Tân cử nhân Hoàng Việt Tuấn - Ảnh: MINH GIẢNG
"Cháu nó học được cũng nhờ thầy cô, bạn bè hỗ trợ rất nhiều. Tôi có thể làm cho con mọi thứ có thể nhưng việc đưa con vào lớp là không làm được.
Ông Hoàng Việt Tiến
Ông Tiến bị đột qụy không đi lại được nhưng 15 năm qua vẫn đưa con trai bị bại liệt đến trường trên xe ba bánh. Hôm ấy, người con nhận bằng đại học với thành tích trong top 10 của khoa.
15 năm đến trường cùng con
Số nhà nhiều xuyệt trong con hẻm ngoằn ngoèo gần Công viên phần mềm Quang Trung (Q.12, TP.HCM). Ông Tiến chỉ đường rồi dặn thấy chiếc xe ba bánh đậu trước cửa "là biết nhà chú". Nghe tiếng xe, ông Tiến bò ra mở cửa. Chiếc xe máy ba bánh cũ kỹ sau hơn 20 năm gắn với hai cha con. Cạnh đó là chiếc xe lăn điện mà nhà hảo tâm tặng cho Tuấn để tiện việc đi lại, học hành.
Một thứ rất quan trọng gắn bó với hai cha con gần chục năm là chiếc máy nâng. Ông Tiến nói từ ngày có chiếc máy này ông chưa ngày nào để con phải nghỉ học. Hằng ngày, ông Tiến đưa xe máy lại gần máy nâng. Tuấn sẽ lết đến chiếc máy, ngồi vào. Ông bấm nút để máy nâng Tuấn lên ngang yên xe máy.
Tuấn sẽ lết qua chiếc yên được gắn giữa xe để ông Tiến chở đến trường. Tuấn không thể trèo lên xe. Ông Tiến cũng không thể ôm con được nên máy nâng là công cụ gắn liền với việc học của hai cha con gần 10 năm nay.
Trên tường, bằng tốt nghiệp đại học và hình ảnh Tuấn trong lễ tốt nghiệp được treo ở vị trí trang trọng. Ông Tiến từng là thợ cắt tóc. Nhưng rồi cơn tai biến cách đây 20 năm khiến ông không còn đi lại được.
Nhìn lại chặng đường hơn 15 năm đi học cùng con, giờ ông cũng tự hào và phần nào an tâm về con. Có lẽ ông cũng không nghĩ hai cha con sẽ đi được tới con đường ngày hôm nay, bởi ông từng buông xuôi mọi thứ khi vợ đột ngột qua đời. Lúc đó Tuấn đang học lớp 12.
"Khi đó tôi chán chường lắm. Tôi nghĩ sẽ cho Tuấn nghỉ học chứ làm sao nuôi con nổi. Mình lành lặn thì không nói gì. Đằng này mình đi đứng cũng không được. Nhưng thằng nhỏ cứ khóc, nằng nặc đòi đi học. Bình tĩnh lại, tôi nhớ trăng trối của vợ.
Có gì cũng phải ráng cho con ăn học đàng hoàng, có cái nghề để sau này tự nuôi sống bản thân. Cha mẹ không còn nhưng con vẫn phải tiếp tục sống. Mình còn gắng được phải cố để không làm nản ý chí của con. Nó chịu khó học mình phải mừng chứ sao lại buông bỏ" - ông Tiến nhớ lại.
Ý chí và sự lạc quan
Lúc chúng tôi đến, Tuấn đang hoàn thành một game trò chơi. Bên cạnh giàn máy tính của Tuấn là bàn thờ của mẹ. Mẹ Tuấn là giáo viên văn cấp II, người lành lặn duy nhất trong nhà. Bà bị bệnh và mất khi Tuấn đang học lớp 12.
"Mẹ là người động viên tinh thần cho tôi nhiều nhất khi còn sống. Mẹ đã mất nhưng tôi tin rằng mẹ luôn theo dõi và động viên nên đã để bàn thờ mẹ ở trong phòng để lúc nào cũng có thể thấy mẹ" - Tuấn chia sẻ.
Hiện Tuấn đang phát triển một số game theo đặt hàng vừa tự học tiếng Anh. Tuấn không thể đến trung tâm nên phải tự học để có đủ kiến thức và kỹ năng dự thi IELTS. Với Tuấn, tấm bằng đại học chưa phải là đích đến cuối cùng. Tuấn dự định khi vững tiếng Anh sẽ xin học bổng du học. Ngành công nghệ thông tin vẫn còn nhiều mảng Tuấn cần phải học để có cơ hội phát triển bản thân.
Hoàn cảnh bản thân và gia đình có lẽ đặc biệt nhất trong suốt những lớp học phổ thông và đại học nhưng Tuấn rất hay cười. Chỉ khi nhắc đến mẹ, nụ cười ấy mới tạm ngưng trong giây lát. Cũng gần chục năm rồi nhưng cô Bùi Thị Minh Châu - giáo viên môn hóa dạy Tuấn năm lớp 8 tại Trường THCS Đức Trí, Q.1 - vẫn nhớ như in khuôn mặt vui vẻ và lạc quan của cậu học trò năm nào.
"Tuấn hiền lắm, cười miết thôi. Em rất chăm, học đều các môn và luôn đạt học sinh giỏi. Vì Tuấn không đi lại được nên suốt 4 năm trường đều xếp em học ở tầng trệt. Hồi đó thầy cô ai cũng thương Tuấn, không phải vì hoàn cảnh của em mà còn vì ý chí và sự lạc quan của em.
Mẹ Tuấn là giáo viên dạy cấp II, khi đó là lao động chính trong nhà nhưng chẳng may mất sớm. Hai cha con nương tựa nhau mà sống. Người cha đi lại khó khăn do di chứng đột qụy. Tuấn bị bại liệt từ nhỏ, đi lại không được nên thường bò trườn trong nhà. Thương họ lắm!" - cô Châu tâm sự.
Có lẽ sự lạc quan giúp Tuấn đủ ý chí vượt qua nghịch cảnh bản thân và gia đình. Với Tuấn, sự bất tiện không đến từ khiếm khuyết bản thân hay hoàn cảnh mà chỉ là việc đi lại khó khăn, phải nhờ người khác giúp đỡ. Lúc chưa có máy nâng, hằng ngày ông Tiến phải nhờ người bế Tuấn lên xe để chở đến trường. Đến nơi, ông lại nhờ bảo vệ đưa con vô lớp.
Có máy nâng rồi, ông không phải nhờ người bế Tuấn ở nhà nữa nhưng khi đến trường vẫn phải nhờ bảo vệ, bạn bè đại học đưa vô lớp. Ở khu không có thang máy, bạn bè cùng nhau đưa Tuấn lên lớp học.
Con học đâu, cha theo đó
Ông Tiến với máy nâng ngày ngày nâng con lên yên xe ba bánh chở đến trường - Ảnh: M.G.
Năm đó Tuấn đậu ĐH Hoa Sen và được trường cấp học bổng toàn phần. Lúc đầu Tuấn học ở Q.Tân Bình sau đó dời về Công viên phần mềm Quang Trung, Q.12 cách nhà hơn 10km. Ông Tiến quyết định theo con thuê nhà ở gần nơi học. Con đi đâu, cha phải ở đó.
Hằng ngày ông đưa Tuấn đến trường rồi đi chợ, nấu cơm, phụ con vệ sinh cá nhân. Dù học một buổi hay cả ngày, nắng hay mưa chưa bao giờ ông để con mất buổi học.
"Điều gì tốt cho con tôi chịu được hết"
Biết con dự định sẽ tiếp tục du học, ông Tiến nói điều gì tốt cho con, ông chịu được hết. "Con đã có nghề, có thể tự nuôi sống bản thân đúng như tâm nguyện của mẹ nó rồi. Nước mắt chảy xuôi. Mình ráng nuôi con để con có thể tự nuôi sống bản thân chứ không phải để nuôi lại mình.
Dù gì tôi cũng bò được, tự chăm sóc bản thân tốt hơn cháu. Cháu được đi học nước ngoài tôi cũng mừng vì ở đó chắc sẽ có điều kiện hỗ trợ tốt hơn" - ông Tiến chia sẻ.
TTO - Người cha bị đột quỵ không đi lại được 15 năm nay đưa con trai bị bại liệt đến giảng đường đại học trên chiếc xe ba bánh. Sáng nay, người con nhận bằng đại học với thành tích trong top 10 của khoa.
Xem thêm: mth.26041149081201202-coh-iad-gnab-mat-av-noc-ahc/nv.ertiout