Các chuyên gia kinh tế dự báo, giá dầu có thể sẽ tăng khoảng 15-25% trong năm 2021, phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu.
Vùng mục tiêu 64 - 66USD/thùng
Vào lúc 7h10 (giờ Việt Nam) ngày 18.2, giá dầu Brent tăng 2% và đồ thị giá tiến sâu vào vùng mục tiêu 64USD - 66USD.
Cụ thể, hợp đồng dầu Brent tăng 99 Cent (tương đương 1,56%) lên 64,34USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI tăng 1,09USD (tương đương 1,82%) lên 61,14USD/thùng.
Dầu Brent và dầu WTI đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 1.2020.
Giá dầu thế giới từng chứng kiến sự sụt giảm chưa từng có trong quý đầu tiên của năm 2020. Sau đó, vào tháng 4.2020, dầu thô WTI giảm xuống dưới 0 lần đầu tiên trong lịch sử, do sự gián đoạn hoạt động liên quan đến COVID-19 và nhu cầu dầu suy giảm.
Tuy nhiên, nhu cầu dầu dần hồi phục và giá dầu cũng vậy trong nửa cuối năm 2020 khi thị trường dầu thô toàn cầu hợp lý hóa nguồn cung trong khi các hoạt động kinh doanh được phục hồi ở nhiều nền kinh tế trong bối cảnh COVID-19 dần được kiểm soát cũng như các thông tin tích cực về vaccine xuất hiện.
Vào ngày 31.12.2020, WTI giao tháng 2 chốt ở mức 48,52USD/thùng trên New York Mercantile Exchange, trong khi dầu Brent giao tháng 3 ở mức 51,80 USD/thùng trên Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn ICE London.
Tại ngày 17.2.2021, lượng tồn kho dầu của Mỹ tiếp tục giảm mạnh 5,8 triệu thùng theo báo cáo của Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ (API), thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng của thị trường là 2,2 triệu thùng.
Trong khi lượng tồn kho đã giảm 5,4 triệu thùng trong tuần từ 8 đến 12.2.2021. Điều này cho thấy nhu cầu dầu tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Đồng thời, các căng thẳng khu vực Trung Đông cũng thúc đẩy mạnh mẽ đà tăng của giá dầu.
EIA dự đoán rằng mức tồn kho dầu toàn cầu cao và công suất sản xuất dầu thô dư thừa sẽ hạn chế giá dầu tăng lên trong phần lớn năm 2021. Ngoài ra, làn sóng COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại có khả năng hạn chế mức tăng giá dầu trong những tháng đầu năm 2021 và tạo ra sự không chắc chắn về nhu cầu dầu trong suốt năm mới. Bất chấp kỳ vọng về nhu cầu dầu phục hồi vào năm 2021, nhu cầu được dự đoán rằng vẫn sẽ ở mức thấp hơn so với trước đại dịch.
Những tác động đến kinh tế Việt Nam
Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, áp lực điều chỉnh có thể sẽ gia tăng trong ngắn hạn, nhưng dấu hiệu đảo chiều xu hướng vẫn chưa hình thành. Xu hướng ngắn hạn của giá dầu thế giới vẫn duy trì ở mức tăng.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nhận định giá dầu năm 2021 có tăng nhưng không quá nhiều và chưa thể về mức trước đại dịch (2019): “Chúng tôi dự đoán giá dầu sẽ tăng khoảng 15-25%, phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu. Trong khi năm 2020, giá dầu thế giới giảm khoảng trên 30%”.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, giá dầu thế giới tăng sẽ tác động 2 mặt đến kinh tế Việt Nam.
Ở khía cạnh tích cực, giá dầu thế giới tăng sẽ kéo theo tăng thu ngân sách nhà nước từ dầu thô. Ngoài ra, các loại thuế từ xăng, dầu (như thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) cũng sẽ tăng.
Diễn biến giá dầu trong những tháng gần đây cũng tác động tích cực đến ngành khai khoáng, nhất là dầu khí (hiện đang đóng góp khoảng 7,8% trong cơ cấu GDP). Đối với tập đoàn, doanh nghiệp khai thác dầu khí là hoạt động cốt lõi như PVN, PVD, GAS… nếu giá dầu giảm xuống thấp sẽ làm giảm nguồn doanh thu, đẩy giá cổ phiếu giảm mạnh và phải chịu sức ép thoái vốn từ các nhà đầu tư. Theo đó, tiền nộp thuế thu nhập của những doanh nghiệp này vào ngân sách nhà nước cũng giảm tương ứng.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng giá dầu thế giới tăng sẽ tạo áp lực cho lạm phát, nhất là trong bối cảnh Việt Nam nhập siêu xăng, dầu từ năm 2015 đến nay.
Giá dầu thế giới tăng cũng có thể tác động tiêu cực đến tiêu dùng của người dân và hoạt động của doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải sẽ chịu áp lực tăng chi phí đầu vào khi giá xăng dầu tăng, từ đó có thể dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.
Xem thêm: odl.834188-man-teiv-et-hnik-ned-tam-2-gnod-cat-gnat-ioig-eht-uad-aig/et-hnik/nv.gnodoal