vĐồng tin tức tài chính 365

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 3: Chắc gì là Chắc Cà Đao

2021-02-19 11:25
Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 3: Chắc gì là Chắc Cà Đao - Ảnh 1.

Cây cầu mang tên Chắc Cà Đao - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Câu khôi hài vậy mà lại khiến nhiều người nhớ. Nó có duyên đến mức nhiều người chưa biết Chắc Cà Đao ở đâu cũng hay đáp "quê tôi ở tận Chắc Cà Đao" để nói rằng nhà ở xa xôi, hẻo lánh lắm.

Tên gì như một tiếng rao

Cái tên nghe lạ tai, âm tiết như một lời rao, đã từng gieo nhiều hiếu kỳ của người dân Nam Bộ lại là địa danh có thời nổi tiếng với nghề làm gạch ở cạnh Long Xuyên, một trong những đô thị lớn nhất vùng Tây Nam Bộ

Các bậc cao niên tư lự trong đình thần Hòa Bình Thạnh (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang) rót trà mời khách mà chẳng màng quan tâm người đến từ đâu. Ông Phan Văn Như, trưởng ban úy tế đình thần, cho rằng con rạch Chắc Cà Đao này ngày trước voi đi nhiều quá thành lối mòn, rồi nước chảy, cá lội thành dòng cho đến nay.

Còn vì sao gọi là Chắc Cà Đao thì dường như đây là một vấn đề khó. Chắc Cà Đao, cái tên quá khó hiểu, ngay cả với những người sống tại quê hương này cũng chẳng biết nó có nghĩa gì.

Có thời người ta ám chỉ "dân Chắc Cà Đao" là người vùng hẻo lánh, quê mùa. Nó không mang nghĩa kỳ thị, mà cái địa danh với âm tiết lạ này hàm chứa điều gì đó khó hiểu, so với cách đặt tên thông thường của người miền Tây vốn hay lấy tích, địa mạo làm địa danh.

Chính vì khó hiểu nên khi vào văn chương, người ta ngờ ngợ tên này có thật hay chỉ... tưởng tượng.

Bà Nguyễn Thị Thể (67 tuổi), nhà bên kinh Chắc Cà Đao nói bà có chồng ở Bình Hòa, chỉ mới về đây có "hai ngoài năm". "Đi xứ khác, mình nói mình dân Chắc Cà Đao người ta hông tin, cứ hỏi đi hỏi lại".

Còn bà Nguyễn Thị Ẩm (63 tuổi) nhà ở gần đó nói nhiều người sợ bị hỏi tới hỏi lui phiền phức, hay bị chọc là dân "nhà quê" nên "né" từ Chắc Cà Đao, và đáp quê họ ở cái địa danh mỹ từ: An Châu.

Kỳ thật, Chắc Cà Đao nào có xa xôi, hẻo lánh. Từ thành phố Long Xuyên, An Giang theo quốc lộ 91 xuôi về Châu Đốc lối 10 cây số sẽ thấy một chiếc cầu có tên Chắc Cà Đao. Không ít người vỡ lẽ "à, thì ra Chắc Cà Đao là thiệt".

Dân vùng Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long... đi vía Bà Chúa xứ Núi Sam về, họ đắc ý kể cho xóm giềng biết là có một xứ tên là Chắc Cà Đao hẳn hoi. Nhưng cũng có người ít đi đây đó, vẫn bán tín bán nghi "tên gì mà như một riếng rao".

Hai bên bờ kênh Chắc Cà Đao chạy thẳng về những xóm làng nề nếp. Bờ hướng Long Xuyên là đường Trường Sa với chợ xe tấp nập, bờ hướng Châu Đốc là con đường Hoàng Sa chạy qua đình thần Hòa Bình Thạnh.

Ông Út Khiêm, một chức sắc trong đình cổ này, nói ông cố mình là ông Cả Cường (Lê Văn Cường) có công xây dựng xóm làng này. Ông Khiêm cho rằng thời xưa xóm này có tên là Bình Hòa, sau nhập với xóm Cà Lâu bên trong và có tên mới là Hòa Bình Thạnh. Nhưng dù địa danh hành chánh có đổi dời thì cái tên Chắc Cà Đao vẫn gắn liền.

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 3: Chắc gì là Chắc Cà Đao - Ảnh 2.

Con rạch cũng cùng tên Chắc Cà Đao - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Khi ông Sơn Nam và Vương Hồng Sển chưa ăn rơ

Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoài Dũng, người am hiểu về vùng đất An Giang, vẫn chưa có xác cứ nào để khẳng định nguồn gốc tên Chắc Cà Đao. Đến giờ có vài giả thuyết của các bậc tiền bối.

Nhưng ngay cả hai nhà văn, nhà nghiên cứu có nhiều ảnh hưởng của vùng đất miền Nam cũng không ăn rơ với nhau về nguồn gốc từ "Chắc Cà Đao".

Cụ Vương Hồng Sển trong cuốn Tự vị quốc âm miền Nam nhắc: "Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng Chắc Cà Đao là từ tiếng Khmer "chắp kdam", có nghĩa là "bắt cua". Lý giải cho giả thuyết này, học giả họ Vương cho rằng vì ngày trước vùng này có nhiều cua.

Tuy nhiên, nhà văn Sơn Nam trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam lại cho rằng từ Chắc Cà Đao là đọc trại của từ "prek pedao".

Trong tiếng Khmer, từ "prek" có nghĩa là con rạch nhỏ (để phân biệt với "tonle" là con sông lớn, hay "stung" là con sông vừa); còn "pedao" có nghĩa là dây mây. Chắc Cà Đao là chỉ con rạch có nhiều mây rừng mọc hai bên.

Cũng trong Tự vị quốc âm miền Nam, Vương Hồng Sển có nhắc đến ý kiến của nhà văn Sơn Nam, nhưng ông vẫn nghiêng giả thuyết của ông Nguyễn Văn Đính. Có lẽ vì ông cho rằng so với từ Chắc Cà Đao thì từ "chắp kdam" đọc nghe gần âm hơn "prek pedao".

Còn theo nhà nghiên cứu Đặng Hoài Dũng, ông nghiêng về giả thuyết của nhà văn Sơn Nam hơn bởi nó gần với thực tế địa phương: con rạch Chắc Cà Đao bắt nguồn từ sông Hậu chảy về một vùng đất trù phú trước kia có nhiều dây mây.

Ở miền Tây, có thời nhiều học giả vẫn hay liên hệ những từ có âm gần giống với tiếng Khmer mà đưa ra giả thuyết nhiều địa danh (như Cà Mau giống từ "tuk kmau", Sóc Trăng gần từ "Srok Kh'leang").

Cũng bởi vùng này một thời đất rộng người thưa, rất ít tài liệu còn lưu truyền có tính cặn kẽ, để lý giải về những địa danh được "Việt hóa" ấy. Nói vậy cũng không có nghĩa là trong quá trình thủ đắc vùng đất vốn hoang vu này, triều đình nhà Nguyễn đã không có lưu lại những tài liệu địa chí.

Cụ Lê Quang Định (1759 - 1813) trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (năm 1806) có nhắc đến địa danh Chắc Cà Đao là "rạch Chạc Cà Đao ở bên phải (sông Hậu), rạch này rộng 3 tầm, sâu 1 tầm", hay có đoạn khác nhắc "cù lao Chạc Cà Đao, trên đó là rừng rậm, không có dân cư". Trong Địa bộ thôn Bình Hòa Trung (được lập năm 1836), địa danh Chắc Cà Đao cũng được ghi nhận.

Cũng có ý kiến liên hệ với nhiều địa danh giống Chắc Cà Đao như Chắc Băng (ở Cà Mau), Chắc Ri, Chắc Re (ở Châu Đốc), hay Chăn Cà Na ở Chợ Mới (An Giang) để lý giải, có thể đây là địa danh được Việt hóa từ tiếng Khmer là prek pedao (Rạch Mây) hay prek kdam (Rạch Cua)...

Theo tác giả Trần Hoàng Vũ, trong một bài viết đăng trên tạp chí Văn hóa - lịch sử An Giang (số 100, xuất bản tháng 7-2013) đã liên hệ sự kiện chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh đi bình định Nam Vang (Phnom Penh). Năm 1700 sau khi thắng trận, khoan hòa, ủy lạo dân chúng, Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về cù lao Sao Mộc (nay dân gọi cù lao Ông Chưởng ở Chợ Mới, An Giang).

Sau cơn bạo bệnh, ông được chúa Nguyễn lệnh cho kéo binh về. Những binh lính có công muốn giải giáp ở lại khẩn hoang, tạo dựng cuộc sống được ông tâu về triều đình cấp đất lập làng. Trong số binh sĩ ở lại, phần đông thuộc các họ lớn là Nguyễn, Lê, Lý, Phan và men theo lưu vực sông Hậu mà lập nên làng Bình Phú.

Làng Bình Phú có phạm vi rất rộng, giao thông đi lại khó khăn, nghĩa lễ giao lưu bất tiện nên những năm 1890, 1891 lần lượt các thôn được tách ra. Thôn Mặc Cần Dưng tách ra thành làng Bình Hòa; 4 họ lớn tách khỏi Bình Phú lập làng Hòa Bình Thạnh. Làng Hòa Bình Thạnh lấy con rạch Chắc Cà Đao làm trung tâm...

"Nói này không biết đúng không, ngày trước khi ông Nguyễn Hữu Cảnh bị bệnh nặng, quan lính lo lắng hỏi han nhau, nhưng sức khỏe tướng là bí mật nên người ta chỉ dám lắc đầu trả lời "chắc là đau". Rồi người ta gọi trại đi con rạch này là Chắc Cà Đao để nhớ chuyện xưa" - một ông cụ đến chơi đình nói. Và lại xuất hiện một giai thoại "Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng, cùm tay lớn hơn cùm chân"...

Đôi bờ rạch Chắc Cà Đao trù phú. Dân ở đây có thời nổi tiếng với nghề làm gạch thủ công. Sau đó, một số hộ dân gần chợ chuyển sang làm bẫy chuột, lồng chim... Ghe xuồng bạn hàng các nơi về đây giao thương tấp nập. "Nói như vậy, Chắc Cà Đao không hề quê mùa. Thậm chí nề nếp, sung túc hơn rất nhiều nơi khác" - một cụ ở đình thần nói.

**************

Xứ Huế kinh kỳ một thuở vẫn đang mang trong mình những địa danh độc âm kỳ lạ như Nong, Truồi, Sình, Chuồn, Sịa, Nọ, Nịu, Sam... Và ngay cái tên Huế cũng là một bí ẩn, thách thức bao người khám phá.

>> Kỳ tới: Nhất Huế, nhì Sịa

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 2: Cự Lại mà hiền khôGiải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 2: Cự Lại mà hiền khô

TTO - Khi dùng đất làng để xây dựng kinh thành Huế, nhà vua thế lại dải đất phía đông và đặt tên Thế Lại. Làng không chịu, vua giao thêm khu đất bờ nam sông Hương cách xa hơn và đặt tên Lại Thế.

Xem thêm: mth.52603510191201202-oad-ac-cahc-al-ig-cahc-3-yk-al-yk-hnad-aid-gnuhn-tam-iaig/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 3: Chắc gì là Chắc Cà Đao”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools