Nhiều năm trở lại đây, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nổi lên trở thành một trong nữ doanh nhân năng động nhất Việt Nam. Bà Thảo hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Sovico, cổ đông lớn nhất của hãng hàng không Vietjet và ngân hàng HDBank. Năm 2017, tạp chí Forbes công bố danh sách 56 nữ tỷ phú tự thân trên thế giới. Đại diện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - người sáng lập kiêm CEO hãng hàng không tư nhân Vietjet (Vietjet Air). Bà cũng là nữ tỷ phú duy nhất của Đông Nam Á. Bà là người Việt Nam thứ 2 được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD, sau ông Phạm Nhật Vượng.
Tiếp tục có mặt trong danh sách của Forbes năm 2020 nhưng tài sản của nữ tỷ phú tự thân này đã giảm từ mức 2,3 tỉ USD năm 2019 xuống còn 2,1 tỷ USD tính đến đầu năm 2021.
Sinh năm 1970 tại Hà Nội, bà Thảo thuộc lứa doanh nhân quay về Việt Nam lập nghiệp sau khi du học Đông Âu. Năm 21 tuổi, bà kiếm được 1 triệu USD đầu tiên nhờ kinh doanh máy fax và nhựa, cao su. Là người thay đổi cục diện ngành hàng không từ độc quyền sang hướng cạnh tranh, có sự tham gia của tư nhân.
Để đạt được những thành công này, bà Thảo cho biết người phụ nữ phải nỗ lực không nhỏ trên thương trường. Hiếm khi nữ tỷ phú này chia sẻ về chuyện gia đình hay con cái. Còn nhớ trong bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ hồi tháng 1 năm 2020, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nhắc về con út của mình khi phải lựa chọn giữa gia đình và công việc:
"Sáng nay đưa con đến trường, bé cứ nằng nặc, năn nỉ kéo tay muốn mẹ dẫn vào lớp. Ngặt cái, tôi có cuộc họp lúc 8h30. Nếu mủi lòng đưa con vào lớp thì lại muộn họp. Thế là lại để con tự đi một mình, mặc dù trái tim rất muốn đi cùng con.
Nếu rộng hơn về cá tính, tôi thích sự riêng tư cho cá nhân mình, nhưng công việc lãnh đạo doanh nghiệp đã biến mình thành người của tập thể, của công chúng. Phải luôn ý thức tinh thần gương mẫu đi đầu của người lãnh đạo, chia sẻ trong cán bộ công nhân viên và mình buộc phải hi sinh sự riêng tư, sở thích của mình."
Về người con trai lớn, bà Thảo cho biết mình và con như bạn bè, cùng đi xem phim, cà phê. Bà Thảo để con phát triển một cách tự nhiên, theo sở trường và đam mê chứ không ép buộc.
"Bạn ấy học ở trường phổ thông nội trú ở Anh, vẫn học tiếng Việt online với thầy Việt Nam, nhắn tin cho mẹ tiếng Việt có dấu và năm nay bạn dự thi vào khoa quản lý kinh tế của Đại học Oxford với bài luận mở đầu bằng câu "mẹ tôi là một hình mẫu để tôi mong muốn phấn đấu noi theo". Con tự viết mà không chia sẻ gì với tôi. Khoa đó rất khó, chưa biết kết quả ra sao nhưng tôi cũng may mắn là bạn ấy học giỏi và tự lập. Sau này nếu bạn ấy kế nghiệp được thì tốt", nữ tỷ phú tự hào chia sẻ.
Không phụ lòng kỳ vọng của mẹ, năm 2019 anh cả Tommy Nguyễn trở thành đồng sáng lập startup công nghệ SWIFT247 về mảng logistics, kỳ vọng bước ra châu Á với slogan của công ty: "Ship nước rút, kịp từng phút".
Ý tưởng về startup này đến với Tommy Nguyễn khi vừa du học Anh thì bất ngờ nhận được lời mời từ một trường danh tiếng và anh quyết định chuyển trường.
Khó khăn nhất là phải làm lại visa, hồ sơ nhập học... nên rất cần nhiều giấy tờ từ Việt Nam gửi sang mà ngày khai giảng đã cận kề. Khi hỏi công ty chuyển phát quốc tế, thời gian vận chuyển từ TP.HCM - London ít nhất phải mất 3 đến 4 ngày (không bao gồm ngày lễ, nghỉ thứ bảy, chủ nhật và tình huống bất khả kháng). Không chờ được lâu nên người thân phải nhờ người trực tiếp cầm bộ hồ sơ theo chuyến bay chuyển tới trường cho Tommy Nguyễn để kịp nhập học.
Từ trải nghiệm khó khăn trong vấn đề chuyển phát, chàng trai này đã nuôi suy nghĩ tìm cách mới để tối ưu con đường vận chuyển phát nhanh nhất. Trong quá trình nghiên cứu về lĩnh vực này, Tommy ấn tượng với dịch vụ chuyển phát "nhanh đến không ngờ" của Prime Amazon với vốn đầu tư 800 triệu USD.
Từ đó, Tommy đặt câu hỏi tại sao châu Á không có một dịch vụ chuyển phát siêu nhanh chóng, tận dụng mạnh mẽ nền tảng công nghệ, tối ưu hóa dịch vụ cho người dùng như vậy. Anh tin rằng trong tương lai có rất nhiều xu hướng mới và châu Á sẽ là thị trường vận chuyển của nền tảng công nghệ. Châu Á có tốc độ phát triển cao các nền kinh tế số, thương mại điển tử...
Sau đó Tommy Nguyễn đã gửi một bức thư điện tử cho Grab với nội dung: "Xin chào, tôi là Tommy Nguyễn - là du học sinh ở Anh" và đề xuất ý tưởng về ứng dụng giao hàng hóa.
Song song với Grab, Tommy Nguyễn cũng chủ động hoàn chỉnh các tiêu chuẩn về yêu cầu chất lượng, kỹ thuật, kế hoạch kinh doanh... để thuyết phục hãng hàng không Vietjet Air. SWIFT247 hướng tới tối ưu năng suất vận chuyển của đối tác Vietjet khi có mạng lưới bay trải rộng ở khắp khu vực châu Á.
Tới tháng 9/2020, hãng hàng không Vietjet công bố thông tin về việc tái cơ cấu và phát triển hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường hàng không trên nền tảng công nghệ số & thương mại điện tử thông qua M&A Công ty Cổ phần Vietjetair Cargo và Công ty TNHH SWIFT247. Việc này hứa hẹn sẽ góp phần tăng trưởng doanh thu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cho Vietjet trong tương lai. SWIFT247 từ 1 startup trở thành thành viên của Vietjet Air.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị