Tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 sẽ lạc quan hơn so với năm 2023
Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024: Theo dấu dòng tiền, các chuyên gia đã có những chia sẻ về chủ đề đầu tư, đồng thời đưa ra những dự báo cho các nhóm ngành tiềm năng trên thị trường chứng khoán năm 2024.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research nhận định, hiện nay trên thị trường, các yếu tố tích cực có thể lấn át yếu tố tiêu cực. Hai điểm tích cực lớn nhất là FDI và xuất khẩu sẽ tốt hơn. Cùng với đó, yếu tố được đánh giá đang có sự chuyển mình tích cực trong năm nay và cả năm sau là đầu tư công. Yếu tố thứ tư được cả thị trường đang thận trọng quan sát liên quan đến thị trường bất động sản.
“Hiện tại thị trường bất động sản đã có “ấm” hơn một chút về mặt thanh khoản, kỳ vọng đến cuối năm sau có thể nhìn thấy bức tranh khởi sắc hơn”, Giám đốc SSI Research nói.
Song song với đó, bà Hoàng Việt Phương cho biết, vẫn có một yếu tố tiêu cực ảnh hưởng tới thị trường đó là tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể sẽ đạt đỉnh vào năm 2024.
“Nhìn lại chu kỳ trước, giai đoạn 2011 - 2012 thì đến năm 2013 có thể thấy ánh sáng cuối đường hầm. “Hồi phục” là chủ đề, nhưng hồi phục đến mức độ nào, liệu có sự bùng nổ không thì có lẽ là không, nhưng sẽ hồi phục và hồi phục dựa trên nền yếu của năm 2023”, bà Việt Phương đánh giá.
Các chuyên gia tại Diễn đàn cho rằng, năm 2022 đã có nhiều dự báo tích cực về triển vọng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ phục hồi tốt từ nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết dữ liệu đều cho thấy thực tế xảy ra không đạt được như kỳ vọng.
Theo bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư, người điều hành VinaCapital - VESAF, những yếu tố dẫn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thấp hơn kỳ vọng là sự phục hồi rất chậm của nền kinh tế Trung Quốc, tốc độ giảm hàng tồn kho của Mỹ, nhu cầu của thị trường Việt Nam, trừ đi tất cả những yếu tố tích cực về hồi phục của doanh nghiệp.
“Tất cả những yếu tố này khiến tăng trưởng của các doanh nghiệp ở mức thấp so với kỳ vọng của các nhà đầu tư”, bà Hoài Phương nhìn nhận.
Do đó, trong quý III/2023, VinaCapital đã hạ dự báo tăng trưởng của các doanh nghiệp năm 2023. Thực tế, lợi nhuận của doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm khá thấp và đến quý IV sẽ có sự hồi phục rất mạnh với mức tăng khoảng 35% so với cùng kỳ vì mức nền năm ngoái cũng ở mức rất thấp.
“Dựa vào các yếu tố trên, VinaCapital dự báo triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp năm 2024 đạt trung bình là 19%”, đại diện VinaCapital cho biết.
Đưa ra đánh giá về mức tăng trưởng của các doanh nghiệp trên thị trường thời gian tới, bà Nguyễn Hoài Phương cho rằng, thị trường phát triển dựa trên xu hướng với các công ty có sự nổi trội về tăng trưởng lợi nhuận như công nghệ, chứng khoán.
Trong đó, nhóm vật liệu xây dựng, dầu khí có kết quả năm 2023 vẫn đang tăng trưởng dương nhờ sự phục hồi từ nền thấp của năm ngoái; nhóm doanh nghiệp tiêu dùng vẫn gặp khó do nhu cầu phục hồi thấp thể hiện trên doanh thu tăng rất chậm và các doanh nghiệp này vẫn phải đưa ra các chương trình khuyến mại, giảm giá, làm ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp.
Về các công ty liên quan tới xuất khẩu như cảng biển, điện nước… cũng bị ảnh hưởng mạnh và đầu ra rất kém. Đặc biệt, doanh nghiệp bất động sản đang ở trong chu kỳ không mấy thuận lợi.
“Khảo sát doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp đang có một bức tranh thiếu tự tin về sự hồi phục, nhu cầu… và chúng ta cần phải tiếp tục theo dõi vì đây còn là một ẩn số.
Tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy sự phân hóa khá rõ ràng về lợi nhuận của doanh nghiệp và tôi nghĩ đây là xu hướng của năm 2024. Trong đó có những công ty lấy thị phần rất tốt dù ngành của họ có sự sụt giảm rất lớn ở trong nước lẫn quốc tế, ví dụ như: FPT (công nghệ), PNJ (bán lẻ), Gemadept (cảng biển), Kinh Bắc (bất động sản khu công nghiệp)”, bà Phương thông tin.
Vì vậy, Giám đốc đầu tư VinaCapital cho rằng, trong năm 2024, các công ty có thể tạo lợi nhuận tốt là doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công. Năm nay, chi phí giải phóng mặt bằng cho đầu tư công cao và sự tác động tới doanh nghiệp sẽ nhìn thấy rõ ràng ở năm 2024. Đặc biệt, báo cáo quý III cho thấy, chi phí lãi suất thực tế mà doanh nghiệp đang phải chịu vẫn cao so với cùng kỳ và quý II/2023. Do đó, VinaCapital đánh giá, chi phí lãi suất hay áp lực về tỷ giá sẽ có sự sụt giảm trong các quý tiếp theo.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, dự phóng tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 sẽ lạc quan hơn so với năm 2023. Trong đó, các ngành dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan và có nhiều triển vọng phát triển trong năm 2024 có thể kể đến như: Bán lẻ, nguyên vật liệu bao gồm thép, bất động sản (có chọn lọc doanh nghiệp có quỹ đất sạch, có tiềm năng kinh doanh), ngân hàng, dịch vụ phần mềm, hàng tiêu dùng, năng lượng, dược.
Ngành ngân hàng có thể tăng trưởng lợi nhuận 17% trong năm 2024
Chia sẻ về triển vọng của ngành ngân hàng - một trong những nhóm ngành được nhiều nhà đầu tư quan tâm, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research cho biết, trong suốt giai đoạn vừa qua, sự phục hồi của nhóm ngân hàng được chờ đợi và kỳ vọng sẽ dẫn dắt toàn thị trường. Tỷ trọng ngành ngân hàng chiếm khoảng 30% vốn hóa toàn thị trường nên kỳ vọng này là hợp lý.
Tuy nhiên, nếu nhìn triển vọng của toàn ngành ngân hàng sẽ thấy vừa có điểm tốt, vừa có điểm xấu.
Điểm tốt đầu tiên được bà Hoàng Việt Phương chỉ ra là hiện nay chúng ta đang có những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất niêm yết trên thị trường. Những ngân hàng được đánh giá cao hơn ở đây là nhóm có lợi nhuận tăng trưởng 2,5% trong quý III, trong khi những ngân hàng còn lại có mức giảm lợi nhuận là 21%. Số liệu này cũng cho thấy rằng nếu chỉ nhìn mức trung bình sẽ không thể hiện đúng bức tranh của toàn hệ thống.
“Do đó, vẫn có cơ sở để chúng ta tìm được những ngân hàng tốt, có khả năng bứt phá được trong thời điểm khó khăn nhất”, bà Phương kỳ vọng.
Điểm tốt thứ hai là dự báo ngành ngân hàng có thể tăng trưởng lợi nhuận 17% trong năm 2024.
Vậy có một câu hỏi được đặt ra rằng, nếu trong bối cảnh năm 2023 rất xấu thì đâu là cơ sở để ngành này đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận 17% trong năm 2024?
Trả lời cho câu hỏi này, Giám đốc SSI Research cho biết, dự báo này đến từ giả định rằng tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ khá hơn năm nay, đặc biệt là kỳ vọng nửa cuối năm 2024 khi kinh tế thế giới phục hồi, xuất khẩu tăng rõ ràng hơn, tạo nhiều công ăn việc làm, chi tiêu tiêu dùng đẩy mạnh trở lại... sẽ giúp cho triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp tốt hơn.
Yếu tố thứ hai là biên lãi thuần (NIM), gần như được hiểu là biên lợi nhuận của ngân hàng. Chỉ tiêu này trong năm nay chịu áp lực lớn khi chi phí đầu vào lớn thì kỳ vọng rằng áp lực năm sau sẽ giảm dần do mức trung bình lãi suất sẽ thấp hơn.
Yếu tố cuối cùng là thu nhập từ phí của ngân hàng năm nay rất yếu, tạo cơ sở cho các ngân hàng trong năm sau sẽ thu phí tốt hơn từ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thu từ phí bảo hiểm. Đây là động lực để giúp cho các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt có thể duy trì được mức tăng trưởng vượt trội.
Cũng chia sẻ quan điểm về triển vọng ngành ngân hàng, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, dư nợ tín dụng trên tổng GDP của Việt Nam hiện trên 120%, điều này cho thấy sự phụ thuộc lớn của nền kinh tế vào ngân hàng. Vì vậy, sức khỏe của nền kinh tế có sự ảnh hưởng nhất định tới ngành ngân hàng.
“Năm nay, các ngân hàng đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ chính sách. CASA hay NIM hay tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế trong năm sau. Với những kỳ vọng về việc nền kinh tế năm 2024 tốt hơn thì tổng thu nhập của các ngân hàng sẽ tốt hơn vào năm sau”, bà Nguyễn Thị Phương Lam đánh giá.
Do đó, để doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn và quản trị tốt rủi ro khi thị trường hưng phấn, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư VinaCapital - VESAF cho biết, các quỹ lớn dựa vào yếu tố cơ bản là chính và thông thường sẽ có một danh mục cổ phiếu để theo dõi sát sao thị trường.
"Để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư trước các cạm bẫy của thị trường, chúng tôi nhìn vào giá trị nội tại để hành động, tính toán xác suất để kiếm được lợi nhuận, đó là cách VESAF đã áp dụng những năm qua.
Tuy nhiên, nếu trường hợp lợi nhuận doanh nghiệp giảm, các quỹ sẽ điều chỉnh lại việc định giá và phải luôn linh hoạt trước những diễn biến của thị trường, nhưng vẫn giữ lại tính kỷ luật trong quản trị rủi ro", chuyên gia lưu ý./.
Xem thêm: lmth.68632000042210202-71-gnourt-gnat-cum-tad-gnah-nagn-hnagn-ed-oan-os-oc/nv.semitaer