Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 17-2 cáo buộc các quốc gia có thu nhập cao dự trữ một lượng lớn vaccine COVID-19, dẫn đến việc không đủ nguồn cung cho các nước có thu nhập thấp.
Đồng thời, ông Vương cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ triển khai hợp tác quốc tế về vaccine mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào về chính trị.
'Trung Quốc không có ý đồ chính trị về vaccine COVID-19'
Phát biểu tại Hội nghị cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề vaccine ngừa COVID-19 hôm 17-2, ông Vương cho rằng việc hợp tác chống đại dịch COVID-19 “không nên là trò chơi tổng bằng không (zero-sum game)” và Trung Quốc không có ý đồ địa chính trị trong việc cung cấp vaccine COVID-19.
Ông Vương Nghị phát biểu trong một cuộc họp ngắn trước Hội đồng Bảo an LHQ. Ảnh: XINHUA
“Trung Quốc không tìm kiếm bất kỳ mục tiêu địa chính trị hoặc lợi ích kinh tế nào trong việc hợp tác quốc tế về vaccine COVID-19 và sẽ không gắn các điều kiện chính trị với nó” – ông Vương nói.
Bên cạnh đó, ông Vương đã chỉ trích sự bất bình đẳng ngày càng tăng trong việc phân phối vaccine và kêu gọi thế giới hợp tác cùng nhau nhằm đảm bảo các quốc gia đang phát triển có thể tiếp cận được vaccine COVID-19.
“Các loại vaccine đang được phân phối vào các quốc gia có thu nhập cao một cách nhanh chóng và với số lượng lớn, chỉ còn lại một số lượng ít cho các quốc gia có thu nhập thấp. Điều này đã dẫn đến ‘sự phân chia về tiếp cận miễn dịch’ và gia tăng khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo” - ông Vương nói thêm.
Ông Vương cho biết: “Chúng ta nên cùng nhau loại bỏ chủ nghĩa dân tộc vaccine, thúc đẩy phân phối vaccine công bằng và bình đẳng, đặc biệt, đảm bảo vaccine dễ tiếp cận và có giá cả phải chăng cho các nước đang phát triển, kể cả những nước đang diễn ra xung đột”.
Ông Vương cũng nhấn mạnh việc nên tránh các nỗ lực chính trị hóa đại dịch.
“Tất cả các quốc gia nên đoàn kết thay vì chia rẽ, kiên quyết trên con đường hợp tác chống lại dịch bệnh và cùng nhau vượt qua khó khăn. Hãy dựa trên khoa học thay vì có thành kiến với nó, loại bỏ tất cả các loại thông tin sai lệch và các nỗ lực chính trị hóa dịch bệnh” – ông Vương nói.
Theo ông Vương, Trung Quốc đã hỗ trợ vaccine COVID-19 cho 53 quốc gia, trong đó cung cấp vaccine do Bắc Kinh sản xuất cho 22 quốc gia. Ngoài ra, Trung Quốc đã cung cấp 10 triệu liều vaccine COVID-19 cho sáng kiến COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu.
Lo ngại về nguồn cung vaccine tại những khu vực xung đột
SCMP cũng dẫn lời Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres chỉ trích việc phân phối vaccine COVID-19 “vô cùng không đồng đều và không công bằng”, nói thêm rằng 10 quốc gia có thu nhập cao đã sở hữu 75% tổng số nguồn cung vaccine.
“Hơn 130 quốc gia vẫn chưa nhận được liều vaccine nào. Những nước bị ảnh hưởng bởi xung đột và rủi ro an ninh đặc biệt có nguy cơ bị bỏ lại phía sau” - ông Guterres nói.
Ông Guterres nhấn mạnh việc phân phối vaccine công bằng là "bài kiểm tra đạo đức lớn nhất" và kêu gọi nỗ lực toàn cầu để mọi người dân ở mọi quốc gia được tiêm chủng càng sớm càng tốt.
Theo SCMP, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ giữ vai trò dẫn đầu, sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đảo ngược quyết định rút Mỹ khỏi WHO của người tiền nhiệm Donald Trump, đồng thời cam kết tài trợ hơn 200 triệu USD cho WHO.
Ông Blinken cho biết Washington cũng sẽ thúc đẩy những cải tiến trong WHO và nhấn mạnh cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19 phải “độc lập và minh bạch”.
Ở một diễn biến khác, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 17-2 đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn tại các khu vực xung đột khắp thế giới để tạo điều kiện cho những nước dễ bị tổn thương được tiêm vaccine ngừa COVID-19, SCMP đưa tin.
Văn phòng Ngoại trưởng Anh cho biết ông Raab cũng sẽ sử dụng vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này để cảnh báo rằng nếu để virus SARS-CoV-2 lây lan ở những khu vực không có chiến dịch tiêm chủng thì sẽ đồng nghĩa với nguy cơ cao hơn xuất hiện các biến thể mới và lây lan khắp thế giới.
Trong cuộc họp báo trực tuyến trước thềm cuộc họp hôm 17-2, Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward tuyên bố việc giải quyết vấn đề tiếp cận với vaccine COVID-19 ở các khu vực xung đột nên được tất cả các quốc gia quan tâm.
Theo bà Woodward, ít nhất 160 triệu người trên toàn cầu có nguy cơ không được tiếp cận với vaccine COVID-19 vì bất ổn và xung đột.
Theo trang thống kê Worldometer, cập nhật đến 6 giờ sáng 18-2 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 110.394.774 ca, trong đó có 2.438.825 người thiệt mạng.
Cuộc đua sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19 đang được đẩy nhanh, song nhiều nước cho biết họ không có đủ nguồn cung.