
Con đang trưởng thành nơi đất khách, và trưởng thành chính bằng những yêu thương của quê hương.
Khi ở Chicago, học bậc đại học, có dịp là con gái biểu diễn những tác phẩm âm nhạc viết cho piano của giáo sư Hoàng Cương như Vũ điệu Tây Bắc, Múa nàng trúc xinh. Biểu diễn những tác phẩm mang bản sắc dân tộc, con chọn trang phục áo dài.
Từ Chicago, con gọi về: "Mẹ biết không, con mặc áo dài, mọi người thích lắm. Con rất xúc động khi được mọi người vỗ tay cổ động. Điều con vui nhất là giáo sư âm nhạc của con xin bản nhạc Múa nàng trúc xinh của giáo sư Hoàng Cương để dạy cho các sinh viên âm nhạc của trường!
Vậy là bước đầu con đã làm được cầu nối đưa âm nhạc Việt Nam sang Mỹ. Khi con biểu diễn tác phẩm này, khán giả rất thích, vì nó có gì đó rất Việt Nam, rất châu Á mẹ à!".
Tôi hình dung ra con gái mong manh, bé nhỏ trong chiếc áo dài màu thiên thanh, bên cây đàn Grand, xung quanh là những người Mỹ và các sinh viên quốc tế. Tà áo dài, tiết tấu réo rắt, luyến láy, duyên dáng của nàng trúc xinh vang lên ở một góc trời xa lạ bên kia Trái đất - những âm thanh, sắc màu, đường nét để đất nước Việt Nam hiện diện và tồn tại, dù chỉ là những nét chấm phá, bé nhỏ, mong manh cũng đủ làm cho trái tim người mẹ ấm áp.
Trong những cuộc trò chuyện qua mạng, con tâm sự: "Việt Nam không thiếu những tài năng âm nhạc nhưng để hiểu sự phong phú của âm nhạc Việt Nam thì thế giới ít có cơ hội tiếp cận, trong khi môn âm nhạc Trung Quốc có rất nhiều trong khoa nhạc các trường đại học nước Mỹ. Để nghiên cứu các công trình âm nhạc của giáo sư Trần Văn Khê, con phải đọc qua nguyên bản tiếng Pháp.
Có điều kiện ra nước ngoài, làm được điều gì để mọi người biết đến âm nhạc Việt Nam là con làm. Cũng như để mọi người hiểu Việt Nam, con cố gắng học thật tốt, viết những tác phẩm về đất nước, mặc áo dài mỗi khi có dịp, nấu những món ăn quê nhà...".
Bão lũ miền Trung, hạn mặn miền Tây có từ lâu đời, nhưng càng lúc càng khốc liệt con à. Tuổi thơ mẹ đã từng chứng kiến niềm mong đợi nước. Mẹ đã từng kể con nghe chuyện cầu mưa ở làng quê mà mẹ đã từng chứng kiến.
Buổi sáng hôm đó, đoàn người xếp thành hàng dài đi diễu qua con đường làng. Dẫn đầu đoàn cầu mưa là đội lân. Trống đánh thùng thùng. Ông Địa múa may.
Không khí náo nhiệt. Đoàn người vừa đi vừa cầm mái chèo tượng trưng (có cả chèo thật, hoặc gậy tre, tầm vông, cây lau, sậy... hoặc bất cứ khúc cây nào nhặt được) bơi trong không khí, vừa kéo dài giọng hát: "Lạy trời mưa xuống/ Cho dân làm ruộng/ Lúa đổ đầy kho/ Dân ăn cho no/ Dân chèo cho mạnh...".
Cứ mỗi đằng sau câu đồng dao, đoàn người đồng thanh hò lên phụ họa: "bơi, bơi", đồng thời hàng trăm cánh tay cầm hàng trăm mái chèo tượng trưng bơi loạn xạ trong không khí. Một bà lão trong bộ quần áo màu nâu, tay cầm cây roi đầy vẻ uy quyền dứ vào mông ông Địa, làm bộ quắc mắt hỏi: "Chừng nào mưa, chừng nào mưa?".
Hàng trăm đôi mắt của những con người khát mưa đổ dồn về phía ông Địa trông đợi và hi vọng, thể như chính ông Địa là người có quyền năng làm ra mưa. Cho đến giờ, bài đồng dao ấy vẫn còn ong ong, nhức nhối trong đầu mẹ. Tập tục đi bơi cầu mưa đã trở thành huyền thoại, lùi vào cát bụi thời gian nhưng hạn mặn đồng bằng đang ngày càng khô khát.
Ngày con ra đời, cách đây 24 năm, mẹ đã viết vào nhật ký: "Con đang sống trong một thời kỳ mà một thiên tai khủng khiếp có thể xảy ra vào khoảng giữa thế kỷ 21: Mực nước biển dâng sẽ làm Đồng bằng sông Cửu Long teo tóp dần và biến mất trong 150 năm, xóa đi lịch sử bồi tích kéo dài 6.000 năm trước đó.
Chàng Thủy Tinh hung hãn lần này mang đến vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long sức tàn phá ghê gớm. Chưa kể đến tài nguyên sông Mekong bị khai thác bằng những con đập chắn từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan...
Khi về đến Việt Nam, lượng nước Mekong giảm dần, cùng với quá trình biển dâng, sẽ nhấn chìm đồng bằng thân yêu trong biển mặn. Nước, tiếng gọi nước ngọt lúc ấy sẽ dội vào đâu giữa tứ bề xôn xao sóng vỗ.
Mẹ nói ra điều này có lẽ còn quá sớm và mẹ quá đa cảm trước những dự cảm lớn lao và viển vông. Nhưng con yêu, từ cuối thế kỷ 20, chuyên ngành dự báo thiên tai đã gióng lên một hồi chuông thống thiết về thiên tai khủng khiếp ấy.
Mẹ quá bé nhỏ, con càng bé nhỏ mong manh. Nhưng tiền đồ của con thuộc về thế kỷ 21. Nói ra những điều xem chừng như lớn lao và viển vông này ngày con chào đời thật không vui.
Nhưng mẹ cảm thấy cần thiết để chia sẻ cùng con dự cảm ấy, để lớn lên, dù không làm gì được để góp phần ngăn chặn một thiên tai khủng khiếp thì con cũng có được sự đa cảm, băn khoăn lo lắng để cùng chia sẻ với đồng bào nỗi lo, bài toán khó giải đáp cho thế kỷ mà con sẽ sống...".
Và 24 năm sau, phải chăng vì thấm chuyện cổ tích cầu mưa đất Cửu Long, thấu cảm những đồng tiền mẹ chắt chiu cho con từ "dừa treo lúa lép" quê nhà, thấm thía những ngày giam mình trong nhà vì con Covy biến ảo mà con đã chọn đề tài nước Cửu Long viết giao hưởng tốt nghiệp thạc sĩ âm nhạc. Con đã gửi cho mẹ những dòng đề dẫn từ nước Mỹ:
"Tôi viết giao hưởng này để tặng cho dòng sông Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long quê tôi
Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, sông Mekong chảy qua Tây Tạng, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và đến biển qua Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Ở đồng bằng này, dòng sông chia ra chín nhánh, còn được người Việt tôn kính gọi là Cửu Long.
Nhiều thế kỷ trước, khi Đồng bằng sông Cửu Long còn là một khu rừng hoang dại, tối tăm, những lưu dân từ phía Bắc và Trung Việt Nam cùng một số từ những vùng đất khác tới đây khai khẩn, chiến đấu với cá sấu cùng cọp dữ, vùng vẫy trên lòng Mekong để sống và học cách hòa hợp nhiều nền văn hóa khác nhau.
Cửu Long cho họ sự thịnh vượng và tự do, những điều mà cuộc đời cũ của họ không có được. Qua thời gian, đồng bằng nổi danh với lúa gạo, trái cây và những con người khoan dung, hảo hớn.
Nhưng trong những thập kỷ gần đây, dòng Cửu Long hứng chịu những cơn hạn hán và xâm nhập mặn vì biến đổi khí hậu và những đập thủy điện thượng nguồn. Lúa và trái cây chết rụi, còn người dân thì bỏ xứ ra đi. Tôi thắt lòng khi thấy quá khứ huy hoàng của đồng bằng dường như phai đi vì nỗi cơ cực hiện tại nặng dần.
Tiếng đàn tranh và clarinet du dương mở đầu Cửu Long với một đoạn trích từ Tứ Đại Oán, một trong những bài bản của Đờn ca tài tử. Điệu Oán sau đó trở thành chất liệu diễn tả nỗi ghê rợn của khu rừng ban sơ, nơi thú dữ rình rập mọi phía, giống như câu ca dao: "Tới đây xứ sở lạ lùng/ Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng ghê".
Sau nỗi kinh sợ đó là tiết tấu sống động của bài Lý ngựa ô của đồng bằng Nam Bộ, diễn tả sự hăng say của một chú rể khi chuẩn bị một con ngựa ô khỏe mạnh để rước cô dâu của mình về nhà.
Tinh thần của bản dân ca hòa quyện với dòng nước êm đềm của dòng Cửu Long. Sau cao trào, những phần nhạc trước quay về theo trình tự đảo ngược, cân xứng để tái hiện lịch sử hào hùng của ông bà đi khai mở đất với dũng khí cùng sự lạc quan, dòng chảy mãnh liệt rộng lượng của Cửu Long.
Cuối cùng, bản giao hưởng dẫn về âm thanh cô đơn của đàn tranh và clarinet khi chơi lại trích đoạn của Tứ Đại Oán như lời than cho thực tại đau lòng của sông Cửu Long, khi những nhánh sông mẹ nuôi dưỡng vạn vật lại đang bị kiệt dòng...".
Con người ngày càng trở nên bất an, yếu đuối, mong manh. Vâng, cả mẹ con tôi đều là những người phụ nữ yếu đuối, thuộc số đông thầm lặng.
Chúng ta không đủ sức mạnh để ngăn chặn một thiên tai khủng khiếp từ thảm họa môi trường do biến đổi khí hậu, do lòng tham con người và chiến tranh hủy diệt từ nhiều nguồn. Nhưng dẫu sao chúng ta cũng còn có được sự thấu cảm, bởi đôi khi để giải một bài toán khó cũng cần đến sự thấu cảm của trái tim...
Ảnh: TỰ TRUNG
Con đi du học giữa những ngày hạn mặn, đồng khô nứt nẻ, rơm rạ khô kiệt, không đủ cho bò gặm. Trên những trang báo quê nhà, những hình ảnh sông Cửu Long khát nước cứa vào trái tim con.
Và mẹ nữa, người đàn bà kiếm tiền nuôi con ăn học giữa trường văn trận bút có biết bao nỗi cay đắng, nhọc nhằn cũng khiến con không nguôi lo lắng. Những cuộc trò chuyện giữa mẹ con bao giờ cũng quay về vấn đề môi sinh ở Việt Nam.
Ừ, năm nay hạn mặn, hàng trăm cây bưởi da xanh của cậu Mười chết héo. Dừa treo, lúa lép; bà con mình năm nay chắc ăn Tết khó xôm tụ.
Tháng 10 năm nay miền Trung gặp thiên tai khốc liệt. Bão - lũ - lụt. Hàng trăm cái chết tang thương, bao tấm lòng đang hướng về miền Trung, những ưu tư trăn trở, những nghịch lý trĩu nặng như hòn đá tảng đặt trên bàn nghị sự...
TTO - Những đoạn phim giới thiệu món ngon miền Tây Bắc của Nguyễn Khánh Vương Anh (23 tuổi), du học sinh Úc, đã thu hút hơn 20.000 lượt theo dõi trên mạng.
Xem thêm: mth.19514236041101202-gnol-uuc-coun-gnouh-oaig-ned-pel-aul-oert-aud-man-teiv-noh-mat/nv.ertiout