vĐồng tin tức tài chính 365

Đà Nẵng tập trung vào sản xuất, xuất khẩu để khôi phục kinh tế

2021-02-19 16:16

Đà Nẵng tập trung vào sản xuất, xuất khẩu để khôi phục kinh tế

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) - Các dự án sản xuất, xuất khẩu trong các lĩnh vực công nghiệp nặng, chế biến, công nghệ thông tin, phần mềm… sẽ là “chỗ dựa” cho thành phố Đà Nẵng trong năm nay để phục hồi kinh tế trong bối cảnh ngành du lịch, dịch vụ được dự báo còn gặp nhiều khó khăn do Covid-19.

Lễ ra quân đầu năm Dự án Khu công viên phần mềm số 2 diễn ra sáng 19-2 tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

Thúc dự án công nghệ thông tin

Dự án Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) sẽ được tăng thêm vốn hơn 500 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến sau khi bổ sung là hơn 1.300 tỉ đồng. Vốn tăng thêm này sẽ được sử dụng để đầu tư thêm các công trình phụ trợ cũng như bổ sung trạm biến áp và lưới điện công trình.

Thông tin này được ghi nhận trong báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng, chủ đầu tư dự án, tại buổi lễ ra quân đầu năm Dự án Khu công viên phần mềm số 2 diễn ra sáng 19-2 tại thành phố Đà Nẵng.

Theo kế hoạch, công trình đã được khởi công vào ngày 10-10-2020 và hoàn thành công trình theo hợp đồng là 31-8-2022, bao gồm 3 khối tòa nhà chính, bao gồm ICT, ICT1 và ICT2.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Ninh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng, cho biết một phần giai đoạn một của dự án sẽ được đẩy nhanh ít nhất sớm hơn 8 tháng để sớm phục vụ những doanh nghiệp đăng ký thuê tại đây.

Cụ thể, trong quá trình triển khai, Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA) Đà Nẵng có công văn đề nghị xử lý các kiến nghị của Công ty LG, trong đó có đề nghị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khối nhà ICT1. Trên cơ sở đề nghị của IPA Đà Nẵng, chủ đầu tư dự án đã làm việc với các nhà thầu thi công thống nhất rút ngắn thời gian hoàn thành gói thầu xây lắp khối nhà ICT1 để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thuê mặt bằng vào ngày 31-12-2021, rút ngắn thời gian so với hợp đồng đã ký là 8 tháng.

Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu

Bên cạnh thu hút và đẩy mạnh giải ngân các dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Đà Nẵng cũng kỳ vọng các dự án sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế thành phố cũng như góp phần gia tăng xuất khẩu.

Một góc cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng. Thành phố miền Trung đang trông chờ vào sản xuất, xuất khẩu làm động lực để khôi phục kinh tế. Ảnh: Nhân Tâm

Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology chuyên sản xuất sản phẩm và linh kiện thiết bị thủy lực (Van điện từ và bơm) tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có kế hoạch bán hàng cho năm tài chính mới (bắt đầu từ tháng 4 hằng năm) là 678 triệu yên, tăng khoảng 10% so với năm 2020.

Theo lý giải, hiện tại, sản xuất ở Trung Quốc và các quốc gia khác đang phát triển mạnh nên đầu vào ổn định, công ty có kế hoạch bắt đầu sản xuất toàn bộ các sản phẩm cho thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, công ty cũng nỗ lực để có thể xây dựng nhà xưởng giai đoạn 2 trong tương lai gần.

Trước đó, trong năm tài chính 2020, doanh thu công ty đạt được là 618 triệu yên (tương đương hơn 137 tỉ đồng). Do ảnh hưởng của Covid-19, lượng hàng tồn kho ở khách hàng lớn nên doanh số bán hàng của công ty đến tháng 11-2020 tương đối chậm. Tuy nhiên, sang tháng 12, tình hình dịch Covid được không chế nên đơn hàng được tăng lên nên hàng hoá bán đi được đảm bảo.

Trong khi đó, báo cáo về kết quả hoạt động của công ty trong lễ ra quân đầu năm, bà Nguyễn Thị Phi Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, tổng doanh thu năm 2020 của công ty là 2.315 tỉ đồng, tăng 10% so với kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu, đóng góp ngân sách đều tăng so với kế hoạch đề ra. Hiện công ty đang thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mới nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu An An tại tỉnh Tiền Giang với công suất 4.950 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 410 tỉ đồng. Dự án sẽ đi vào hoạt động trong quý 2-2021 và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.000 người lao động.

Theo đại diện của Cảng Đà Nẵng, việc nhiều dự án sản xuất trên địa bàn thành phố có kế hoạch tăng sản xuất và xuất khẩu cũng sẽ giúp các mục tiêu tăng trưởng của cảng sẽ đạt được.

Cụ thể, trong năm 2021 Cảng Đà Nẵng phấn đấu đạt sản lượng hàng hóa (chủ yếu thông qua cảng Tiên Sa) tăng 5% so với năm 2020, chỉ tiêu doanh thu tăng ít nhất 8% so với so với năm 2020, chỉ tiêu lợi nhuận tăng ít nhất 8% so với so với năm 2020 và thu nhập bình quân của người lao động đảm bảo ổn định.

Được biết, năm 2020, tổng lượng hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng đạt 11,4 triệu tấn, sản lượng container đạt khoản 554.000 Teus, tăng trưởng 17%, lợi nhuận tăng trưởng gần 15% so với năm 2019. Doanh thu của cảng năm 2020 đạt 930 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 260 tỉ đồng. Cảng Đà Nẵng trở thành top 10 cảng khai thác container lớn nhất Việt Nam và top 5 đơn vị logistics uy tín nhất ngành khai thác cảng.

Hiện tại, cảng Đà Nẵng có 18 hãng tàu container thường xuyên đến cảng xuất nhập hàng hóa, với khoảng 30 chuyến tàu container cập cảng mỗi tuần. Các hãng container hàng đầu thế giới như Wanhai, SITC, Yangming, Maersk Lines, Evergreen, MSC, CMA-CGM, ZIM,... đều đang là đối tác tin cậy của Cảng Đà Nẵng.

Theo công văn do Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa ký, thành phố tiếp tục tạm dừng, không tổ chức lễ hội, hoạt động, sự kiện tập trung đông người không cần thiết. Việc đi chúc Tết, du xuân, gặp mặt, liên hoan… cũng nên hạn chế. Các sự kiện tập trung đông người phải bố trí các tổ kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các biện pháp, các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế…

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu toàn dân thực hiện khai báo y tế; đặc biệt là công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên, khách du lịch… trở lại, đến thành phố Đà Nẵng sinh sống, làm việc, học tập, du lịch phải thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc khai báo y tế trực tiếp tại bến xe, ga tàu, sân bay, các chốt kiểm dịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nơi làm việc…

Việc bảo đảm an toàn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được thực hiện chặt chẽ. Các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp,… phải có phương án phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp khi tiến hành hoạt động sản xuất. Các cơ quan chức năng tăng cường việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện, không gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương có trách nhiệm yêu cầu các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi… (đơn vị) lập danh sách người lao động rời khỏi địa phương và trở về thành phố Đà Nẵng làm việc sau dịp Tết Nguyên đán (bao gồm địa chỉ cụ thể nơi từng lưu trú, làm việc tại địa phương khác), nếu phát hiện các trường hợp về từ vùng dịch mà chưa khai báo y tế với cơ quan chức năng hoặc thuộc diện phải cách ly y tế thì thông báo ngay cho Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp xử lý, can thiệp phù hợp theo quy định.

 

Xem thêm: lmth.et-hnik-cuhp-iohk-ed-uahk-taux-taux-nas-oav-gnurt-pat-gnan-ad/558313/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đà Nẵng tập trung vào sản xuất, xuất khẩu để khôi phục kinh tế”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools